Kinh tế thế giới: Vui hay buồn?
GDP của Mỹ vẫn tăng trưởng ấn tượng trong khi hai nền kinh tế Nhật Bản và Anh đang rơi vào suy thoái
Hoạt động đi lại đã gia tăng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay ở Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng tăng chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nguy cơ giảm phát...
Theo báo cáo chính thức, hơn 61 triệu chuyến đi bằng đường sắt đã được thực hiện ở Trung Quốc trong 6 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Một số dữ liệu ban đầu cũng cho thấy hoạt động đi lại bằng đường bộ và hàng không trong kỳ nghỉ lễ cũng tăng so với năm ngoái.
Mức chi tiêu trung bình hằng ngày của người sử dụng trên các nền tảng của Công ty Mua sắm trực tuyến Meituan trong kỳ nghỉ lễ đã tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hành khách tại sân bay ở TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 9-2.Ảnh: REUTERS
Tết Nguyên đán được xem là thước đo quan trọng cho tiêu dùng ở Trung Quốc vào đầu năm nay. Ông Frederic Neumann, chuyên gia tại Ngân hàng HSBC (Anh), nhận định các chỉ số chi tiêu đều cao hơn mong đợi.
Theo trang Bloomberg, dữ liệu đi lại là tin tức đáng mừng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa lúc có những lo ngại về tăng trưởng trong năm nay khi cuộc khủng hoảng bất động sản chưa hạ nhiệt và sức ép giảm phát còn đó.
Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) hôm 15-2 cho biết GDP của nước này đã giảm 0,3% trong 3 tháng cuối năm 2023, sau khi đã giảm 0,1% trong quý III/2023. Một cuộc suy thoái kinh tế thường được định nghĩa là 2 quý liên tiếp GDP sụt giảm. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định suy thoái sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn sau khi số liệu công bố hôm 16-2 cho thấy doanh số bán lẻ cao hơn dự kiến trong tháng 1-2024.
Cụ thể, theo ONS, doanh số bán lẻ ở Anh trong tháng 12-2023 đã tăng 3,4% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 4-2021. Ông Joe Maher, chuyên gia tại Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), cho rằng thông tin này cho thấy ngành bán lẻ đã qua giai đoạn xấu nhất. Theo ông, lạm phát giảm và tiền lương tăng trong năm 2024 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi.
Cũng rơi vào tình cảnh giống Anh là Nhật Bản. Ngày 15-2, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết GDP nước này trong quý IV/2023 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này trong quý III/2023 là 3,3%.
Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Quản lý tài sản UBS Global Wealth Management (Thụy Sĩ), chỉ ra rằng kinh tế suy thoái liên quan đến dân số đang sụt giảm của Nhật Bản. Cụ thể, dân số nước này giảm 800.000 người năm 2022. Đây là năm thứ 14 liên tiếp, con số này sụt giảm. Theo ông Donovan, thực trạng này hạn chế khả năng phát triển của đất nước vì có ít người sản xuất và tiêu dùng hơn.
Dù vậy, theo các nhà phân tích tại Capital Economics, kết quả các cuộc khảo sát mới nhất và tình hình thị trường lao động cho thấy môi trường kinh doanh ở Nhật tươi sáng hơn số liệu nói trên. Chẳng hạn, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 12-2023 giảm còn 2,4%, mức thấp nhất trong 11 tháng. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hôm 15-2 dự báo kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng 1% trong quý I/2024.
Không như Nhật Bản và Anh, GDP Mỹ trong 2 quý cuối năm 2023 lần lượt tăng trưởng 4,9% và 3,3%, một phần nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Dù vậy, với việc 2 trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái, đã xuất hiện câu hỏi liệu Mỹ có phải là cái tên tiếp theo?
Vấn đề này càng được quan tâm khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 15-2 công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ giảm 0,8% trong tháng 1-2024 sau khi đã tăng trong 2 tháng trước đó. Điều này cho thấy người Mỹ đang thắt chặt chi tiêu sau mùa mua sắm cuối năm sôi nổi.
Theo đài CNN, kịch bản Mỹ rơi vào suy thoái là khá xa vời. Trước hết, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua tỉ lệ thất nghiệp dưới mức 4% trong 24 tháng liên tiếp. Ngoài ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới còn hưởng lợi từ khoản tiền hỗ trợ người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, người Mỹ hiện gặp sức ép từ lãi suất tăng, lạm phát còn cao và khó tiếp cận tín dụng hơn.
Hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và trung tâm chính trị, trong đó có các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực như Indonessia, Nga, Ấn Độ, Mỹ… hay Liên minh Châu Âu (EU) chiếm hơn 40% dân số và đa phần GDP toàn cầu diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng mà kết quả của nó tác động không nhỏ tới tình hình khu vực cũng như cả thế giới trong tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]