Kỳ vọng vào làn sóng vắc-xin Covid-19 mới

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của hãng Sinopharm (Trung Quốc), cho phép nó được đưa vào chương trình COVAX

Giới khoa học đang hy vọng làn sóng vắc-xin Covid-19 thứ hai có thể giúp xoa dịu "cơn khát" trên toàn cầu hiện nay giữa lúc nhiều nước vẫn đang đối mặt sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh.

Trong số này, đáng lo nhất vẫn là Ấn Độ với số ca tử vong trong vòng 24 giờ lập kỷ lục là 4.187 ca, theo số liệu được công bố hôm 8-5. Trong khi đó, số ca mới đạt mức 401.078, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp con số này vượt mốc 400.000. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng buộc thêm 2 bang Tamil Nadu và Kerala áp đặt biện pháp phong tỏa toàn bang.

Trong bối cảnh đó, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu lại đang gặp khó vì sự thiếu hụt nguồn cung và các chuyên gia kêu gọi cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để đảo ngược xu hướng này. Hy vọng sắp tới được đặt lên một số loại vắc-xin mới đang được thử nghiệm hoặc chờ sự phê chuẩn.

Theo báo The New York Times, Công ty Novavax (Mỹ) dự kiến đệ đơn xin phê duyệt đối với sản phẩm vắc-xin của mình tại Mỹ trong vài tuần tới. Còn tại Ấn Độ, Công ty dược Biological E đang thử nghiệm loại vắc-xin dựa trên protein do các nhà nghiên cứu Mỹ phát triển.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin có thể được sản xuất hàng loạt bằng trứng gà tại một số nước, trong đó có Thái Lan, Mexico, Brazil…

Người dân chờ được tiêm vắc-xin Covid-19 tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 4-5 Ảnh: REUTERS

Người dân chờ được tiêm vắc-xin Covid-19 tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 4-5 Ảnh: REUTERS

Chưa hết, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của vắc-xin Công ty CureVac (Đức) dự kiến được công bố sớm nhất là trong tuần sau. Vắc-xin này sử dụng cùng phương pháp RNA như vắc-xin của Công ty Moderna (Mỹ) và của hãng Pfizer cùng đối tác BioNTech (Đức) nhưng có một lợi thế quan trọng. Trong khi sản phẩm của Moderna và Pfizer-BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, vắc-xin của CureVac vẫn ổn định trong tủ lạnh thường - nghĩa là nó có thể được phân phối dễ dàng hơn.

Trong lúc chờ có thêm vắc-xin Covid-19 mới, nỗi lo về sự thiếu hụt vắc-xin có thể được xoa dịu phần nào sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 7-5 cho phép sử dụng khẩn cấp sản phẩm của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Quyết định này cho phép vắc-xin của Sinopharm được đưa vào chương trình COVAX (ra đời nhằm thúc đẩy sự phân phối vắc-xin công bằng trên toàn cầu) đang chịu cảnh thiếu hụt nguồn cung. WHO hiện còn xem xét phê duyệt vắc-xin của một công ty Trung Quốc khác là Sinovac.

Cùng ngày, Pfizer-BioNTech cho biết đã bắt đầu tiến trình tìm kiếm sự phê duyệt đầy đủ cho vắc-xin Covid-19 của họ được sử dụng với người từ 16 tuổi trở lên tại Mỹ. Đây là 2 công ty đầu tiên có bước đi như thế ở Mỹ. Trước đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 12-2020 cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Pfizer-BioNTech và 170 triệu liều vắc-xin này đã được phân phối tại Mỹ cho đến giờ. Theo đài CNBC, FDA thường mất ít nhất 1 năm để xác định xem liệu một loại thuốc có an toàn và hiệu quả để công chúng sử dụng hay không. Riêng với vắc-xin Covid-19, việc được phê duyệt đầy đủ có thể giúp thuyết phục thêm nhiều người hơn nữa đồng ý tiêm chủng tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Pfizer-BioNTech còn đặt mục tiêu sản xuất 4 tỉ liều vắc-xin Covid-19 trong năm tới, hầu hết dành cho các nước thu nhập thấp và vừa. Ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer, cho biết công ty này đã đạt thỏa thuận hoặc đang thương thảo với các nước về việc cung cấp 2,7 tỉ liều trong năm nay, trong đó 40% dự kiến dành cho các nước thu nhập thấp và vừa. 

EU - Mỹ bất đồng

WHO hôm 7-5 thúc giục các nước, đặc biệt là nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), nối gót Mỹ trong việc ủng hộ đề xuất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tạm dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin Covid-19. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo ủng hộ của Mỹ đối với đề xuất trên là tuyên bố quan trọng về đoàn kết và ủng hộ dành cho sự công bằng về vắc-xin.

Tuy nhiên, theo đài CNBC, quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các hãng dược, cũng như không nhận được sự hưởng ứng từ Liên minh châu Âu (EU). Cho rằng đề xuất trên chỉ là giải pháp dài hạn, EU kêu gọi Mỹ tăng cường xuất khẩu vắc-xin để ngăn chặn cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu. Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng vấn đề không nằm ở việc dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin mà là tăng cường xuất khẩu, đồng thời kêu gọi Anh và Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu vắc-xin và nguyên liệu vắc-xin cho các nước khác.

Giới chuyên gia cho rằng tiến trình thương lượng về dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin có thể mất nhiều năm và điều đó sẽ không giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay là nhanh chóng sản xuất nhiều vắc-xin hơn. Chia sẻ nhận định này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng EU nên thảo luận về vấn đề trên nhưng nhấn mạnh chia sẻ công nghệ không phải là giải pháp giúp nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Bà Von der Leyen cho rằng bất kỳ động thái dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế nào cũng sẽ không giúp "mang lại một liều vắc-xin nào trong ngắn hạn và trung hạn".

Tỏ ra gay gắt hơn, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phản đối mạnh mẽ đề xuất dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin. Người phát ngôn chính phủ Đức cho rằng yếu tố hạn chế liên quan đến sản xuất vắc-xin là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không phải bằng sáng chế.

Xuân Mai

Tỷ phú nắm quyền sản xuất vaccine Covid-19 giải thích về phát ngôn gây ”địa chấn” ở Ấn Độ

CEO Viện Huyết thanh Ấn Độ, Adar Poonawalla gần đây lên tiếng giải thích về những tuyên bố của ông trong cuộc trả lời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN