Làm thế nào Quan Vũ được nâng tầm trở thành huyền thoại ở Trung Quốc?
Võ Thánh Quan Vũ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, được người dân ở mọi tầng lớp khác nhau thờ phụng.
Tượng Quan Vũ nặng 1.200 tấn ở thành phố Kinh Châu sẽ bị di dời.
Wei Long, 57 tuổi, giám đốc Viện bảo tồn đền thờ Quan Vũ ở thành phố Vận Thành, tỉnh Thiểm Tây đã dành 3 năm và 12 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,72 triệu USD) để làm bộ phim hoạt hình về “Chiến thần Quan Công”.
Bộ phim ra mắt vào ngày 11.1.2020, nhân kịp kỷ niệm 1.860 năm ngày sinh của Võ Thánh Quan Vũ. Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng nổ đúng vào thời điểm đó ở Trung Quốc đã khiến bộ phim chìm vào quên lãng.
“Nối tiếp thành công của những bộ phim hoạt hình ăn khách như ‘Tây du ký: Đại Thánh trở về’ và ‘Na Tra: Ma đồng giáng thế’, chúng tôi tin tưởng bộ phim về Quan Vũ sẽ tạo nên bom tấn”, ông Wei nói. “Kết quả không đạt như kì vọng. Nhưng chúng tôi không suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng tôi đã làm được một điều gì đó cho ngài”.
Kể từ khi là giám đốc viện bảo tồn vào năm 2004, ông Wei thường xuyên đến kiểm tra các đền thờ Quan Vũ trên khắp Trung Quốc, hướng dẫn và đề ra phương án trùng tu, tổ chức các sự kiện và trưng bày hiện vật. Cứ vào ngày 24 của tháng 6 âm lịch, lễ kỷ niệm ngày sinh của Quan Vũ được tổ chức rầm rộ trên khắp Trung Quốc.
Rất ít nhân vật lịch sử tạo ra tầm ảnh hưởng sâu rộng như Quan Vũ ở Trung Quốc. Ông được nâng tầm trở thành Võ Thánh với nhiều các tên gọi khác nhau như Quan Công, Quan Đế.
Tượng đồng Quan Vũ ở Vận Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Đối với những người am hiểu lịch sử Trung Quốc thời Tam Quốc (năm 220-280), việc Quan Vũ trở thành huyền thoại là điều khá khó hiểu. Sinh thời, Quan Vũ không phải là chiến lược gia xuất sắc, cũng không phải là một vị tướng giỏi trận mạc vì đã để mất Kinh Châu, phá vỡ thế chân vạc thời Tam Quốc.
Theo Sixthtone, Quan Vũ không phải là nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc đến tận thời nhà Đường (năm 618-907), nhưng lại được biết đến rộng rãi dưới thời nhà Tống (năm 960-1279).
Hoàng đế Trung Hoa Tống Huy Tông không phải là người cai trị kiệt xuất, nhưng là một người đam mê Đạo giáo, là người đầu tiên đưa Quan Vũ trở thành huyền thoại trong Đạo giáo. Đến thời nhà Minh (năm 1368-1644), Quan Vũ tiếp tục được nâng tầm ngang với hoàng đế (Quan Đế)
Đến khi nhà Thanh sụp đổ năm 1912, hình tượng Quan Vũ có ảnh hưởng lớn trong văn hóa Trung Quốc đến mức vượt qua cả Khổng Tử.
Trong ba hệ thống tín ngưỡng chính của Trung Quốc là Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo, Khổng Tử chỉ được tôn sùng trong một hệ thống duy nhất. Trong khi đó, Quan Vũ được tôn sùng ở cả 3 hệ tín ngưỡng này.
Trong xã hội, Quan Vũ trở thành một vị thần hộ mệnh, được người dân Trung Quốc tôn thờ. Thợ rèn, nghệ sĩ, cho đến cảnh sát, thương nhân hay băng đảng xã hội đen đều thờ Quan Vũ. Đến lúc này, Quan Vũ trở thành một trong 4 vị thần lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính.
Điều gì khiến cho đại đa số người Trung Quốc thờ Quan Vũ, từ hoàng đế cho đến thường dân, từ cảnh sát cho đến tội phạm? Câu trả lời nằm ở sự trung nghĩa.
Trung nghĩa là từ kết hợp giữa trung thành và chính nghĩa, là hai đức tính mà bất kì người anh hùng nào cũng cần có, theo quan niệm ở Trung Quốc.
Đền thờ Quan Vũ ở Vận Thành.
Cuốn tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” viết vào thời nhà Minh, một trong tứ đại danh tác ở Trung Quốc, tập trung vào hai đức tính của Quan Vũ.
Dưới thời nhà Thanh, các hoàng đế người Mãn rất thích câu chuyện Quan Vũ trung thành với Lưu Bị, nhưng vẫn quỳ gối trước Tào Tháo, phục vụ dưới trướng Tào Tháo nhưng một ngày mong quay về với Lưu Bị.
Câu chuyện này ngày càng được lan truyền rộng rãi, coi là hành động của sự chính trực. Ngày nay, sự trung nghĩa của Quan Vũ vẫn còn được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc, thậm chí còn có xu hướng gia tăng khi chính quyền Trung Quốc “chủ trương đề cao văn hóa truyền thống, thúc đẩy lòng yêu nước của người dân”.
“Lòng trung thành của Quan Công với đất nước, đối xử nhân từ với người khác, thể hiện tình huynh đệ chính nghĩa và dũng cảm trong chiến đấu hoàn toàn phù hợp với các giá trị cốt lõi ở Trung Quốc. Đó là lòng yêu nước, sự cống hiến, tình hữu nghị và sự chính trực”, ông Wei nói.
Ông Wei không phải người duy nhất có quan điểm này. Năm 2016, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã đưa vấn đề “khám phá giá trị trung nghĩa của Quan Công” vào báo cáo công việc hàng năm.
Những người dân bình thường ở Trung Quốc cũng có lý do riêng để tôn thờ Quan Vũ. Tại đền thờ Quan Vũ ở Vận Thành, những dòng chữ viết tay mong muốn thành công trong kỳ thi Đại học, cầu thăng quan tiến chức, cầu mong tiền tài rất phổ biến. Có người còn cầu mong Quan Vũ giúp giải quyết những xích mích cá nhân.
Ở Trung Quốc, hình tượng Quan Vũ được tìm thấy phổ biến trong phim ảnh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử và thậm chí gần đây Quan Vũ còn trở thành ông già Noel.
Hong Kong có nhiều nơi thờ các vị thần, nhưng chỉ có một vị thánh được cả cảnh sát và xã hội đen Trung Quốc thờ....
Nguồn: [Link nguồn]