Kỳ án nghiêng đổ triều đại: Hoàng đế Trung Hoa lên ngôi 29 ngày đã mất mạng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thình lình “gã điên” từ đâu xuất hiện, tay cầm cây côn gỗ táo đánh thẳng vào cung thái tử, con trai Vạn Lịch Đế.

Vạn Lịch Đế không lo trị quốc, chỉ ham ăn chơi sa đọa (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vạn Lịch Đế không lo trị quốc, chỉ ham ăn chơi sa đọa (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tranh đoạt hoàng vị

Chuyện xảy ra vào thời Minh Thần Tông (Vạn Lịch Đế) – ông vua đánh dấu sự suy tàn của nhà Minh.

Năm 1572, Vạn Lịch Đế lên ngôi, trong 18 năm đầu tiên trị nước rất nghiêm minh, được người dân ca ngợi. Thời kỳ này gọi là “Vạn Lịch trung hưng”.

Nhưng trong 20 năm tiếp theo, Vạn Lịch Đế chán ngán chuyện triều chính, bắt đầu lao vào trụy lạc, hoang dâm vô độ, chỉ thích luyện thuốc trường sinh. Ông thậm chí còn từ chối lên triều, bỏ mặc triều đình cho gian thần lộng quyền. Thời kỳ này gọi là “Vạn Lịch đãi chính” (Vạn Lịch buông bỏ chính quyền).

Không chỉ chuyện triều chính, chuyện hậu cung thời Vạn Lịch Đế cũng vô cùng rối ren, theo Sohu.

Vương hoàng hậu (Hiếu Đoan Hiển hoàng hậu), vợ cả Vạn Lịch Đế, không sinh được con trai. Theo tổ huấn mà Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) truyền lại, trong trường hợp hoàng hậu không có con trai, hoàng đế phải lập hoàng tử trưởng (con trai cả trong số các hoàng tử) làm thái tử kế vị.

Năm 1581, hoàng tử trưởng Chu Thường Lạc chào đời, theo đúng “tổ huấn” phải được chọn làm thái tử. Tuy nhiên, mẹ của Chu Thường Lạc chỉ là một phi tần bị thất sủng nên Vạn Lịch Đế có ý ghẻ lạnh, không muốn truyền ngôi.

Năm 1586, Trịnh quý phi sinh được hoàng tử Chu Thường Tuân. Vạn Lịch Đế vốn sủng ái Trịnh quý phi, muốn lập Chu Thường Tuân làm thái tử nhưng bị quần thần phản đối kịch liệt. Bản thân Vương hoàng hậu cũng ra mặt bênh vực cho Chu Thường Lạc.

Vạn Lịch Đế dùng dằng không quyết, mãi đến năm 1601, mới phong Chu Thường Lạc (20 tuổi) làm thái tử. Chu Thường Tuân được phong làm Phúc Vương, ban đất phong ở Lạc Dương, nhưng vẫn cho lưu lại ở kinh thành Bắc Kinh.

Sự hiện diện của Chu Thường Tuân ở Bắc Kinh uy hiếp trực tiếp vị trí thái tử của Chu Thường Lạc, cũng là nguồn cơn gây ra một trong những vụ án chấn động nhất hậu cung nhà Minh kể từ khi thành lập, theo Sohu.

Trịnh quý phi được Vạn Lịch Đế sủng ái (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trịnh quý phi được Vạn Lịch Đế sủng ái (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

“Gã điên” to gan

Minh sử chép, ngày 4/5/1615, có một gã đàn ông to khỏe, tên Trương Sai, cầm côn dài bằng gỗ táo xông vào cung Tử Khánh – nơi ở của thái tử Chu Thường Lạc.

Trương Sai hung hãn, đánh bị thương rất nhiều cung nữ, thái giám rồi xông thẳng vào cung Tử Khánh, đuổi đánh thái tử. Rất may có viên quan nội thị (hoạn quan hầu hạ trong cung, thân phận cao hơn thái giám một bậc) tên Hàn Bảo Dụng liều mình cản lại. Trương Sai bị thị vệ vây bắt, giải đến bộ Hình xét xử.

“Cung Tử Khánh khi đó phòng bị không nghiêm, thái giám cáo ốm đi khỏi, thị vệ thì chỉ có mấy người cho nên xảy ra cơ sự đó”, Minh sử chép.

Vạn Lịch Đế sai quan ngự sử Lưu Đình Nguyên tra án. Bộ Hình phái thêm 3 người là Hồ Sĩ Lương, Triệu Hội Trinh và Lưu Vĩnh Giá cùng thẩm vấn.

Xử án “gã điên” hành thích thái tử (tranh minh họa)

Xử án “gã điên” hành thích thái tử (tranh minh họa)

Trương Sai ban đầu giả khùng giả điên, la hét om sòm nào là muốn ăn chay niệm Phật, muốn phong quan tấn tước, sinh con đàn cháu đống… Qua vài trận đòn, tên này chỉ thốt ra 3 chữ: “Không dám khai”.

Ngự sử Lưu Đình Nguyên yêu cầu bộ Hình tiếp tục tra khảo, Trương Sai nói ra 2 cái tên: Bàng Bảo và Lưu Thành.

Minh sử chép, Trịnh quý phi phái bọn thái giám, nội thị đi xây chùa Phật. Bọn này nhân đó ra sức tác oai tác quái, vơ vét của dân. Trương Sai vốn tên thật là Trương Ngũ Nhi, bị Bàng Bảo (thái giám thân cận của Trịnh quý phi) chiếm đoạt hết ruộng vườn.

Bàng Bảo mua chuộc Trương Sai, hứa nếu ám sát thái tử (Chu Thường Lạc) thành công sẽ trả lại cho 30 mẫu ruộng. Trương Sai phải nghe lời.

Bàng Bảo đưa Trương Sai về Bắc Kinh, nuôi giấu trong nhà quan nội thị Lưu Thành, cũng là tâm phúc của Trịnh quý phi. Nửa đêm, Lưu Thành cho Trương Sai ăn uống no say, cấp cho côn gỗ, lén đưa vào cung Tử Khánh. Lưu Thành dặn Trương Sai hễ thấy người nào mặc áo vàng thì lập tức đánh chết.

Vụ việc vỡ lở, quan lại trong triều nghi ngờ Trịnh quý phi và hoàng tử Chu Thường Tuân “giật dây” vụ ám sát thái tử, yêu cầu Vĩnh Lạc Đế trị tội.

Minh sử chép, Trịnh quý phi được tin, chạy đến chỗ hoàng thượng khóc lóc mếu máo: “Nếu thiếp có làm chuyện này, thì cả nhà chết dưới vạn đao”.

Vạn Lịch Đế vờ tức giận, đập bàn nói: “Chuyện này ai nấy đều tức giận. Trẫm cũng không thể áp chế được. Nàng hãy tự mình xin với thái tử”.

Rồi hoàng đế lại cầm tay thái tử nói: “Việc này quý phi chẳng biết gì. Thái tử nên vì tình cha con mà bỏ qua. Hơn nữa, Trương Sai cũng chỉ là một gã điên có hành động ngu xuẩn, để ý làm gì”.

Chu Thường Lạc biết ý, không dám truy cứu Trịnh quý phi nữa.

Ngày 1/6/1615, Vạn Lịch Đế ra lệnh đem Trương Sai lăng trì xử tử. Riêng Bàng Bảo, Lưu Thành thì bị đánh bằng gậy đến chết. Hoàng đế có lệnh vụ án chấm dứt, không ai được điều tra thêm.

Vì Trương Sai ám sát thái tử bằng gậy gỗ táo (tiếng Hán gọi là “đĩnh kích”), nên giới chép sử gọi vụ án này là “Đĩnh kích án”.

Theo Sohu, sau “Đĩnh kích án”, phe cánh của Trịnh quý phi suy yếu hẳn. Hoàng tử Chu Thường Tuân buộc phải rời khỏi Bắc Kinh, về đất phong Lạc Dương. Thái tử Chu Thường Lạc đã không còn đối thủ.

Tương truyền, Chu Thường Tuân ở Lạc Dương ăn chơi sa đọa, thân hình rất to béo. Khi Lý Tự Thành (1606 – 1645) dẫn quân khởi nghĩa đánh vào Lạc Dương, Chu Thường Tuân vì béo quá nên không chạy nổi, bị bắt. Nghĩa quân giết Chu Thường Tuân, lấy mỡ làm dầu đốt đèn, đốt liền mấy ngày không hết.

Trịnh quý phi dâng một lúc 8 mỹ nhân, khiến thái tử sức khỏe kiệt quệ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trịnh quý phi dâng một lúc 8 mỹ nhân, khiến thái tử sức khỏe kiệt quệ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

“Thuốc đỏ” chết người

Minh sử chép, từ sau vụ án “gã điên”, vị trí thái tử của Chu Thường Lạc vững vàng, chắc chắn nối ngôi. Trịnh quý phi sợ Chu Thường Lạc sau này trả thù, vì vậy ra sức lấy lòng, dâng liền một lúc 8 mỹ nữ. Thái tử rất hài lòng, hiềm khích giữa 2 bên từ đó dần xóa bỏ.

Ngày 18/8/1620, Vạn Lịch Đế băng hà. Di chiếu cho thái tử Chu Thường Lạc kế vị, lập Trịnh quý phi làm hoàng thái hậu (Chu Thường Lạc phải gọi là “mẫu hậu”). Đây cũng là nước đi cuối cùng của Vạn Lịch Đế để bảo vệ Trịnh quý phi.

Minh sử chép, ngày 28/8/1620, Chu Thường Lạc lên ngôi, lấy hiệu là Thái Xương Đế. 10 ngày sau, hoàng thượng đã đổ bệnh, nằm không dậy nổi. Chu Thường Lạc thể chất vốn đã yếu, giờ một lúc lại quây quần tới 8 mỹ nữ nên sức lực kiệt quệ.

Thôi Văn Thăng, thái giám phụ trách Dược phòng (thuộc hạ cũ của Trịnh quý phi), cho rằng hoàng thượng bị nóng trong, nên kê các phương thuốc giải nhiệt, nhuận tràng (kích kích tiêu hóa). Chu Thường Lạc uống xong lập tức bị tả, đi ngoài một ngày ba bốn mươi lần, hơi thở yếu ớt. Cả triều đình đều cuống quýt. Hoàng thượng nghe lời các quan đại thần, thu hồi thánh chỉ sắc phong Trịnh quý phi làm thái hậu.

Lúc này, Chu Thường Lạc dường như đã có ý muốn trị tội phe cánh của Trịnh quý phi, theo Qulishi.

Chu Thường Lạc “mây mưa” quá độ, mắc bệnh nặng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Chu Thường Lạc “mây mưa” quá độ, mắc bệnh nặng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Giữa lúc hoàng đế trong cơn nguy kịch, Lý Khả Chước – viên quan ở Hồng Lư tự (cơ quan lo việc tiếp đón, lễ nghi thời Minh) – bất ngờ dâng lên một viên thuốc màu đỏ. Không rõ đây là vị thuốc gì, các tài liệu thời bấy giờ chỉ ghi chung chung là “hồng hoàn”.

Minh sử chép, ngày 25/9/1620, hoàng thượng uống 1 viên “hồng hoàn”, lại uống thêm viên nữa, thấy tinh thần phấn chấn hẳn, nhịp thở đều trở lại. Hoàng thượng khen Lý Khả Chước là “trung thần”, thưởng cho 50 lạng bạc.

Ngày 26/9/1620, canh 5 (từ 3 giờ đến 5 giờ sáng), thái giám bước vào nội điện thấy thi thể Chu Thường Lạc đã lạnh ngắt. Mọi nghi ngờ đổ dồn về loại “thuốc đỏ” của Lý Khả Chước.

“Thuốc đỏ” ở đâu?

Theo Qulishi, cái chết hoàng đế Chu Thường Lạc đến nay vẫn còn là bí ẩn, vì Minh sử không nêu rõ “thuốc đỏ” mà Lý Khả Chước dâng lên là loại thuốc gì.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử cho rằng, “thuốc đỏ” thực chất là “xuân dược phòng the”. Đây là loại thuốc kích thích tình dục, kéo dài tinh lực để hoàng đế tận hưởng hết các mỹ nhân, cung nữ trong cung cấm.

Thời Minh Thế Tông (1507 – 1567), có viên ngự y tên Đào Trọng Văn dâng lên thứ xuân dược gọi là “hồng hoàn”, vì vậy được trọng dụng.

Tương truyền, “hồng hoàn” do Đào Trọng Văn điều chế từ máu kì kinh nguyệt đầu tiên của các thiếu nữ, kết hợp với ô mai, sương đêm, nhựa thông, chu sa (khoáng vật thủy ngân có màu đỏ) đem sắc 7 lần rồi luyện thành thuốc viên, có màu đỏ đặc trưng.

Để luyện được thứ “hồng hoàn” này, Minh Thế Tông đã tuyển rất nhiều thiếu nữ ở độ tuổi 11 – 16 vào cung. Họ thường xuyên bị bỏ đói và đánh đập, ngày đêm than khóc vì nhớ cha mẹ.

Ngày 21/10/1542, xảy ra sự kiện “Nhâm Dần cung biến” khi Dương Kim Anh (cung nữ) cầm đầu một nhóm cung nữ khác thắt cổ nhà vua. Vụ ám sát khiến Minh Thế Tông suýt mất mạng.

Năm 1567, Minh Thế Tông băng hà, phương thuốc “hồng hoàn” cũng thất truyền cho đến vụ án hại chết hoàng đế Chu Thường Lạc (chắt của Minh Thế Tông).

Theo Qulishi, Lý Khả Chước có thể vì thấy Chu Thường Lạc “mây mưa” quá độ, tinh lực kiệt quệ nên dâng “hồng hoàn” để nhà vua lại sức, mong được thăng quan tiến chức. Ai ngờ thuốc phản tác dụng, khiến Chu Thường Lạc lên ngôi mới 29 ngày đã chết bất đắc kỳ tử.

Dùng “thuốc đỏ”, nhà vua chết bất đắc kỳ tử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Dùng “thuốc đỏ”, nhà vua chết bất đắc kỳ tử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Giả thuyết thứ hai cho rằng, “thuốc đỏ” mà Lý Khả Chước dâng lên là một loại đan dược của đạo sĩ giang hồ.

Theo Qulishi, thời Vạn Lịch Đế, nhà vua 20 năm không thiết triều, chỉ ham mê luyện thuốc trường sinh, vì vậy đám người tự xưng là “đạo sĩ”, “chân nhân” tập trung ở kinh thành rất đông. Gặp người bệnh nguy kịch, các “thần tiên dỏm” thường cho đan dược. Nếu không may người bệnh chết thì nói là do bệnh quá nặng, nếu may mắn cứu được thì tha hồ vơ vét tiền bạc.

Lý Khả Chước làm việc ở Hồng Lư tự, quen biết rộng, có thể từng được một đạo sĩ nào đó truyền cho đan dược. Ông ta dâng thuốc lên hoàng đế cũng với tâm lý cầu may, “năm ăn năm thua”.

Trừng trị

Minh sử chép, hoàng đế Chu Thường Lạc băng hà, quan lại trong triều hầu hết đòi xử tử Thôi Văn Thăng, Lý Khả Chước vì tội dùng thuốc giả. Một số người nhớ đến “Đĩnh kích án” mấy năm trước, kêu gọi trị tội cả Trịnh quý phi.

Khi đó, quan thủ phụ nội các (tương đương chức tể tướng) là Phương Tòng Triết ra mặt bênh vực, cho rằng án “thuốc đỏ” không có chứng cứ xác thực, Chu Thường Lạc trước khi chết cũng khen Lý Khả Chước là “trung thần”.

Phương Tòng Triết đề nghị tha tội chết cho Thôi Văn Thăng. Riêng Lý Khả Chước chỉ bị phạt 1 năm bổng lộc. Trịnh quý phi vẫn bình an vô sự.

Năm 1620, Chu Do Hiệu (con trai Chu Thường Lạc) lên ngôi. Hai năm sau, Chu Do Hiệu ra lệnh đày Lý Khả Chước đến biên ải, tịch thu hết gia sản.

Theo Sohu, Chu Thường Lạc trị vì chỉ 29 ngày nhưng đã có nhiều quyết định đúng đắn. Ông bãi bỏ những loại thuế vô lý thời Vạn Lịch Đế và bổ nhiệm nhân sự vào nhiều chức vụ quan trọng bị khuyết thiếu.

Tới thời Chu Do Hiệu, thái giám Ngụy Trung Hiền lộng quyền đẩy nhà Minh đến bờ vực suy vong.

_____________

Nhà vua tiết kiệm đến nỗi "ăn không dám ăn, mặc không dám mặc", nhưng bỗng nhiên phát hiện quốc khố mất trộm hơn 200 tấn bạc. Vụ trộm "động trời" khiến cháu nội Càn Long suy sụp, nhà Thanh đi đến con đường sụp đổ, không thể cứu vãn. Mời quý độc giả tìm hiểu về sự kiện đặc biệt này trong bài kỳ sau, xuất bản vào 19h ngày 7/1.

Thời Hán Vũ Đế, hàng vạn người lâm vào cảnh “máu chảy đầu rơi” vì hoàng đế bị ám ảnh bởi cổ trùng - loại trùng độc được luyện kỳ công, tương truyền có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Kỳ án nghiêng đổ triều đại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN