Kinh tế Trung Quốc gặp thách thức từ bên ngoài
Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 10, cho thấy nhu cầu bên ngoài vẫn còn suy yếu và đà phục hồi kinh tế trong nước không ổn định.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 7-11 cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 đạt 274,8 tỉ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp con số này sụt giảm.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 218,3 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đài CNBC, Trung Quốc ghi nhận nhập khẩu từ Mỹ giảm 3,7%, từ Liên minh châu Âu (EU) tăng hơn 5% và từ ASEAN tăng 10,2%.
Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách kể từ mùa hè để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đà phục hồi tổng thể vẫn còn mong manh trong bối cảnh ngành bất động sản chưa hết bất ổn và các khoản nợ của chính quyền địa phương trở thành một rủi ro đáng kể khác đối với nền kinh tế.
Nhà kinh tế Xu Tianchen tại Cơ quan Nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (Anh) nhận định dữ liệu xuất khẩu cho thấy bất ổn liên quan đến đà phục hồi từ nhu cầu bên ngoài.
Các container tại Cảng biển nước sâu Dương Sơn ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
Ngay trong ngày, các số liệu trên được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên 5,4% trong năm 2023. Theo IMF, lý do dẫn đến động thái này là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự kiến trong quý III và những thông báo chính sách gần đây của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, IMF cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 4,6% vào năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục yếu và nhu cầu bên ngoài kém khởi sắc.
Cũng trong ngày 7-11, Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu các nhà xuất khẩu phải báo cáo các giao dịch liên quan đến những kim loại đất hiếm và sản phẩm ô xít được xem là có tầm quan trọng chiến lược. Bộ này cho biết thêm việc nhập khẩu dầu thô, quặng sắt, tinh quặng đồng và phân kali cũng cần phải được báo cáo chặt chẽ, bao gồm các đơn đặt hàng và thông tin lô hàng.
Những quy định mới này sẽ có hiệu lực trong 2 năm, tính từ ngày 31-10-2023. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới. Đây là nguồn nguyên liệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tiêu dùng của Trung Quốc như một động cơ không bao giờ chết máy, kéo theo cả nền kinh tế thế giới. Nhưng giờ đây, động cơ đó có dấu hiệu chững lại.