Kỳ nhân làng võ TQ đánh bại samurai của Nhật Hoàng, được tôn xưng “Thánh võ”

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Tinh thông cả 3 môn võ Thái cực quyền, Bát quái chưởng, Hình ý quyền, Tôn Lộc Đường đánh đâu thắng đó. Ông đả bại võ sĩ người Nhật, người Nga, người Mỹ và được giới võ lâm thời Dân Quốc tôn là “Thánh võ”, “Thần võ”, “Hổ đầu thiếu bảo”, “Thiên hạ đệ nhất thủ”.

Tôn Lộc Đường, cao thủ nổi danh hàng đầu Trung Quốc thời Dân Quốc (ảnh: Sohu)

Tôn Lộc Đường, cao thủ nổi danh hàng đầu Trung Quốc thời Dân Quốc (ảnh: Sohu)

Thời niên thiếu luyện võ không ngừng nghỉ

Tôn Lộc Đường (1860 – 1933) là người ở huyện Vọng Đô, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Do gia cảnh nghèo khó, ông phải bỏ dở việc học từ khi còn nhỏ để phụ giúp gia đình và chăm sóc mẹ ốm. Tôn Lộc Đường có niềm đam mê lớn với võ thuật và từng có thời gian học võ Thiếu lâm từ một võ sư địa phương.

Theo Qulishi (trang chuyên lịch sử Trung Quốc), năm 12 tuổi, Tôn Lộc Đường theo Lý Khôi Nguyên (võ sư ở Hà Bắc) học Hình ý quyền (môn võ có những động tác mô phỏng tư thế tấn công của các loài động vật như hổ, rồng, rắn, gấu, chim ưng…) và học chữ. Ông học hành rất chăm chỉ nên được Lý Khôi Nguyên quý mến.

Hai năm sau, Lý Khôi Nguyên đưa Tôn Lộc Đường đến gặp Quách Văn Thâm (1829 – 1900), thầy của Lý Khôi Nguyên, để học thêm về Hình ý quyền. Tôn Lộc Đường bắt đầu hành trình luyện võ gian khổ từ đây.

Quách Văn Thâm dạy dỗ Tôn Lộc Đường rất nghiêm khắc.

Tương truyền, khi Quách Văn Thâm cưỡi ngựa, ông bắt Tôn Lộc Đường nắm vào đuôi con ngựa và chạy theo sau. Mỗi ngày ngựa chạy trăm dặm (1 dặm = 1,61km). Tôn Lộc Đường nhờ vậy luyện được sức bền và tốc độ chạy đáng nể.

Tôn Lộc Đường luyện võ cùng Quách Văn Thâm 8 năm, võ nghệ tăng tiến thêm một bậc, theo Qulishi.

Năm 1882, Quách Văn Thâm đưa Tôn Lộc Đường đến Bắc Kinh, bái Trịnh Đình Hoa (1848 – 1900), cao thủ môn Bát quái chưởng, làm thầy. Trịnh Đình Hoa là một trong những đệ tử ưu tú nhất của Đổng Hải Xuyên (1813 – 1882), người sáng tạo ra Bát quái chưởng, oai danh lừng lẫy võ lâm cuối thời nhà Thanh.

Được Trịnh Đình Hoa chỉ dạy, võ nghệ của Tôn Lộc Đường tiến bộ rất nhanh. Ông tỉ thí với một số võ sư ở Bắc Kinh và dần có danh tiếng. Ở chốn giang hồ, Tôn Lộc Đường có biệt danh là “hoạt hầu tử” (khỉ nhanh nhẹn). Ông nổi tiếng với những cú ra đòn nhanh như chớp và thân hình nhanh nhẹn, uyển chuyển.

Theo Qulishi, dạy võ cho Tôn Lộc Đường hơn một năm, Trịnh Đình Hoa từng phải thốt lên rằng: “Ta dạy hàng trăm đệ tử, chưa thấy người nào tài giỏi và có năng khiếu như cậu”.

Trịnh Đình Hoa vì vậy đem hết võ nghệ truyền cho Tôn Lộc Đường, không giấu giếm điều gì.

Tôn Lộc Đường thi triển Tôn gia Thái cực quyền (ảnh: Qulishi)

Tôn Lộc Đường thi triển Tôn gia Thái cực quyền (ảnh: Qulishi)

Thái cực quyền của “Tôn gia”

Theo Sohu, năm 1886, Tôn Lộc Đường (26 tuổi) rời Bắc Kinh, một mình ngao du tới 11 tỉnh thành ở phía bắc và phía nam Trung Quốc, bao gồm Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông.

Trong thời gian này, ông cũng viếng thăm chùa Thiếu Lâm (Trịnh Châu, Hà Nam), núi Võ Đang (Hồ Bắc), núi Nga Mi (Tứ Xuyên) được giao đấu và học hỏi từ nhiều cao thủ.

Theo Sohu, suốt hành trình ngang dọc 11 tỉnh thành, Tôn Lộc Đường tỉ thí với hàng chục võ sư nhưng chưa từng thất bại.

Năm 1889, Tôn Lộc Đường về quê nhà Hà Bắc, mở võ đường dạy Hình ý quyền và Bát quái chưởng. Các đệ tử theo học rất đông. Vài năm sau, Tôn Lộc Đường chuyển đến Bắc Kinh, mở 3 lò võ.

Năm 1912, Tôn Lộc Đường gặp gỡ Hác Vi Trinh (1842 – 1920), cao thủ môn Thái cực quyền. Lúc này, Hác Vi Trinh gia cảnh sa sút, bị ốm nặng vì bệnh kiết lị. Tôn Lộc Đường đón Hác Vi Trinh về nhà mình, mời thầy thuốc chạy chữa cho đến khi khỏi bệnh, theo HK01 (trang tin tức Hong Kong).

Mang ơn cứu mạng, Hác Vi Trinh đem hết sở học của môn Thái cực quyền truyền cho Tôn Lộc Đường. Nhờ vậy, Tôn Lộc Đường thông thạo cả 3 môn Hình ý quyền, Bát quái chưởng và Thái cực quyền thuộc Nội gia Nam phái.

Theo Sohu, các môn Nội gia chú trọng rèn luyện khí công, tinh thần và tâm trí người luyện. 3 môn Hình ý quyền, Bát quái chưởng và Thái cực quyền được cho là đều bắt nguồn từ Võ Đang – cái nôi của võ học Đạo giáo.

Sau khi học nghệ từ Hác Vi Trinh, Tôn Lộc Đường tìm cách điều chỉnh, kết hợp tinh túy của 3 môn Hình ý quyền, Bát quái chưởng và Thái cực quyền hình thành một lối quyền pháp riêng, gọi là Tôn gia Thái cực quyền.

Theo Sohu, đặc điểm của Tôn gia Thái cực quyền là bộ pháp (di chuyển) và động tác mau lẹ, chưởng pháp nối liền theo đường tròn, liên miên không dứt.

Năm 1915, Tôn Lộc Đường xuất bản cuốn “Tôn gia Thái cực quyền”. Đây được cho là một trong những quyền phổ (sách dạy võ) đầu tiên được in ấn và xuất bản rộng rãi ở Trung Quốc. Trong cuốn “Tôn gia Thái cực quyền”, Tôn Lộc Đường ghi chú rõ ràng về từng chiêu thức, có cả hình ảnh minh họa.

Ngoài “Tôn gia Thái cực quyền”, Tôn Lộc đường còn viết và cho xuất bản cuốn “Hình ý quyền học”, “Bát quái kiếm học”, theo HK01

Đầu thời Dân Quốc (1912 – 1949), Tôn gia Thái cực quyền được lưu truyền rộng rãi khiến danh tiếng Tôn Lộc Đường “nổi như cồn” trong giới võ lâm.

Dân gian và báo giới thời bấy giờ đồn thổi về nhiều kỳ tích của Tôn Lộc Đường như đi trên tuyết không để lại dấu chân, khinh công bay vượt tường Tử Cấm Thành hay làm thân thể lơ lửng trên không hồi lâu. Tôn Lộc Đường chưa bao giờ thừa nhận hay công khai biểu diễn những kỹ năng phi thường như vậy.

Tôn Lộc Đường tỉ thí cùng võ sư người Nhật (ảnh minh họa)

Tôn Lộc Đường tỉ thí cùng võ sư người Nhật (ảnh minh họa)

Vang danh giới võ lâm

Theo Sohu, vào năm 1920, Itagaki Kazuo, samurai từng giành 3 huy chương vàng trong các đại hội võ thuật Nhật Bản và là thuộc hạ thân tín của Nhật Hoàng, tới Bắc Kinh thách đấu Tôn Lộc Đường.

Itagaki tuyên bố sẽ bẻ gãy cánh tay của Tôn Lộc Đường chỉ sau vài hiệp đấu và người Trung Quốc chỉ là “Đông Á bệnh phu”. Tức giận vì những lời rêu rao của Itagaki, Tôn Lộc Đường chấp nhận lời thách đấu.

Cũng có thông tin cho rằng Itagaki tới Bắc Kinh thách đấu các võ sư Trung Quốc theo lệnh của Nhật Hoàng Taisho (1879 – 1926).

Trận đấu giữa Tôn Lộc Đường và Itagaki được báo giới thời Dân Quốc mô tả rất ly kỳ, theo Sohu.

