Chuyện ăn chặn tiền từ thiện ở nước ngoài

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vấn nạn ăn chặn tiền từ thiện đã trở thành một hiện tượng ở nhiều nơi trên thế giới, làm xói mòn lòng tin của công chúng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người cần sự giúp đỡ. Những vụ việc liên quan đến lợi dụng quỹ từ thiện liên tục xuất hiện, đặt ra câu hỏi về nguyên nhân và cách ngăn chặn.

Ăn chặn tiền từ thiện là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: Muslim Charity Forum

Ăn chặn tiền từ thiện là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia. Ảnh minh họa: Muslim Charity Forum

Các vụ ăn chặn tai tiếng trên thế giới

Trên thế giới, nhiều vụ bê bối về ăn chặn tiền từ thiện đã bị phát hiện. Một trong những vụ lớn liên quan đến tổ chức On Your Feet Inc. do cặp vợ chồng Geraldine và Clayton Hill lập ra. Cặp đôi này bị buộc tội sử dụng tổ chức từ thiện để trục lợi cá nhân năm 2020. 

Theo trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, cặp vợ chồng này lợi dụng danh nghĩa tổ chức từ thiện On Your Feet Inc. để tới các công ty lớn xin họ tài trợ cho hàng hóa thiết yếu, hứa hẹn rằng những hàng hóa này sẽ được trao tới tận tay những người nghèo. 

Tuy nhiên, thay vì phát cho người khó khăn, Geraldine và Clayton đã bán các hàng hóa này cho các nhà bán lẻ với giá chiết khấu, thu về hơn 1,3 triệu USD. Số tiền đó được họ dùng để ăn chơi trác táng, bao gồm mua xe hơi, đi nghỉ dưỡng và các khoản chi tiêu khác.

Geraldine và Clayton cũng làm giả các báo cáo tài chính và khai sai thu nhập nhằm tránh sự giám sát của cơ quan thuế của Mỹ. Tổ chức từ thiện của cặp đôi này được miễn thuế. Cả hai cuối cùng đã bị kết án tù với các tội danh gian lận và trốn thuế vào năm 2020​.

Theo trang web Bộ Tư pháp Mỹ, tổ chức Associated Community Services (ACS) của Mỹ cũng dính vào vụ lừa đảo lớn trong giai đoạn 2008 - 2019, khi chỉ dành 1% số tiền quyên góp cho việc làm từ thiện. Họ đã sử dụng robocall (cuộc gọi tự động, trong đó nội dung đã được ghi sẵn và được phát tới hàng loạt người nhận) để thực hiện 1,3 tỷ cuộc gọi lừa đảo, kiếm được số tiền khổng lồ trong khi phần lớn lợi ích vào tay lãnh đạo​ ACS và chỉ có số ít ỏi dùng làm từ thiện.

Người sống sót ở Haiti dọn dẹp đống đổ nát sau thảm họa động đất năm 2010. Ảnh: CNS

Người sống sót ở Haiti dọn dẹp đống đổ nát sau thảm họa động đất năm 2010. Ảnh: CNS

Theo Global News, cuộc điều tra năm 2015 của NPR và ProPublica cho thấy sau trận động đất năm 2010 ở Haiti, hội Chữ thập đỏ Mỹ đã huy động hơn 500 triệu USD để giúp đỡ nạn nhân nhưng thực tế chỉ xây được 6 căn nhà. Phần lớn tiền quyên góp đã bị thất thoát do quản lý yếu kém.

BBC năm 2018 đưa tin, tổ chức Missionaries of Charity ở Ấn Độ dính cáo buộc tham nhũng và bán trẻ em mồ côi cho các cặp vợ chồng không con. Ngày 11/9/2024, cảnh sát Malaysia đột kích quy mô 20 cơ sở từ thiện ở nước này, giải cứu hơn 400 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 17 bị lạm dụng. Đây là 2 trong nhiều ví dụ về việc các tổ chức từ thiện bị lợi dụng. 

Theo Fact Magazine, ca sĩ Wyclef Jean, người sáng lập tổ chức từ thiện Yele Haiti, bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền quyên góp cho nạn nhân động đất ở Haiti năm 2010 để chi tiêu cho mục đích cá nhân. Điều này cho thấy, việc ăn chặn tiền từ thiện có thể xảy ra ở cả các tổ chức từ thiện nhỏ​ và cá nhân.

Tại sao các tổ chức từ thiện dễ xảy ra việc bị ăn chặn?

Các tổ chức từ thiện thường dễ bị ăn chặn tiền từ thiện vì nhiều lý do, nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là văn hóa của các tổ chức này. Do mục tiêu nhân đạo, các tổ chức này thường thu hút những người có thiên hướng làm từ thiện. Ban quản lý thường mặc định rằng các nhân viên đang cống hiến vì mục tiêu chung là từ thiện. Sự tin tưởng này khiến việc kiểm tra chặt chẽ tài chính và hành vi nhân viên ít được quan tâm hơn. Điều này đặc biệt phổ biến đối với các giao dịch nhỏ hoặc nhân viên cấp thấp.

Hành vi ăn chặn tiền từ thiện rất dễ nảy sinh trong các hoạt động từ thiện. Ảnh minh họa: Searchseven

Hành vi ăn chặn tiền từ thiện rất dễ nảy sinh trong các hoạt động từ thiện. Ảnh minh họa: Searchseven

Thêm vào đó, sự thiếu minh bạch trong quản lý tài chính là yếu tố quan trọng khiến tình trạng ăn chặn dễ dàng diễn ra. Nhiều tổ chức từ thiện không có các quy định kiểm tra rõ ràng, đặc biệt là trong các khu vực khủng hoảng nhân đạo. Khi tiền từ thiện được huy động nhanh chóng, việc giám sát chi tiêu thường bị bỏ qua, tạo điều kiện cho hành vi ăn chặn.

Ngoài ra, các tổ chức từ thiện quốc tế phải đối mặt với sự phức tạp trong quản lý dòng tiền qua nhiều tầng lớp tổ chức. Điều này làm cho việc kiểm soát dòng tiền trở nên khó khăn hơn và dễ bị lạm dụng​.

Giải pháp ngăn ăn chặn từ thiện trên thế giới

Trước tình trạng trên, một số quốc gia và tổ chức đã tìm ra những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tham nhũng trong các hoạt động từ thiện. Đầu tiên phải kể đến sự minh bạch và tính trách nhiệm, vốn là nền tảng của mọi nỗ lực chống tiêu cực, tham nhũng.

Ở Mỹ, Charity Navigator là một tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng giúp đánh giá mức độ minh bạch và hiệu quả của các tổ chức từ thiện. Tổ chức này sử dụng các tiêu chí như quản lý tài chính, minh bạch, trách nhiệm và tác động của tổ chức để đưa ra xếp hạng từ 0 đến 4 sao. Các thông tin này giúp người quyên góp hiểu rõ hơn cách tổ chức sử dụng nguồn lực và đưa ra quyết định tài trợ có trách nhiệm. Từ đó, hạn chế nguy cơ tiền từ thiện bị lạm dụng.

Charity Navigator là một tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng ở Mỹ giúp đánh giá mức độ minh bạch và hiệu quả của các tổ chức từ thiện. Ảnh: Direct Relief

Charity Navigator là một tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng ở Mỹ giúp đánh giá mức độ minh bạch và hiệu quả của các tổ chức từ thiện. Ảnh: Direct Relief

Tại châu Âu, nhiều nước đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về giám sát hoạt động của các tổ chức từ thiện. Ở Đức, các tổ chức từ thiện phải tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán khắt khe và công khai báo cáo tài chính thường niên. Ngoài ra, những tổ chức có quy mô lớn còn phải được kiểm toán độc lập để đảm bảo mọi khoản tiền được sử dụng đúng mục đích. 

Đức còn có một "Sổ đăng ký Minh bạch" để giám sát quyền sở hữu và kiểm soát các tổ chức và công ty liên quan, bao gồm cả các tổ chức từ thiện. Điều này nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố, đảm bảo rằng các tổ chức tuân thủ quy định pháp luật về tài chính.

Một giải pháp công nghệ hiện đại là việc ứng dụng blockchain để quản lý quỹ từ thiện. Công nghệ blockchain mang lại 2 lợi ích. Thứ nhất là minh bạch - mọi giao dịch được công khai và không thể chỉnh sửa. Thứ hai là an toàn - các giao dịch trên blockchain được mã hóa và xác nhận bởi nhiều bên, giúp giảm rủi ro lạm dụng hay gian lận.

Tại Kenya, tổ chức từ thiện GiveDirectly đã sử dụng blockchain để phân phối trực tiếp tiền trợ giúp cho người nghèo, tránh các khâu trung gian có thể dẫn đến việc ăn chặn.

Vai trò của chính phủ các nước cũng rất quan trọng trong việc ngăn ăn chặn tiền từ thiện.

Các cơ quan chính phủ yêu cầu các tổ chức từ thiện phải đăng ký, tuân thủ các quy định tài chính và minh bạch trong việc báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thành lập các đơn vị điều tra chuyên về ăn chặn tiền từ thiện và xử phạt nghiêm các hành vi đó.

Chính phủ các nước còn có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực giám sát, và ngăn chặn các hoạt động ăn chặn đa quốc gia.

Chính phủ cũng có thể khuyến khích cộng đồng kiểm tra kỹ các tổ chức từ thiện trước khi quyên góp và cung cấp các công cụ để xác minh tính hợp pháp của các tổ chức từ thiện này.

Vấn nạn ăn chặn tiền từ thiện gây mất lòng tin của công chúng và ảnh hưởng đến những người thật sự cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, với các biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt, áp dụng công nghệ tiên tiến cộng với vai trò quản lý, giám sát của chính phủ, chúng ta có thể giảm thiểu tình trạng ăn chặn tiền từ thiện.

Nguồn: [Link nguồn]

Cảnh sát Malaysia đột kích quy mô 20 cơ sở từ thiện ở nước này, giải cứu hơn 400 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 17.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN