Kinh tế Trung Quốc tiếp tục "trầy vi tróc vảy" trong thương chiến với Mỹ

Mức tăng tưởng tồi tệ trong thời gian qua buộc Trung Quốc phải sớm hàn gắn mối quan hệ thương mại với Mỹ và thực hiện nhiều biện pháp hơn để kích thích kinh tế.

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang có mức tăng trưởng thấp nhất sau 17 năm (Ảnh: GETTY)

Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang có mức tăng trưởng thấp nhất sau 17 năm (Ảnh: GETTY)

Dữ liệu được Trung Quốc công bố hôm thứ Hai vừa qua (16.9) cho thấy sản xuất công nghiệp - một chỉ số quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc - chỉ tăng 4,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn cả hiệu suất của ngành này trong tháng 7, khi tăng 4,8%. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất của Trung Quốc trong 17 năm qua.

Sản xuất công nghiệp rất quan trọng vì nó là thước đo sản lượng của các doanh nghiệp chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác và tiện ích của Trung Quốc. Số liệu mới nhất cũng thấp hơn mức tăng trưởng 5,2% mà các nhà phân tích dự kiến từ cuộc thăm dò của hãng thông tấn Reuters.

Các dữ liệu khác được công bố vào hôm thứ hai bởi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng phản ánh sự phát triển kinh tế nghèo nàn của nước này trong thời gian qua. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại tới 7,5% trong tháng 8, giảm so với mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã và đang gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong nước khi cố gắng ít lệ thuộc vào các khoản nợ hơn để tăng trưởng.

Dữ liệu mới nhất được đưa ra khi mối quan hệ thương mại căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ mới chỉ cải thiện được đôi chút, khi Trung Quốc vào tuần trước công bố rằng nước này sẽ miễn áp thuế đối với đậu tương và thịt lợn của Mỹ. Đó là bước tiến mới nhất trong một loạt các nỗ lực được cả hai nước thực hiện để hạ nhiệt trước một vòng đàm phán thương mại mới.

Ken Cheung Kin Tai, chiến lược gia trưởng về thị trường ngoại hối khu vực châu Á của chi nhánh Ngân hàng Mizuho tại Hong Kong, cho biết số liệu mềm trong tháng 8 vừa qua phản ánh "rủi ro đang gia tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc". "Trong bối cảnh này, Trung Quốc cần phải hạ bớt lập trường của mình về các cuộc đàm phán thương mại và phải đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế trong những tuần gần đây,” ông cho biết.

Đồng nhân dân tệ bị phá giá xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua (Ảnh: GETTY)

Đồng nhân dân tệ bị phá giá xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua (Ảnh: GETTY)

Cũng theo ông Cheung, các dữ liệu yếu ớt trên cũng làm dấy lên những hoài nghi về cách ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể tiếp tục ứng phó với đà suy thoái.

Gần đây nhất, vào hôm 6/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 3 kể từ đầu năm, theo đó giải phóng lượng vốn 900 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 126 tỷ đô la Mỹ, trong hệ thống ngân hàng. Mức dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại Trung Quốc hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, hãng tin Bloomberg cho hay.

Trung Quốc cũng đã phá giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất sau hơn 1 thập kỷ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, theo ông Martin Lynge Rasmussen, nhà kinh tế học Trung Quốc của tổ chức Capital Economics, việc phá giá tiền tệ không có khả năng bù đắp hoàn toàn các vấn đề về thuế quan. Ông Rasmussen cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Tommy Wu, kinh tế gia cấp cao của tổ chức Oxford Economics, nhận định Trung Quốc cần phải thực hiện các biện pháp quan trọng để ổn định tăng trưởng. Tổ chức của ông dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay và 5,7% vào năm 2020.

Dù vậy, giới chức Trung Quốc khẳng định họ vẫn có đủ phương tiện để củng cố nền kinh tế của nước mình.

"Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực nhất định từ sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương ", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga, "Nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng phục hồi lớn, có đủ tiềm năng và không gian để có thể xoay trở linh hoạt."

Thương chiến Mỹ-Trung: Dân Trung Quốc lo không có thịt lợn để ăn

Nhà chức trách Trung Quốc đang làm mọi cách để kiểm soát giá thịt lợn trong nước, trong khi người dân bày tỏ sự lo ngại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Anh - CNN ([Tên nguồn])
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN