Lá Q bích trong bộ bài Tây: Lấy vua Pháp bị chê ngoại tình, lấy vua Anh thì bị giam lỏng

Được thừa hưởng khối tài sản kếch xù ở tuổi 15, là bà hoàng của cả Pháp và Anh nhưng Eleanor - nhân vật xuất hiện trên lá Q bích của bộ bài Tây (52 lá) - vẫn phải nếm trải cay đắng của hoàng gia, khởi nguồn từ những tin đồn ngoại tình.

Nữ hoàng Eleanor được xem là một trong số các nhân vật quyền lực nhất thời Trung Cổ. Ảnh minh họa: Ancient Page

Nữ hoàng Eleanor được xem là một trong số các nhân vật quyền lực nhất thời Trung Cổ. Ảnh minh họa: Ancient Page

Theo trang The Art of Mystery, nữ hoàng Eleanor chính là nhân vật được in trên lá bài Q bích của bộ bài Tây. Nhiều người có thể biết về cuộc sống hoàng gia đầy mơ ước của Eleanor nhưng ít ai hay những cay đắng, tủi nhục bà từng nếm trải. 

15 tuổi – người độc thân được nhiều người theo đuổi nhất châu Âu

Ở tuổi 15, nữ hoàng Eleanor được xem là người độc thân được nhiều săn đón nhất ở châu Âu. Ảnh minh họa: Monarchy of Britain

Ở tuổi 15, nữ hoàng Eleanor được xem là người độc thân được nhiều săn đón nhất ở châu Âu. Ảnh minh họa: Monarchy of Britain

Theo trang History, Eleanor sinh ra vào năm 1122 ở khu vực mà ngày nay là miền nam nước Pháp. Bà là con cả của William X - công tước thứ 10 của xứ Aquitaine (Pháp). 

Lớn lên ở một trong những triều đình Châu Âu giàu văn hóa nhất nên Eleanor được thừa hưởng một nền giáo dục toàn diện. Dù nhỏ tuổi, Eleanor đã thông thạo văn học, triết học và biết nhiều thứ tiếng. Bà cũng được đào tạo bài bản để thích ứng với cuộc sống hoàng gia và trong tương lai có thể là người kế thừa ngai vị. 

Năm 1137, cha và em trai duy nhất qua đời, để lại cho bà Eleanor một gia tài khổng lồ ở miền nam và tây nam nước Pháp. Ở tuổi 15, Eleanor bỗng nhiên trở thành người thừa kế độc thân được nhiều người theo đuổi nhất ở châu Âu lúc đó. 

Trở thành hoàng hậu Pháp, khởi đầu nỗi oan

Nữ hoàng Eleanor và vua Louis VII. Ảnh: Tumblr

Nữ hoàng Eleanor và vua Louis VII. Ảnh: Tumblr

Trước khi qua đời, công tước William X đã trao quyền giám hộ Eleanor cho vua nước Pháp, lúc bấy giờ là Louis VI. Vài giờ sau, Eleanor được hứa hôn với Louis - con trai và là người kế vị của vua Louis VI. 

Động cơ của việc hứa hôn này chính là giành số tài sản mà Eleanor được thừa hưởng về cho vua nước Pháp. Cuối tháng 7/1137, nữ công tước Eleanor của xứ Aquitaine chính thức kết hôn với Louis - người kế vị vua Louis VI. Ngày 1/8/1137, vua Louis VI qua đời. Chồng của Eleanor chính thức lên ngôi, trở thành vua nước Pháp - Louis VII. 

Vì chồng sống ở một vùng khác của nước Pháp, Eleanor buộc phải rời bỏ xứ Aquitaine thân thuộc để chuyển tới mảnh đất xa lạ ở miền bắc, sống cùng chồng. Điều này cộng với tính chất của một cuộc hôn nhân sắp đặt khiến hoàng hậu nước Pháp luôn cảm thấy cô đơn. 

Mối quan hệ của Eleanor và vua Louis VII cũng không mấy mặn nồng. Dù xấp xỉ tuổi nhau, nhưng Louis VII không phải người dễ gần và rất hay ghen. Điều này khiến cuộc sống của bà Eleanor không mấy thoải mái. 

Năm 1147, vua Louis VII quyết định đưa hoàng hậu Eleanor cùng tham gia cuộc Thập tự chinh thứ 2. Thập tự chinh là một loạt các chiến dịch quân sự được tiến hành vì lý do tôn giáo bởi các quốc gia Công giáo La Mã ở Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp và Đế quốc La Mã, nhằm khôi phục lại sự kiểm soát của người Kitô giáo ở vùng Đất Thánh (thành phố Jerusalem), nơi bị người Hồi giáo chiếm giữ.

Quyết định mang theo hoàng hậu của vua Louis VII khiến nhiều người bất ngờ vì thông thường chỉ có gái nhà thổ mới được đi theo phục vụ trong các cuộc Thập tự chinh. Thời điểm đó, một số nhà quan sát cho rằng, vua nước Pháp cố tình để vợ bị soi mói, trong khi những người khác cho rằng, vua Louis VII quá yêu vợ nên không muốn để bà cô đơn trong lâu đài lạnh lẽo. Một số khác tin rằng, vua Louis VII mang theo vợ vì bà là người có đầu óc chính trị.

Cuộc Thập tự chinh thứ 2 kết thúc thảm hại với vua Louis VII. Không chỉ thất bại về mặt quân sự, vua Louis VII còn nhận những tin đồn về sự không chung thủy của hoàng hậu Eleanor. 

Hoàng hậu của nước Pháp vướng vào tin đồn có quan hệ tình cảm với chú ruột của bà. Những tin đồn không có cơ sở nhanh chóng biến mất nhưng tình cảm của nhà vua và hoàng hậu nước Pháp bắt đầu rạn nứt.

Thời điểm quyết định trong cuộc hôn nhân của cặp đôi hoàng gia Pháp là khi bà Eleanor sinh con gái thứ 2 năm 1150. Vua Louis VII không chịu được sức ép từ những tin đồn vợ không chung thủy cộng với thực tế vợ chỉ sinh con gái. Vì vậy, vị vua nước Pháp bắt đầu tìm lý do để ly hôn. 

Năm 1152, Eleanor và vua Louis VII chính thức ly hôn. Theo History, lý do được đưa ra là vì vua phát hiện có quan hệ họ hàng gần gũi với hoàng hậu. Hai con gái lúc đó thuộc quyền giám hộ của nhà vua.

Nữ hoàng Anh - nỗi oan được hóa giải - mầm mống bất hạnh

Đám cưới của bà Eleanor và công tước xứ Normandy - Henry - người sau đó là vua nước Anh. Ảnh: Lookandlearn

Đám cưới của bà Eleanor và công tước xứ Normandy - Henry - người sau đó là vua nước Anh. Ảnh: Lookandlearn

Sau khi ly dị vua Louis VII, bà Eleanor đòi lại được số tài sản vốn từng là của cha để lại và trở về xứ Aquitaine năm 1152. Chưa đầy một năm sau, bà kết hôn với công tước xứ Normandy - Henry - người kém bà 11 tuổi. 

Trong 2 năm sau khi kết hôn, Henry và Eleanor lần lượt được phong làm vua và nữ hoàng Anh sau cái chết của vua Stephen. 

Cuộc hôn nhân thứ 2 đã giúp Eleanor hóa giải được nỗi oan "chỉ đẻ con gái" với đời chồng trước là vua Louis VII. Trong 8 người con của bà với người chồng thứ 2 - vua Henry II - có 5 người là con trai. 

Tuy nhiên, mầm mống bất hạnh bắt đầu được gieo giữa nữ hoàng Anh và chồng khi vua Henry II không muốn bà can dự quá nhiều vào việc triều chính. Với tư cách là một phụ nữ từng tham gia cuộc Thập tự chinh thứ 2, bà Eleanor không chấp nhận điều này. 

Dù có những bất đồng, nhưng trong những thập kỷ đầu tiên, cuộc hôn nhân của nữ hoàng Anh và chồng vẫn êm đềm. Dù không thể ở bên nhau thường xuyên vì cả 2 phải đi đi về về giữa Anh và Pháp để lo công việc đất nước, nhưng cặp đôi đã có với nhau 8 người con trong 13 năm. Điều đó chứng tỏ họ vẫn rất gắn bó. 

