Kỳ diệu cỗ máy tính cổ nhất thế giới 2.100 năm tuổi
Các nhà khảo cổ đã phát hiện công dụng thực sự của một cổ vật cực kỳ tinh xảo từ con tàu đắm cả hàng ngàn năm trước dưới biển sâu thuộc hòn đảo Antikythera phía nam Hy Lạp.
Giáo sư Xenophon Moussas bên cạnh bản phục dựng cỗ máy
Sau một thập kỷ nỗ lực với nhiều thiết bị tiên tiến, nhóm các nhà khoa học đã vén màn bí mật sau khi giải mã hơn 3.500 ký tự, 1/4 bản gốc của "cỗ máy Antikythera" 2.100 năm tuổi mà đa số lầm tưởng rằng đó là một thứ đồ chơi của nhà giàu thời xưa.
Và họ kết luận, đây còn có thể là máy tính cơ học lâu đời nhất thế giới. Không có nhiều dữ kiện về văn hóa, công nghệ của Hy Lạp cổ đại cách đây 2.000 năm, nên rất khó dựa vào đó để nghiên cứu cỗ máy này, mà phải làm ngược lại.
Các mảnh vỡ được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ Athens
"Nội dung những văn bản bằng tiếng Hy Lạp cổ này cực kỳ có giá trị với chúng tôi", Alexander Jones, giáo sư lịch sử khoa học cổ đại ĐH New York nhận xét.
Cụ thể, cỗ máy này kết hợp cả lịch dương và lịch âm, tính toán vị trí của mặt trăng và mặt trời, các hành tinh, chòm sao và dự đoán cả nhật thực. Từ trước tới giờ chưa từng có thiết bị nào đạt độ tinh xảo và chi tiết tới mức này.
Jones lưu ý đây không phải là công cụ chiêm tinh đoán số, mà chính xác là một cuốn sách giáo khoa giảng dạy về vũ trụ, kết hợp với văn hóa và lối sống của người Hy Lạp cổ đại trong thời kỳ ấy.
Phác thảo cỗ máy với hàng nghìn chi tiết
Các con chữ bé xíu chỉ cao khoảng 1mm được khắc ở bên trong những tấm bìa bọc gỗ và có bản lề. Nội dung của chúng như một cuốn cẩm nang đi thẳng vào các chi tiết chứ không phải hướng dẫn sử dụng.
Công cụ này được khám phá hồi 1901 trong con tàu đắm từ năm 1 TCN. Với nhiều chi tiết gồm đồng, đá cẩm thạch, thủy tinh cao cấp và gốm với những ký tự khắc chìm, Antikythera trở thành mục tiêu nghiên cứu của nhiều nhóm khoa học nổi tiếng suốt nhiều thập kỷ sau này. Ban đầu với tình trạng các bánh răng nhiều lớp bị ăn mòn, rất khó để giải mã những ký tự được khắc phía sau.
Mô hình phục dựng cỗ máy
Cho tới 12 năm trước, nhóm nghiên cứu của Jones và Edmunds bắt đầu dùng công nghệ X quang và dựng hình để phân tích các chi tiết còn sót lại. Việc ghép nối và đọc văn bản này thật sự rất vất vả khi phải kết hợp hàng chục bản scan để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
Theo đó, Antikythera được làm trong khoảng năm 200 - 70 TCN, nhưng không có dấu hay tên của nhà sản xuất. Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang tích cực làm việc và hy vọng sẽ tìm thêm được nhiều mảnh vỡ, hoàn thiện cỗ máy bí ẩn này.
Chiếc tàu thương mại dài 40m đã bị vỡ đôi và đắm xuống độ sâu 60m dưới biển. Ước tính có khoảng 20 bánh răng còn lại của Antikythera vẫn còn nằm dưới đó.
"Tới một lúc nào đó chúng ta sẽ phục dựng lại nó hoàn toàn sau khi tìm lại được những mảnh vỡ dưới biển". Yanis Bitsakis, thành viên nhóm nghiên cứu tỏ ra lạc quan.