Lần đầu tiên mở mộ Chúa Jesus sau nhiều thế kỷ
Theo truyền thống Kitô giáo, thi thể Chúa Jesus được đặt trên một chiếc kệ hoặc "giường chôn cất" bên trong một cấu trúc nhỏ gọi là Edicule ở Jerusalem.
Nhà thờ Mộ Thánh luôn được cho là nơi chôn chất Chúa Jesus
Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, các nhà khoa học đã khám phá bên trong khu vực luôn được coi là ngôi mộ của Chúa Jesus. Nằm ở Nhà thờ Mộ Thánh của Thành phố Cổ, Jerusalem, ngôi mộ có một tấm ốp đá cẩm thạch che đậy ít nhất từ năm 1555 sau Công nguyên, thậm chí có thể từ nhiều thế kỷ trước đó.
"Tấm đá cẩm thạch che ngôi mộ đã được kéo ra. Và chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi số lượng các vật liệu ở bên dưới", Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của Cộng đồng National Geographic, một đối tác trong dự án phục chế ngôi mộ, cho biết. "Sắp tới sẽ là những phân tích khoa học kéo dài, nhưng cuối cùng, chúng tôi sẽ có thể nhìn thấy bề mặt đá gốc, nơi đặt thi thể của Chúa Jesus theo truyền thống".
Các công nhân kéo tấm đá cẩm thạch che ngôi mộ, hé lộ rất nhiều vật liệu bên trong
Ngôi mộ được bao quanh bởi một cấu trúc nhỏ gọi là Edicule (trong tiếng Latin có nghĩa là "ngôi nhà nhỏ"), được sửa chữa lần cuối cùng vào năm 1808-1810 sau một vụ cháy. Edicule và ngôi mộ bên trong hiện đang được nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens phục chế, dưới sự chỉ đạo của Giám sát trưởng, Giáo sư Antonia Moropoulou.
Theo truyền thống Kitô giáo, thi thể Chúa Jesus được đặt trên một chiếc kệ hoặc "giường chôn cất", được đẽo vào trong một hang động đá vôi sau khi ông bị những người La Mã đóng đinh vào năm 30 hoặc có thể 33 sau Công nguyên.
Cũng theo đó, Chúa Jesus đã sống lại sau khi chết, và nhiều người phụ nữ đến ngôi mộ nói rằng thi thể của ông đã không còn ở đó.
Một nữ tu quỳ cầu nguyện tại "giường chôn cất" của Chúa Jesus trong Edicule
Tiếp xúc với ngôi mộ sẽ cho các nhà nghiên cứu một cơ hội chưa từng có để nghiên cứu bề mặt gốc của địa điểm được coi là thiêng liêng nhất trong Kitô giáo. Phân tích đá gốc có thể giúp họ hiểu rõ hơn về hình dạng ban đầu của buồng chứa ngôi mộ. Ngoài ra, phân tích cũng giúp các nhà khoa học hiểu hơn về việc ngôi mộ đã tiến hóa như thế nào để trở thành tâm điểm của sự tôn kính từ khi được phát hiện lần đầu tiên bởi Helena, mẹ của hoàng đế La Mã Constantine, vào năm 326 trước Công nguyên.
"Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng để phục chế Edicule," Moropoulou nói. "Các kỹ thuật chúng tôi đang sử dụng để “ghi lại” ngôi mộ này sẽ giúp mọi người có thể nghiên cứu nó như thể các bạn đang ở trong chính ngôi mộ của Chúa Jesus”.