Kinh tế thế giới năm 2021 và điểm sáng Việt Nam
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, việc triển khai nhanh chóng vắc-xin Covid-19 có thể thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng 5% năm 2021; Nikkei Asia dự báo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á năm 2021
Sau một năm 2020 lao đao vì tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới bước vào năm 2021 với thông tin lạc quan về nỗ lực triển khai vắc-xin và thêm nhiều gói cứu trợ, kích thích tài chính. Dù vậy, không ít chuyên gia lo ngại về một sự khởi đầu thách thức của năm 2021 khi số ca Covid-19 tăng, dẫn đến việc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa mới.
Yếu tố vắc-xin Covid-19
Theo trang Bloomberg, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ chật vật trong khoảng thời gian đầu năm 2021 trước khi phục hồi mạnh nhờ nỗ lực tiêm chủng Covid-19 và kích thích tài chính được đẩy mạnh.
Lạc quan nhất là Morgan Stanley với dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6,4% trong năm 2021 và kỳ vọng về sự phục hồi dạng chữ V. Ít tự tin hơn là dự báo của Citigroup về mức tăng trưởng 5%. Những con số này là sự đảo chiều đáng kể so với mức dự báo giảm 4,4% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020.
Sự phục hồi như thế, nếu có, nhiều khả năng do Trung Quốc dẫn đầu, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Cụ thể, kinh tế thế giới sẽ tăng 4,2% trong năm 2021 và đóng góp của Trung Quốc vào sự phục hồi này sẽ chiếm khoảng 1/3. Mức tăng dự báo này đã giảm so với con số trước đó (5%) do các đợt bùng phát Covid-19 mới ở Bắc bán cầu. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức 8%.
Cũng theo OECD, nỗ lực tiêm chủng Covid-19 có thể là yếu tố tác động mạnh đến kinh tế phục hồi nhanh hay chậm trong thời gian tới. Việc triển khai nhanh chóng vắc-xin có thể thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng 5% năm 2021 và 5,5% năm 2022. Ngược lại, 2 con số này có thể lần lượt bị kéo giảm còn 1,45% và 2,2%.
Nỗ lực tiêm chủng Covid-19 có thể là yếu tố tác động mạnh đến kinh tế phục hồi nhanh hay chậm thời gian tới. Trong ảnh: Người dân chờ vào một trung tâm tiêm vắc-xin Covid-19 ở thủ đô Berlin - Đức hôm 30-12-2020 Ảnh: Reuters
Điểm sáng Việt Nam
Cũng chia sẻ dự báo của OECD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định Trung Quốc cùng với Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, từ đó cải thiện triển vọng cho khu vực châu Á đang tăng trưởng sau một năm bị trúng đòn dịch bệnh. Theo dự báo mới nhất của ADB, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,1% trong năm 2020 trước khi con số này đạt mức 7,7% năm tới. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8% năm 2021 sau khi giảm 8% năm trước đó. Nhờ vậy, cả khu vực châu Á đang phát triển được dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 sau khi giảm 0,4% năm 2020.
Đáng chú ý, theo ADB, tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á vẫn chịu áp lực khi một số nước tiếp tục đối mặt sự gia tăng của số ca Covid-19 mới và duy trì các biện pháp phong tỏa một phần. Theo dự báo, kinh tế khu vực này sẽ giảm 4,4% năm 2020 trước khi tăng 5,2% năm 2021.
Trang Nikkei Asia gần đây cũng nhận định 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á sẽ có những lộ trình hồi phục khác nhau trong năm nay. Dựa trên các dự báo của IMF, Nikkei Asia cho biết kinh tế Việt Nam, Indonesia, Malaysia sẽ tăng trưởng so với năm 2019, tức năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, tốc độ hồi phục của Philippines, Singapore, Thái Lan chậm hơn 3 nước trên. Đáng chú ý, Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong số 6 nước này trong năm 2021.
Nguồn: [Link nguồn]
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng...