Lần cuối cùng Thụy Điển phát động chiến tranh, kiểm soát nước láng giềng
Trong giai đoạn hoàng đế Pháp Napoleon phát động chiến tranh trên khắp châu Âu, Thụy Điển theo phe của Nga và Anh. Khi Napoleon thất thế, Thụy Điển nhân cơ hội phát động cuộc chiến nhằm kiểm soát nước láng giềng Na Uy.
Quân Thụy Điển và Na Uy giao tranh trong trận đánh ở làng Matrand vào ngày 5.8.1814.
Hôm 15.5, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố ủng hộ nước này gia nhập NATO, thay đổi lập trường trung lập đã kéo dài hơn 200 năm.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cùng ngày thông báo: "Điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển là chúng tôi sẽ đăng ký xin gia nhập ngay bây giờ và sẽ làm điều đó cùng Phần Lan".
Lần cuối cùng Thụy Điển tham gia một liên minh quân sự, phát động chiến tranh là vào năm 1814, khi tấn công vương quốc láng giềng Na Uy.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1812, thái tử Thụy Điển Karl Johan đạt thỏa thuận với Sa hoàng Nga Alexander I, được Nga hậu thuẫn để buộc liên minh Đan Mạch – Na Uy phải từ bỏ vùng lãnh thổ phía bắc (Na Uy) cho Thụy Điển.
Tuy nhiên, kế hoạch tấn công phải hoãn lại do hoàng đế Napoleon gây chiến với Nga. Ở thời điểm đó, Thụy Điển theo phe liên minh, bao gồm nhiều quốc gia trong đó có Anh và Nga. Liên minh Đan Mạch – Na Uy lại theo phe đế quốc Pháp của Napoleon.
Cuối năm 1813 và đầu năm 1814, cuộc chiến tranh Napoleon ở châu Âu đã ngã ngũ, phe Napoleon cầm chắc thất bại. Thụy Điển với sự hậu thuẫn của Anh, gây sức ép buộc Đan Mạch ký hiệp ước hòa bình Kiel, trong đó Đan Mạch nhường vương quốc Na Uy cho Thụy Điển.
Một khẩu đại bác của quân Thụy Điển, do phía Na Uy thu giữ.
Người Na Uy liên minh với Đan Mạch từ những năm 1700, luôn nuôi mộng độc lập hoàn toàn. Nhân cơ hội này, Na Uy tuyên bố độc lập. Hiến Pháp Na Uy được soạn thảo vào tháng 5.1814. Hoàng tử Đan Mạch Christian Fredrik được Na Uy chọn làm vua vào ngày 17.5.1814.
Đại diện các cường quốc khi đó gồm Anh, Phổ, Nga và Áo tới Na Uy, nhằm thuyết phục vương quốc này liên minh với Thụy Điển nhưng thất bại.
Từ tháng 5.1814, Thái tử Thụy Điển Karl Johan, xuất thân là một tướng lĩnh quân sự, quyết định sử dụng vũ lực để buộc Na Uy phải chịu sự quản lý của vương quốc Thụy Điển.
Thái tử Karl Johan huy động khoảng 45.000 quân, 33 tàu chiến, 60 khẩu pháo lớn cho cuộc chinh phạt Na Uy. Ở phía bên kia chiến tuyến, Na Uy có đội quân gồm 30.000 người, hàng chục tàu chiến với nhiều kích thước khác nhau.
Đội quân Na Uy có tinh thần chiến đấu kém, trang bị nghèo nàn và các tướng lĩnh yếu kém.
Người Thụy Điển khi đó hay nói đùa rằng Na Uy “không biết cách tiến hành chiến tranh”, theo trang Napoleon Series. Lời nói này phần nào có cơ sở bởi lãnh đạo vương quốc Na Uy, vua Christian Fredrik chỉ mới 27 tuổi và không có kinh nghiệm cầm quân.
Ngày 12.7, thái tử Karl Johan nhận lệnh vua cha Charles XIII, thống lĩnh quân đội tập hợp ở biên giới Thụy Điển – Na Uy. Sau nỗ lực gây sức ép không thành công, Karl Johan phát động chiến tranh.
Cuộc chiến giữa Thụy Điển và Na Uy kéo dài trong hơn 2 tuần, từ ngày 26.7 – 14.8.1814. Quân đội Thụy Điển tiến công như vũ bão, chỉ bị người Na Uy chặn lại trong trận Lier vào ngày 2.8.1814.
Thái tử Karl Johan, người sau này là vua Thụy Điển, thống lĩnh 40.000 quân tấn công Na Uy.
Trong trận này, quân Na Uy nhận ra thuốc súng sản xuất có chất lượng kém. Súng của quân Thụy Điển bắn xa 250 mét, trong khi súng của Na Uy chỉ bắn được 125 mét. Nhưng quân Na Uy bắn tốt hơn nên phần nào khắc phục nhược điểm do thuốc súng.
Skiløper Ola Brænd, một người từng tham gia cuộc chiến, nói: “Thụy Điển năm 1814 không khác là bao so với năm 1808, quân Thụy Điển bắn súng một cách tùy ý. Na Uy chủ động giao tranh ở cự ly gần”.
Ngày 3.8.1814, vua Na Uy Christian Fredrik ra tiền tuyến, chỉ huy 6.000 quân phản kích quân Thụy Điển, nhưng sau đó phải rút lui.
Quân Thụy Điển do thái tử Karl Johan chỉ huy quyết định vượt phòng tuyến, bỏ qua quân chủ lực Na Uy để tiến về thủ đô của Na Uy là Kristiania (nay đổi tên thành Oslo).
Sau chiến thắng trong trận đánh ở cầu Kjølberg vào ngày 14.8, Karl Johan đã mở đường tới kinh đô Na Uy. Vương Quốc Anh khi đó hỗ trợ Thụy Điển phong tỏa đường biển, cắt đứt tuyến đường thương mại, khiến đội quân của vua Na Uy Christian Fredrik càng gặp khó khăn.
Tình hình khi đó trở nên nguy cấp, Na Uy không nhận được sự chi viện từ bên ngoài, không thể đối đầu với Thụy Điển về lâu dài.
Về phía Thụy Điển, thái tử Karl Johan muốn sớm kết thúc chiến tranh, đưa ra đề nghị ngừng bắn. Karl Johan yêu cầu Na Uy phải sáp nhập vào Thụy Điển, nhưng được duy trì Hiến pháp và cơ quan lập pháp riêng.
Vua Na Uy Kristian Frederik bị buộc phải thoái vị, quay trở về Đan Mạch. Ngày 4.11.1815, Na Uy thừa nhận vua Thụy Điển Charles XIII là vua của Na Uy, qua đó chấp nhận sự thống trị của nước láng giềng.
Vương quốc Liên hiệp Thụy Điển và Na Uy hình thành với cơ cấu hoạt động đối nội riêng, nhưng có chung một nhà vua và có chính sách đối ngoại chung.
Bên cạnh những thay đổi nội bộ bên trong Na Uy, một yếu tố then chốt cho phép Na Uy tách khỏi Thụy Điển là sự hình thành phong trào dân chủ xã hội. Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển được thành lập vào năm 1889, chủ chương phản đối sử dụng vũ lực để đàn áp người Na Uy. Đại đa số người Thụy Điển cũng ủng hộ Na Uy độc lập.
Ngày 31.8.1905, phái đoàn Na Uy và Thụy Điển gặp nhau tại thành phố Karlstad (Thụy Điển) để thương lượng về điều khoản giải thể. Mặc dù nhiều chính trị gia cánh hữu ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn, vua Oscar II của Thụy Điển lại nghiêng về phương án chấp nhận từ bỏ Na Uy còn hơn là liều lĩnh chiến tranh.
Sự ủng hộ tích cực của công chúng Na Uy đối với phong trào giành độc lập đã thuyết phục các cường quốc châu Âu. Thụy Điển lo ngại đàn áp người Na Uy có thể dẫn đến việc nước này bị châu Âu cô lập.
Thụy Điển chính thức công nhận nền độc lập của Na Uy vào ngày 26.10.1905, khi Vua Oscar II tuyên bố ông và các con cháu không còn bất cứ ràng buộc nào với ngai vàng ở Na Uy. Kể từ đó đến nay, Na Uy là một quốc gia độc lập.
Hôm 15.5, sau Phần Lan, Thụy Điển cũng xác nhận sẽ xin gia nhập NATO, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]