Trước một ông già 60 tuổi, vóc người nhỏ gầy, Itagaki tỏ ý xem thường. Võ sĩ người Nhật lao đến, toan quật ngã đối thủ chỉ bằng một chiêu, nhưng Tôn Lộc Đường tỏ ra linh hoạt lạ kỳ, liên tục né được các ngón đòn của Itagaki.

Bực tức vì không đánh trúng đòn nào lại bị Tôn Lộc Đường phản kích, Itagaki hùng hổ lao tới, dùng đầu húc thẳng vào Tôn Lộc Đường. Võ sư người Trung Quốc khẽ lắc người, kèm theo một cú đẩy khiến Itagaki đâm sầm vào một chiếc giá sách, không dậy nổi.

Tờ “Nhật báo thế giới” (世界日報 – báo Trung Quốc thời Dân Quốc) có đoạn mô tả về trận đấu giữa Tôn Lộc đường với Itagaki như sau:

Võ sư Judo trứ danh người Nhật là Itagaki đọ sức với Tôn Lộc Đường. Trên sàn đấu, Itagaki dùng chân kẹp chặt thân dưới Tôn Lộc Đường. Hai tay Tôn Lộc Đường cũng bị khóa cứng.

“Tôi chỉ cần vặn mạnh một cái là cánh tay ông sẽ gãy”, Itagaki nói.

Tôn Lộc Đường mỉm cười, vận lực. Toàn thân ông rung lắc mạnh rồi một cú xoay người đã hất Itagaki văng xa vài mét.

Mấy ngày sau, Itagaki quay lại, đề nghị trả 20.000 yên Nhật để Tôn Lộc Đường đi một bài Tôn gia Thái cực quyền. Tôn Lộc Đường nói với người phiên dịch: “Ông ta có trả tới hai mươi vạn, lão mỗ cũng không nhúc nhích”.

Sau trận đấu với Itagaki, danh tiếng của Tôn Lộc Đường vang khắp giới võ lâm đương thời. Ông được đặt danh hiệu “Hổ đầu thiếu bảo”, “Thiên hạ đệ nhất thủ”, theo Sohu.

Cao thủ Thái cực quyền tỉ thí với võ sư Vịnh xuân quyền (video từ phim điện ảnh Trung Quốc)

Tương truyền, ở tuổi 70, Tôn Lộc Đường đánh cùng lúc với 5 võ sĩ Nhật Bản ở Hồng Khẩu (Thượng Hải), kết quả vẫn toàn thắng. Sau trận đấu này, Tôn Lộc Đường nhận được thư mời của Nhật Hoàng Taisho sang Nhật Bản giảng dạy võ thuật, nhưng ông từ chối.

Theo HK01, Tôn Lộc Đường còn từng tỉ thí với các võ sư đến từ Nga, Mỹ và chưa từng thất bại. Tuy nhiên, những trận đấu này không được biết đến rộng rãi và củng cố bằng các tư liệu lịch sử. 

Năm 1928, Trung ương quốc thuật quán ở Giang Tô (Trung Quốc) được thành lập, Tôn Lộc Đường giữ một ghế “môn trưởng” trong tổ chức này.

Tháng 11/1929, tỉnh Chiết Giang tổ chức Đại hội võ thuật toàn quốc. Tôn Lộc Đường được bầu làm chủ tịch hội đồng giám khảo.

Tháng 10/1931, Tôn Lộc Đường từ chức ở Trung ương quốc thuật quán, trở về Bắc Kinh và tiếp tục nghiên cứu võ thuật, lý luận Đạo giáo.

Tôn gia Thái cực quyền còn được lưu truyền đến ngày nay (ảnh: Sina)

Tôn gia Thái cực quyền còn được lưu truyền đến ngày nay (ảnh: Sina)

Nhân cách đáng kính

Theo HK01, Tôn Lộc Đường mặc dù nổi danh nhưng chưa bao giờ tỏ ra kiêu ngạo. Ông tôn thờ võ đức, không lợi dụng danh tiếng để trục lợi.

Vào những năm 1920, miền Bắc Trung Quốc gặp hạn hán, lũ lụt liên miên, Tôn Lộc Đường bán gần hết gia sản để làm từ thiện. Ông cũng cho nhiều người ở quê nhà Vọng Đô vay tiền mua gạo, sau đó xóa hết nợ.

Năm 1933, Tôn Lộc Đường qua đời trong sự thương tiếc của nhiều đệ tử.

Tương truyền, Tôn Lộc Đường không bệnh mà mất. Trước khi qua đời, ông thăm hỏi người thân, đệ tử một lượt và thường xuyên nói rằng mình sẽ cưỡi một con hạc trắng.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Trong giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc, Lã Tử Kiếm được xếp vào hàng tông sư. Võ công của ông được cho là sánh ngang với Hoắc Nguyên Giáp – cao thủ bậc nhất Trung Quốc cuối thời nhà Thanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Cao thủ võ thuật xếp trên Lý Tiểu Long Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN