Lá bài "hiểm" của Qatar khiến các nước vùng Vịnh ớn sợ
Qatar đang chịu nhiều sức ép vì bị thế giới Ả Rập cô lập, nhưng nước này vẫn nắm trong tay quân bài quyết định đến sự ổn định của cả vùng Vịnh.
Các quốc gia Ả Rập đã ngừng mọi chuyến bay đến và đi Qatar.
Theo Bloomberg, 4 quốc gia vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Saudi, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Yemen đã đồng loạt cắt quan hệ với Qatar vào đầu tuần này.
Lý do được đưa ra là vì Qatar hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan và mối quan hệ “quá thân thiện” với Iran. Hệ quả của việc cắt quan hệ là các nước Ả Rập ngừng mọi chuyến bay đến Qatar, đóng cửa biên giới, ngừng hoạt động thương mại và trục xuất công dân Qatar về nước.
Nhưng điều mà các nhà quan sát chú ý là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Qatar đến các nước láng giềng.
Qatar nắm trong tay quân bài quan trọng
UAE là một trong những quốc gia có vị trí địa lý gần Qatar và nước này đã ban hành lệnh cấm các tàu quốc tế đến và đi từ Qatar thông qua vùng lãnh hải. Đây được coi là một trong những động thái cứng rắn nhất của UAE để phản đối chính sách ngoại giao của Qatar.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Qatar hiện chưa bị ảnh hưởng. Các tàu chở dầu của Qatar vẫn dễ dàng đi qua vùng biển của Iran, sau đó đi qua eo biển Hormuz bằng tuyến hàng hải qua lãnh thổ Oman. Đây là quốc gia hiếm hoi thuộc thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn giữ quan hệ với Doha.
Mạng lưới vận chuyển dầu mỏ của Qatar trải dài đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bất cứ hành động nào nhằm phong tỏa tuyến đường xuất khẩu của Qatar sẽ khơi mào một cuộc khủng hoảng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn châu Á.
Qatar giàu có nhờ nguồn dầu mỏ dồi dào, chi phối không chỉ vùng Vịnh mà cả châu Á.
Đúng vào thời điểm Qatar đối mặt với sự cô lập từ các nước Ả Rập thì Iran lại công khai sự ủng hộ với Qatar. Tehran còn tuyên bố sẽ hỗ trợ Qatar mọi nguồn lực cần thiết, thậm chí xuất khẩu hàng hóa sang nước này để bù đắp những thiếu hụt trong thời gian qua.
Qatar cũng cùng khai thác mỏ khí North Field lớn nhất với Iran và có rất nhiều cơ sở vật chất nhạy cảm, dễ bị tổn hại, ở ngoài khơi gần biên giới hai nước.
Doha cũng có thể tìm tới sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, đặc biệt sau thương vụ công ty kinh doanh nhiên liệu Glencore và quỹ thịnh vượng chủ quyền của Qatar chung vốn mua 19,5% cổ phần Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga vào tháng 12.2016.
Đòn trả đũa mạnh mẽ
Bloomberg cho biết, khi nhắc đến hoạt động thương mại liên quan đến dầu mỏ, UAE mới là nước cần Qatar chứ không phải Qatar cần UAE.
Qatar là nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ ba thế giới. Nước này vận chuyển khoảng 2 tỷ mét khối nhiên liệu thông qua đường ống Dolphin dài 364km dưới biển tới UAE.
UAE cần nhiên liệu từ Qatar để tạo ra sản lượng điện bằng một nửa nhu cầu của quốc gia này, đặc biệt vào thời điểm mùa hè, khi nắng nóng lên tới hơn 40 độ C.
Giới phân tích nhận định, nếu căng thẳng leo thang, phương án trả đũa nghiêm trọng nhất mà Doha có thể thực hiện là ngừng xuất khẩu khí tự nhiên sang UAE qua đường ống Dolphin.
Dubai sẽ chìm trong bóng tối nếu Qatar tung đòn trả đũa mạnh mẽ nhất.
Không có nguồn năng lượng này, thành phố Dubai sầm uất nhất UAE sẽ trở nên tê liệt. Các tòa nhà chọc trời chìm trong bóng tối vì không có điện. Đó cũng là lúc UAE rơi vào một cuộc khủng hoàng trầm trọng.
UAE có khá ít lựa chọn để thay thế đường ống dẫn khí Dolphin trong ngắn hạn. Các giải pháp phụ trợ chỉ mang ý nghĩa tình thế vì nguồn cung cấp dự phòng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, UAE sẽ phải có giải pháp tạm thời như tăng sản lượng khai thác khí, tái phân bổ nguồn cung nhiên liệu cho các lĩnh vực công nghiệp, hay thậm chí chấp nhận đốt một lượng lớn dầu diesel đắt đỏ làm nhiên liệu thay thế.
Tuy vậy, việc cắt nguồn cung cấp dầu mỏ và nhiên liệu cho các quốc gia láng giềng là giải pháp bất đắc dĩ và cuối cùng của Qatar.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường dầu mỏ chưa biến động. Nhưng trong trường hợp căng thẳng lên đến đỉnh điểm, khả năng Dubai hay các thành phố lớn khác ở vùng Vịnh chìm trong bóng tối là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Qatar là một trong những quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông nhưng đất nước nhỏ bé này chỉ có quân đội khoảng 12.000...