Lạc đường, phát hiện bộ lạc nguyên thủy ở rừng Amazon
Tộc người nguyên thủy từng được phát hiện từ năm 1988 nhưng chưa bao giờ liên lạc với thế giới văn minh.
Những ánh mắt hoảng hốt khi thấy trực thăng lần đầu.
Nhiếp ảnh gia người Brazil Ricardo Stuckert mới đây đã chụp được những bức hình ấn tượng sau khi máy bay trực thăng của anh lạc đường. Bộ lạc sống trong rừng rậm Brazil, chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài hiện lên đầy bất ngờ trong khung hình của Ricardo.
“Tôi rút máy ảnh ra và bấm máy liên tục”, Ricardo nói. “Tôi không có thời gian nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra”.
Ricardo kể rằng khi chiếc trực thăng chuyển hướng bay mới, anh vô tình nhìn thấy một dãy nhà lụp xụp ở khu vực Acre, miền tây bắc Brazil, giáp biên giới Peru. Họ nhìn anh bằng ánh mắt rất hoảng hốt.
Ngày 18.12, trên đường bay qua khu rừng Amazon, Ricardo lại gặp may khi tiếp tục chụp được bộ lạc nguyên thủy này. Brazil hiện có 80 bộ lạc nguyên thủy nhưng sự tồn tại của họ đang bị đe dọa bởi những kẻ đốn gỗ, khai mỏ và buôn ma túy.
Ricardo nói anh rất ấn tượng trước những người nguyên thủy. Anh so sánh rằng khi trời lạnh, người hiện đại mặc áo rét còn họ thì sơn lên người để…che thân. Theo Jose Carlos Meirelles, chuyên gia về người nguyên thủy ở Brazil, hiện có 3 tộc người độc lập sinh sống ở bang Acre.
Nhóm này gồm 23 người gồm nam, nữ và trẻ em. Họ thường sống gần biên giới Peru và không liên lạc với thế giới bên ngoài. “Những bức ảnh này là tư liệu quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về họ”, Jose nói.
Năm 2014, một bộ lạc từ bang Acre có tên Txapanawa lần đầu tiên liên lạc với người hiện đại. Jose nói những người nguyên thủy tin rằng máy bay trực thăng là một con chim khổng lồ, kì bí và không biết bên trong có người ngồi.
Jose cho biết lần đầu tiên anh phát hiện ra dấu vết của những bộ lạc nguyên thủy là năm 1988. Năm 2010, anh tiếp tục ghi nhận được hình ảnh của họ. “Người nguyên thủy sử dụng rìu, dao, rựa. Họ biết về sự tồn tại của thế giới văn minh nhưng hiểu rất ít. Họ không suy nghĩ phức tạp như chúng ta”, Jose chia sẻ.
Jose nói rằng có khoảng 300 người nguyên thủy đang sống trong các bộ lạc. Họ trồng chuối, khoai lang, sắn, hạt dẻ, săn bắn và bắt cá. Họ trông khỏe mạnh nhưng Jose lo sợ nhóm này sẽ bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng tràn lan.
“Họ không có tên riêng nên chúng tôi gọi họ là chủ nhân sông Humaita”, Jose nói. “Họ không liên lạc với bất kì ai. Chúng ta không biết họ dùng ngôn ngữ gì. Đây là điều may mắn vì tới ngày con người hiện đại hiểu hơn về họ, rắc rối sẽ nảy sinh”.