Kinh tế Nga sau 2 năm xung đột: Vượt gió to nhưng còn sóng lớn

Kinh tế Nga vẫn trụ vững sau hai năm chiến tranh nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng chặng đường tiếp theo sẽ không dễ dàng với Moscow.

Đã hai năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, và trong suốt khoảng thời gian này nền kinh tế Nga đã phải chịu rất nhiều lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây. Tuy nhiên, các số liệu do Moscow và các tổ chức quốc tế công bố cho thấy kinh tế thời chiến của Nga vẫn tăng trưởng tốt và thậm chí có khả năng sẽ bùng nổ.

Theo số liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 1,2% vào năm 2022 và tăng 3,6% trong năm 2023 - vượt mức trung bình trên thế giới (khoảng 2,5 - 3%).

Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao gấp đôi so với con số mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 10-2023.

Vậy làm thế nào kinh tế Nga đứng vững trước các đòn trừng phạt và còn thách thức nào mà kinh tế Nga đang phải đối mặt?

Kinh tế Nga tránh được nguy cơ sụp đổ

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến nền kinh tế Nga vẫn phát triển là do nơi diễn ra cuộc chiến không nằm trong lãnh thổ Nga.

“Chiến tranh đang diễn ra chủ yếu trên đất Ukraine và phá hủy phần lớn nhà cửa, cơ sở kinh doanh và trang trại của Ukraine, do đó tác động trực tiếp đến năng lực sản xuất của Nga là tương đối hạn chế” - ông Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles (Mỹ), nói với tờ Business Insider.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 11-2023. Ảnh: AP

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 11-2023. Ảnh: AP

Theo chuyên gia này, cuộc chiến thậm chí còn giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga khi nó tạo ra “cú sốc” về nhu cầu, đặc biệt là đối với các hàng hóa phục vụ chiến tranh và nguồn nhân lực.

Cụ thể, cuộc chiến khiến quân đội đội Nga cần thêm nhiều vũ khí, đạn dược và thiết bị y tế. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Nga bị hạn chế, các cơ sở sản xuất những mặt hàng trên tại Nga đã bùng nổ mạnh mẽ. Tờ Financial Times hồi tháng 1 đưa tin một cơ sở sản xuất bánh mì ở miền trung nước Nga không chỉ sản xuất bánh mì mà còn là nơi lắp ráp máy bay không người lái cỡ nhỏ.

Về nguồn nhân lực, các đợt huy động lực lượng cho cuộc chiến đã khiến Nga đối mặt tình trạng khủng hoảng lao động. Theo Business Insider, năm ngoái, Nga thiếu 5 triệu nhân công và lực lượng lao động trống tăng gần 5% so với năm 2022. Tình trạng này khiến mức tiền lương tăng lên, từ đó kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Nga giữ vững vị thế một nền kinh tế lớn cũng nhờ sự đóng góp của các ngành sản xuất dầu, khí tự nhiên, lúa mì và kim loại. Ngoài ra, Moscow có khả năng tự cung tự cấp nhiều mặt hàng quan trọng (bao gồm cả vũ khí) khiến nước này vượt qua các lệnh trừng phạt.

Khả năng tự cung tự cấp cùng với các biện pháp như nhập khẩu song song (cho phép các nhà bán lẻ vận chuyển sản phẩm vào Nga mà không cần sự cấp phép của chủ sở hữu nhãn hiệu), chuyển hướng sang các thị trường thay thế,... đã làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt lên ngành công nghiệp quốc phòng cũng như nền kinh tế Nga.

Sự hỗ trợ của chính phủ cũng là yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế Nga. Từ khi chiến tranh bùng nổ, chính phủ Nga đã ban hành rất nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như các loại khoản vay trợ cấp, các biện pháp kiểm soát vốn, tăng lãi suất để bảo vệ đồng rup,..

“Các biện pháp được thực hiện nhanh chóng và hợp lý” - ông Sergei Guriev, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (trụ sở tại Anh) nhận xét.

Nga gần đây đối mặt với thách thức mới khi Mỹ, EU cùng nhiều nước phương Tây tuyên bố sẽ áp đặt “các biện pháp trừng phạt lớn” lên Moscow sau cái chết của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.

…nhưng thách thức vẫn còn

Mặc dù Nga đã tránh được thảm họa kinh tế trực tiếp từ chiến sự tại Ukraine cũng như từ các lệnh trừng phạt, nhưng điều đó không có nghĩa mọi chuyện đều suôn sẻ.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy hồi tháng 1, bà Alexandra Prokopenko - một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga - cho rằng kinh tế Nga đang đối mặt “bộ ba bất khả thi”, bao gồm tài trợ cho cuộc chiến, duy trì mức sống của người dân và bảo vệ sự ổn định kinh tế vĩ mô.

“Việc đạt được mục tiêu thứ nhất và thứ hai sẽ đòi hỏi chi tiêu chính phủ cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát và do đó cản trở việc đạt được mục tiêu thứ ba” - bà Prokopenko nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng kinh tế Nga đang tăng trưởng quá nóng và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ngành dầu mỏ. Chẳng hạn, việc Điện Kremlin công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 70% vào năm 2024 cũng đe dọa đẩy nền kinh tế nóng hơn.

Một tàu chở dầu thô của Nga gần gần TP cảng Nakhodka (Nga) ngày 4-2-2022. Ảnh: REUTERS

Một tàu chở dầu thô của Nga gần gần TP cảng Nakhodka (Nga) ngày 4-2-2022. Ảnh: REUTERS

“Tất cả đều là triệu chứng của tình trạng tăng trưởng quá nóng. Một phần ba tăng trưởng được thúc đẩy do chi tiêu quân sự có thể khiến kinh tế lệ thuộc vào quân sự. Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng tăng lên so với trước chiến tranh” - theo bà Prokopenko.

Một mối lo ngại khác đối với kinh tế Nga đó là việc các lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ dần phát huy tác dụng. Các quan chức phương Tây thường xuyên ví von rằng lệnh trừng phạt áp lên Nga “giống như một vết thủng nhỏ trên lốp xe”, không làm vỡ lốp xe ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ có tác động.

Tính đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra 12 gói trừng phạt lên Moscow (bao gồm cả các biện pháp trừng phạt lên ngành xuất khẩu dầu khí Nga) và chuẩn bị áp gói trừng phạt thứ 13. Theo số liệu của EU, 49% hàng xuất khẩu châu Âu sang Nga và 58% hàng châu Âu nhập khẩu từ Nga đang bị trừng phạt.

“Tôi thực sự nghĩ rằng nền kinh tế Nga đang ở trong thời kỳ rất khó khăn vì dòng người di cư ra nước ngoài, khả năng tiếp cận công nghệ giảm đi kèm với các lệnh trừng phạt. Thế nên, mặc dù con số hiện tại có vẻ tốt, nhưng có một câu chuyện lớn hơn đằng sau và đó không phải là một câu chuyện tốt đẹp cho lắm” - bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF nhận xét hôm 12-2.

Chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba, phía Nga giữ quan điểm sẵn sàng hòa đàm nhưng vẫn chưa xác định được chủ trương từ phía Ukraine và phương Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN