Kinh nghiệm chống biến thể Covid-19 của Mỹ
Theo các nhà khoa học, biến thể mới sẽ xuất hiện tại những nơi Covid-19 đang hoành hành và quá trình tiến hóa của virus SARS-CoV-2 còn lâu mới kết thúc
Ngày 29-12-2020, một binh sĩ Vệ binh Quốc gia ở bang Colorado trở thành ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Mỹ liên quan đến B.1.1.7 - biến thể đã tàn phá nước Anh và bắt đầu bùng phát diện rộng ở châu Âu. Khi đó, những biến thể Covid-19 khác cũng bắt đầu hiện diện trên khắp nước Mỹ, bao gồm B.1.351 và P.1 được cho là có khả năng né tránh phản ứng miễn dịch.
Mối đe dọa tiềm tàng
Những biến thể này xuất hiện vào thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi Mỹ đang ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch sau lễ, trong khi nỗ lực phân phối vắc-xin gặp trở ngại vì hỗn loạn và trục trặc liên lạc.
Giới khoa học khi đó cảnh báo những biến thể này, đặc biệt là B.1.1.7, có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 khiến hệ thống y tế vốn đang trong tình trạng quá tải bị đánh sập. Tuy nhiên, kịch bản này đã không xảy ra. Làn sóng lây nhiễm mà giới chuyên gia lo sợ cuối cùng chỉ là những đợt bùng phát nhỏ trên hầu hết cả nước. Số ca nhiễm hằng ngày ở Mỹ bắt đầu giảm vào tháng 4-2021 và hiện đã giảm hơn 85% so với giai đoạn nguy cấp hồi tháng 1.
Người dân xếp hàng chờ ăn uống tại một nhà hàng ở TP New York - Mỹ hôm 19-5. Ảnh: REUTERS
Theo các chuyên gia, kết quả này đạt được nhờ nhiều yếu tố: đeo khẩu trang, giãn cách xã hội cùng các biện pháp hạn chế khác trong lúc chiến dịch tiêm phòng được đẩy nhanh. May mắn cũng là một phần quan trọng, bởi không như một số biến thể khác, B.1.1.7 vô hại trước vắc-xin dù có khả năng lây nhiễm mạnh hơn 60% so với thể thông thường. "Quả thực, tôi nghĩ chúng ta đã gặp may. Chúng ta đang được vắc-xin cứu" - nhà dịch tễ học Nathan Grubaugh của Trường ĐH Yale (Mỹ) bày tỏ.
Ông Grubaugh cùng các chuyên gia khác vẫn xem các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là mối đe dọa tiềm tàng trong nhiều tháng tới. Sau khi B.1.1.7 xuất hiện vào cuối năm 2020, những biến thể mới với các đột biến gây lo ngại cũng đã được "đưa ra ánh sáng" tại Mỹ. Vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu ở California phát hiện một biến thể có 10 đột biến, được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn và đã lây lan sang những bang khác.
Trong những tháng sau đó, Mỹ tăng cường giám sát để hiểu rõ hơn về cách thức đột biến của các biến thể. Vào tuần đầu tiên của tháng này, hơn 28.800 bộ gien virus (chiếm gần 10% tổng số các trường hợp dương tính) được chia sẻ lên một cơ sở dữ liệu trực tuyến quốc gia mang tên GISAID, giúp các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng lây lan của các biến thể.
Biến thể California hóa ra lại yếu hơn so với những biến thể khác. Tính đến ngày 24-4, biến thể này chỉ chiếm 3,2% số ca nhiễm trên khắp nước Mỹ, thấp hơn nhiều so với B.1.1.7. Ở bên kia đất nước, các nhà nghiên cứu thông báo một biến thể mang tên B.1.526 đang lây lan nhanh chóng ở bang New York và đây có vẻ là đối thủ đáng gờm của B.1.1.7.
Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu sau đó phát hiện biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn không đáng kể so với thể thông thường, thấp hơn nhiều so với B.1.1.7. Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào giữa tháng này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky khẳng định B.1.1.7 đã chiếm 72% số ca nhiễm ở Mỹ.
Ẩn số B.1.617 từ Ấn Độ
Theo báo The New York Times, các nhà khoa học đến giờ vẫn chưa biết điều gì khiến B.1.1.7 có lợi thế hơn so với những biến thể khác. "B.1.1.7 có phải là biến thể mạnh nhất? Rất khó để kết luận ở thời điểm hiện tại" - nhà virus học Angela Rasmussen của Trường ĐH Saskatchewan (Canada) nói.
Thêm một điều khiến giới chuyên gia băn khoăn là vì sao những biến thể từng hoành hành tại các quốc gia khác vẫn chưa lây lan diện rộng ở Mỹ. Trước khi được phát hiện tại Mỹ vào ngày 28-1, B.1.351 từng càn quét Nam Phi và những quốc gia châu Phi khác vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, biến thể này đến giờ mới chỉ chiếm 1% số ca nhiễm ở Mỹ.
Cũng cần lưu ý rằng P.1 - biến thể đang tàn phá Brazil - từng khởi đầu chậm chạp tại Mỹ nhưng hiện chiếm hơn 10% số ca nhiễm ở quốc gia này. Chuyên gia André Ricardo Ribas Freitas của Trường ĐH Faculdade São Leopoldo Mandic (Brazil) cảnh báo "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi P.1 trở thành một trong những biến thể phổ biến nhất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới khoa học vẫn lo lắng
Mỹ có nguồn vắc-xin Covid-19 dồi dào đến mức các biến thể giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với một người bình thường. Vắc-xin có thể bị giảm hiệu quả trước một số biến thể, như B.1.351 và P.1, nhưng ít nhất chúng có thể ngăn chặn những ca bệnh nặng liên quan mọi biến thể đã được phát hiện.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa tình hình không thể xấu đi tại Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, chỉ khoảng 35% cư dân nước này được tiêm phòng đầy đủ và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin có thể suy yếu vào mùa đông năm nay. Không ai biết chính xác những biến thể đang xuất hiện tại các khu vực khác, như biến thể kép B.1.617 ở Ấn Độ, sẽ tác động đến Mỹ như thế nào. B.1.617 đã len lỏi sang Mỹ nhưng vẫn đang lây lan với mức độ thấp, chỉ chiếm khoảng 3% tổng số ca nhiễm tại quốc gia này, tính đến ngày 8-5 - theo CDC.
Tuy nhiên, với một virus biến đổi khó lường và một biến thể đang khiến hàng trăm ngàn người Ấn Độ mắc Covid-19 mỗi ngày, sự hiện diện của B.1.617 khiến các nhà khoa học không khỏi lo lắng. Chưa kể, theo nhà sinh vật học Sarah Cobey của Trường ĐH Chicago (Mỹ), biến thể mới chắc chắn sẽ xuất hiện tại những nơi Covid-19 đang hoành hành và quá trình tiến hóa của virus còn lâu mới kết thúc. Tỉ lệ tiêm chủng chênh lệch lớn giữa các bang, vùng và cộng đồng tại Mỹ cũng là điều khiến giới chuyên gia lo ngại.
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở mức cao nhất trong môi trường khép kín, nhưng có thể giảm đáng kể nếu được áp dụng các...
Nguồn: [Link nguồn]