Nổi loạn và bị quản thúc

Giống cuộc hôn nhân đầu tiên, những tin đồn về việc Eleanor ngoại tình lại xuất hiện. Ngoài ra, vua Henry II tiếp tục hạn chế vai trò chính trị của vợ. Khi các con trưởng thành và đòi hỏi các vị trí quyền lực cao hơn, vua Henry II vẫn từ chối thoái vị và muốn duy trì quyền lực trong tay. 

Các mâu thuẫn và xung đột xảy ra dẫn đến một cuộc nổi loạn của các con trai vua Henry II vào năm 1173. Trong 16 năm tiếp theo, vua Henry II phải tranh giành quyền lực với chính các con của mình. 

Theo trang The Great Courses Daily, nữ hoàng Eleanor có đủ lý do để đứng về phía các con. Việc vua Henry II không cho nắm giữ vai trò chính trong cai trị đất nước khiến bà Eleanor cay đắng và tức giận. 

Ngoài ra, vua của nước Anh khi đó còn có vô số nhân tình xung quanh. Điều đó càng khiến bà Eleanor ủng hộ các con trai, nhất là Richard (biệt danh Lionheart) - người con trai thứ 3. 

Sau thất bại trong cuộc nổi loạn năm 1173, các con trai của bà Eleanor phải bỏ trốn sang Pháp. Nữ hoàng Eleanor cũng định chạy trốn theo các con nhưng không thành. Vua Henry II yêu cầu quản thúc tại gia (giam lỏng) vợ vĩnh viễn. Nữ hoàng Anh sống trong một lâu đài sang trọng nhưng không được phép rời khỏi đó nửa bước. 

Những năm cuối - tuổi gần thất thập vẫn can dự việc triều chính

Ở tuổi thất thập, nữ hoàng Eleanor vẫn can dự sâu vào việc triều chính. Ảnh minh họa: The Makeup Gallery

Ở tuổi thất thập, nữ hoàng Eleanor vẫn can dự sâu vào việc triều chính. Ảnh minh họa: The Makeup Gallery

Sau khi bị giam lỏng, Eleanor chỉ có thể liên lạc với các con từ xa. Năm 1189, vua Henry II qua đời. Richard, con trai thứ 3 của bà Eleanor, là người thừa kế ngai vàng, lấy tên là Richard I. Nữ hoàng Eleanor được trả tự do. Dù gần 70 tuổi thời điểm đó, nhưng bà vẫn can dự sâu vào việc triều chính. 

Năm 1190, bà Eleanor trở thành người đồng trị vì vương quốc khi vua Richard I lãnh đạo cuộc Thập tự chinh lần thứ 3. Thậm chí, bà còn là người thương lượng với người Đức sau khi vua Richard I bị bắt làm con tin. 

Năm 1199, vua Richard I qua đời, để lại ngôi báu cho bà Eleanor và em út John. Vai trò của bà Eleanor trong triều đình Anh lúc này đã suy giảm.

Một thời gian sau, Eleanor lui về sống ở một tu viện. Năm 1204, bà qua đời. Khi đó, chỉ còn 2 người con của bà còn sống. 

--------------------

Nhân vật in trên lá Q cơ của bộ bài Tây (tú lơ khơ) có thể là một góa phụ nổi tiếng trong Kinh thánh và là người dùng trí tuệ và vẻ đẹp của mình để lấy đầu tướng giặc, giúp quê hương đánh tan quân xâm lược. Mời độc giả cùng đón đọc về nhân vật này trong bài kỳ sau, đăng lúc 15h trên mục Thế giới ngày 3/2/2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Lá Q cơ trong bộ bài Tây: Góa phụ dùng mỹ nhân kế, dụ tướng địch vào giường rồi lấy đầu

Nhiều người cho rằng, lá Q cơ được liên hệ nhiều nhất với Judith - một góa phụ sử dụng trí tuệ và vẻ đẹp để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN