Kinh hoàng hàng triệu con chuột to như mèo khiến binh sĩ Thế chiến I khổ sở
Ngoài kẻ thù trực tiếp và dịch bệnh, binh sĩ tại các chiến hào trong Thế chiến I còn phải đối phó hàng triệu con chuột to lớn, hung dữ, mang mầm bệnh và tấn công cả con người.
Cuộc sống tại các chiến hào chưa bao giờ là dễ chịu với binh sĩ. Ảnh minh họa: Pinterest
Chiến hào được sử dụng chủ yếu ở Mặt trận phía Tây (một khu vực ở phía bắc nước Pháp và Bỉ) trong Thế chiến I (1914 - 1918). Các đường hào dài và hẹp được đào len lỏi khắp mặt đất là nơi bộ binh trấn giữ. Chúng được thiết kế để bảo vệ binh sĩ khỏi hỏa lực (súng máy, pháo) của đối phương.
Tuy vậy, cuộc sống nơi chiến hào không bao giờ là dễ chịu. Ngoài việc đối phó với đối phương, các binh sĩ còn phải sống trong điều kiện ẩm ướt, mùi hôi thối, rác thải ngập ngụa và bệnh tật, theo trang NZ History.
"Cuộc sống trong chiến hào là 'địa ngục trần gian'. Rận, xác chết và đặc biệt là chuột có ở khắp nơi", James Lovegrave, cựu binh Anh, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 1993.
Lũ chuột thời kỳ này thực sự là "nỗi ám ảnh" với các binh sĩ.
Theo trang Rare Historical Photos, chuột có mặt ở khắp các chiến hào trong Thế chiến I. Chúng bị thu hút bởi chất thải của con người và cả thi thể binh sĩ tử trận, được chôn tạm ở các chiến hào.
Các thi thể này sẽ lộ ra chỉ sau một trận mưa lớn hoặc một đợt pháo kích. Do thức ăn khan hiếm trong khi số lượng ngày càng lớn, lũ chuột ăn cả thi thể binh sĩ tử trận. Chúng còn được gọi là chuột "ăn thây người".
Điều kiện ở chiến hào cũng là "lý tưởng" với lũ chuột. Chúng phát triển với kích thước lớn bất thường và không sợ người. Chuột ngang nhiên bò qua mặt nhiều binh sĩ, lần mò đồ ăn trong chiến hào. Những người lính bị thương còn bị chúng tấn công vào vết thương hở. "Lũ chuột rất lớn, tới mức chúng sẵn sàng tấn công binh sĩ bị thương nếu người này không thể kháng cự", một binh sĩ viết.
Binh sĩ Anh, George Coppard, chia sẻ một lý do khiến lũ chuột thời kỳ này có kích thước lớn: "Không có hệ thống xử lý rác thải phù hợp ở các chiến hào. Các hộp đồ ăn đủ loại vứt bừa bãi ở 2 đầu chiến hào. Hàng triệu hộp đồ ăn với chút ít đồ thừa trải dài hàng trăm km của chiến hào là kho thức ăn tiềm tàng của lũ chuột. Vào ban đêm, tiếng hộp thiếc va vào nhau rộ lên. Đó là lúc lũ chuột đi ăn".
Chuột ở chiến hào phát triển với kích thước lớn. Ảnh: Planet Figure
Trước sự quấy nhiễu của chuột, các binh sĩ tìm mọi cách để tiêu diệt chúng. Bất chấp việc bắn chuột bị cấm vì lãng phí đạn và có thể làm lộ nơi ẩn náu, một số binh sĩ vẫn làm điều này khi phát hiện chuột.
Richard Beasley, một binh sĩ trong Thế chiến I, chia sẻ năm 1993: "Chỉ cần bỏ quên thức ăn trong giây lát, lũ chuột sẽ mò tới. Chúng không hề sợ con người. Đôi khi, chúng tôi bắn chúng nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Chúng tôi có thể bị phạt vì lãng phí đạn nếu cấp trên bắt gặp".
"Đôi khi, các binh sĩ giải trí bằng cách buộc một mẩu thịt xông khói trước mũi súng trường đã lên đạn. Họ muốn dụ lũ chuột tới và bắn chúng ở khoảng cách gần", Frank Laird, binh sĩ Anh, chia sẻ sau chiến tranh.
Một số binh sĩ khác dùng lưỡi lê đâm chuột.
Những nỗ lực đó không thể tiêu diệt hết số lượng chuột khổng lồ lên tới hàng triệu con và sinh sản nhanh. Một đôi chuột có thể đẻ ra 900 con chuột trong một năm.
"Những con chuột chui từ lòng đất lên các chiến hào, ăn thi thể binh sĩ tử trận và số lượng của chúng ngày càng tăng lên", tác giả Robert Graves viết trong cuốn sách "Goodbye to All That".
"Điều gì xảy ra với những con chuột dưới làn đạn pháo dày đặc là một bí ẩn nhưng chúng sống rất 'dai' trước các loại vũ khí mới, kể cả khí độc", binh sĩ Coppard viết trong cuốn sách "With A Machine Gun to Cambrai " (năm 1969).
Mèo và chó sục là giải pháp tiếp theo của những binh sĩ ở chiến trường nhưng chỉ có một loài cho hiệu quả cao. Đó là chó sục.
Một binh sĩ Pháp chụp ảnh cùng chú chó sục và "thành quả" bắt chuột trong Thế chiến I. Ảnh: Planet Figure
"Một câu chuyện được nhiều người kể lại về việc một số binh sĩ mang theo một con mèo tới để bắt chuột ở chiến hào. Sáng hôm sau, những gì còn lại chỉ là phần đuôi mèo", tác giả Mara Bovsun viết trên trang AKC Gazette năm 2007.
Theo bà Mara, chiến hào là "địa ngục" với binh sĩ nhưng lại là "thiên đường" với chó sục.
"Champion Rat Dog of Western Front" (tạm dịch: 'Nhà vô địch' bắt chuột ở Mặt trận phía Tây) là tiêu đề của câu chuyện về Norah, chú chó sục Ireland. Norah từ nhỏ đã cùng với chủ nhân là binh nhì Thomas Radford, thuộc quân đoàn thú y Canada, ra chiến trường.
Chú chó sục này được Radford huấn luyện để quen với việc săn chuột ở chiến hào. Radford cho biết, Norah đã bắt và giết gần 100.000 con chuột ở chiến trường trong hơn 3 năm.
"Thời gian khi còn ở Saint-Omer, Pháp, Norah bắt được 628 con chuột. Nó 'đi săn' cật lực từ 12h tới 19h mỗi ngày để có được thành tích đó. Tới nỗi, 5 ngày sau, Norah không thể mở nổi miệng vì đã dùng nó quá nhiều khi săn chuột", Radford khoe với một phóng viên chiến trường.
Theo bà Mara, dù con số này có thể bị phóng đại nhưng tầm quan trọng của những chú chó sục ở chiến trường là không thể phủ nhận, nhất là ở khả năng diệt chuột.
Vậy điều gì khiến chó sục hiệu quả hơn mèo khi đi săn chuột ở chiến hào?
Khác biệt nằm ở cách xử lý của mèo và chó sục khi bắt được chuột. Nếu là mèo, nó sẽ vờn chuột một lúc rồi mới cắn chết. Nhưng chó sục thì không. Khi bắt được chuột, chó sục sẽ cắn chết con mồi rồi tiếp tục săn tìm con khác.
Một điều nữa dẫn tới khác biệt giữa chó sục và mèo trong việc bắt chuột là ngoại hình. Những con chuột thời đó có kích thước lớn và không nhút nhát. Nhiều con chuột còn to hơn cả mèo và quan trọng hơn là số lượng chuột rất đông, trong khi mèo có hạn.
Chó sục lớn, khỏe hơn mèo và sẽ tấn công liên tục khi nhìn thấy chuột. Hàm của chó sục cũng lớn và có lực cắn tốt hơn mèo. Chó sục có kích thước vừa đủ nhỏ để len lỏi trong các ngóc ngách của chiến hào chật chội, vừa đủ lớn để đối đầu với lũ chuột có kích thước lớn bất thường.
Một đường hầm được tìm thấy ở Pháp sau hơn 100 năm với nhiều hài cốt. Đây là hài cốt của 270 lính Đức bị "chôn...
Nguồn: [Link nguồn]