Lá bài khí đốt của Nga bén tới đâu?

Sự kiện: Tin tức Nga

Việc Nga tận dụng vấn đề khí đốt để gây áp lực với châu Âu về vấn đề Ukraine không phải là bước đi hợp lý và có thể mang lại nhiều hệ lụy xấu.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine vẫn leo thang bất chấp các nỗ lực ngoại giao từ các bên liên quan. Nhiều nguồn tin tiết lộ Mỹ và phương Tây đang chuẩn bị trừng phạt nặng Nga trường hợp chiến tranh nổ ra; và Nga được dự đoán sẽ đáp trả bằng cách chặn nguồn cung khí đốt với châu Âu. Đài RT dẫn lời Đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov ngày 9-2 rằng Nga không có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề khí đốt của châu Âu.

Tập đoàn dầu mỏ Rosneft (Nga) vừa ký thỏa thuận trị giá 80 tỉ USD với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) để cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong hơn 10 năm, nhân chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Kinh. Nếu Nga siết nguồn cung với châu Âu, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhảy lên vị trí khách hàng số một của Nga.  

Châu Âu phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga

Nga cung cấp khoảng 35%-40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Trả lời phỏng vấn của đài CNBC, chuyên gia năng lượng Dan Yergin thuộc Công ty tư vấn IHS Markit (Anh) cho rằng thị trường khí đốt châu Âu đang khá căng về nguồn cung, nguồn dự trữ hiện tại đang ở mức thấp và căng thẳng giữa Nga với phương Tây liên quan Ukraine là một rủi ro rất lớn.

Đầu tháng này, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) - ông Fatih Birol cho biết Công ty khí đốt Nga Gazprom đã cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu 25% trong quý IV năm ngoái so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá thị trường cao. Nga giảm xuất khẩu khí đốt trùng với thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng xung quanh vấn đề Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” lần thứ IV hồi tháng 10-2021. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” lần thứ IV hồi tháng 10-2021. Ảnh: REUTERS

Nếu các nước trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc chính Nga tận dụng lợi thế xuất khẩu khí đốt của mình để tự áp đặt cấm vận, giá khí đốt ở châu Âu có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa. Quý III năm ngoái châu Âu đã phải hứng chịu một đợt khủng hoảng khí đốt lớn khiến giá điện tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Trong trường hợp kịch bản trên xảy ra, IHS Markit dự báo giá khí đốt ở châu Âu có thể sẽ vượt qua mức đỉnh 244 USD/MWh hồi cuối năm ngoái. Thậm chí, một số nước phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, đặc biệt là khu vực Đông Âu có thể bị buộc phải luân phiên cắt điện.

Lợi bất cập hại nếu Nga dùng khí đốt gây áp lực

Theo tờ The New York Times, một số nhà quan sát cho rằng giới lãnh đạo Moscow hiện vẫn không mấy mặn mà với phương án này. Cắt khí đốt của khách hàng quan trọng nhất sẽ là lựa chọn không mấy sáng suốt, bởi Nga có nguy cơ tự tước đi nguồn doanh thu chủ chốt.

Theo cựu đặc phái viên Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông David Goldwyn, Moscow dường như đang tìm hướng cân bằng giữa hai hình ảnh: Vừa là nhà cung cấp đáng tin cậy như cách Nga đang thể hiện với Đức, vừa nhắc nhở châu Âu rằng họ lệ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga.

Cựu đặc phái viên Mỹ nhận định cách tư duy này có thể lý giải những sách lược của điện Kremlin trong vấn đề dầu mỏ, vốn là nguồn thu béo bở hơn cả khí đốt. Nếu Nga cắt xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu, các nước ở đây có thể tìm đến những nước như Saudi Arabia để bù đắp lượng khí đốt bị thiếu hụt.

Trong khi đó, theo Giám đốc IEA - ông Birol, nếu Nga tính toán sử dụng khí đốt như công cụ phục vụ lợi ích chính trị sẽ càng khiến hình ảnh nước này bị ảnh hưởng. Uy tín của Nga trên trường quốc tế sẽ giảm sút, khộng chỉ dưới vai trò là bên cung cấp khí đốt và còn với danh nghĩa là đối tác thương mại đáng tin cậy nói chung vì rõ ràng Moscow không xem trọng các giá trị đôi bên cùng có lợi.

“Lúc đó, Nga sẽ càng bị xem là một mối đe dọa ở châu Âu đối với mọi quốc gia ở đây. Các nước trong khu vực sẽ càng đẩy nhanh mọi kế hoạch tách rời khỏi kinh tế, năng lượng Nga và môi trường chính trị của họ sẽ càng bị thu hẹp” - ông Birol nhận định.

Phương Tây không ngồi yên

Thực tế, Mỹ và phương Tây đã lường trước được kịch bản Nga cắt nguồn cung khí đốt và đang gấp rút chuẩn bị các kế hoạch bổ sung nguồn cung. Cuối tháng 1, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết đang làm việc cùng nhau hướng tới đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu nhằm tránh cú sốc về nguồn cung xảy ra, trong đó có tác động từ tình hình Nga - Ukraine.

Hãng tin Bloomberg cho biết Mỹ đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ nhằm cung cấp khí cho châu Âu. Ngày 9-2 phía Nhật cho biết sẵn sàng chia sẻ khí đốt cho châu Âu. EU cũng đang thảo luận với các nước châu Á về việc ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn theo hình thức “hoán đổi”.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết khối đang cân nhắc các biện pháp dự phòng trong trường hợp đàm phán (với Nga) thất bại. EU đang xem xét tất cả lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác như Mỹ, Qatar và Azerbaijan trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp.

Đại sứ Nga nói Anh đang 'đốt tiền' ở Ukraine

Đại sứ Nga tại Anh cho rằng Ukraine đang thu hút một lượng lớn tiền bạc từ các quốc gia phương Tây, trong khi số tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN