Kim Jong-un đang đùa với Trump như chơi violin?
Chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên chưa có động thái thực sự muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã gửi lá thư “nồng ấm và tích cực” đến Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài những lời ca ngợi và đặt niềm tin “tuyệt đối” vào ông Trump, ông Kim cũng đề xuất một cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai. Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói phía Mỹ đang sắp xếp lịch trình.
Đây là lá thư mới nhất trong số hàng loạt lá thư nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi đến ông Trump kể từ cuộc gặp tại Hội Nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hồi tháng 6.
Có những thời điểm ông Trump nói rằng tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên bị chậm trễ và chưa nhìn thấy động thái tích cực từ phía Triều Tiên.
Và đó cũng là lúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un xoa dịu bằng những lá thư và cử chỉ “nồng ấm”. Mới đây nhất, Triều Tiên tổ chức duyệt binh mừng quốc khánh 9.9 mà không có tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ông Trump sau đó cũng khen ngợi màn duyệt binh khác lạ này. "Triều Tiên vừa thực hiện một cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh mà không phô diễn các tên lửa hạt nhân. Chủ đề là hòa bình và phát triển kinh tế. Giới chuyên gia tin rằng, Triều Tiên đã bỏ tên lửa hạt nhân để chứng minh với Tổng thống Trump", ông Trump bình luận trên Twitter.
Ông Trump luôn ca ngợi mỗi khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gưi thư "nồng ấm và tích cực".
Theo tờ Irish Times, 3 tháng kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh, Triều Tiên thực tế chưa có bất cứ một động thái phi hạt nhân hóa nào. Kim Jong-un giống như đang chơi đùa với ông Trump như “chơi đàn violin”.
“Kim Jong-un thực tế không mất gì khi bày tỏ lời khen ngợi ông Trump, hay không trình diễn tên lửa như các cuộc duyệt binh trước đây”, tờ Irish Times viết. Nhưng điều quan trọng thì vẫn chỉ là câu nói: cam kết hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, Triều Tiên vẫn âm thầm thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc. Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi “cánh tay phải” đến Bình Nhưỡng và giao thương giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường.
Dường như ở Nhà Trắng, chỉ có cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một người theo lập trường cứng rắn, là nghi ngờ về cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Irish Times bình luận, dĩ nhiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un và ông Trump trao đổi thư thân mật dù sao vẫn tốt hơn là đe dọa. Nhưng điều thực tế là Triều Tiên vẫn chưa thực hiện bất kỳ một biện pháp nào để thế giới thấy nước này đang trên con đường không thể đảo ngược của phi hạt nhân hóa.
Ông Trump dường như tin rằng khi ông Kim nhắc đến phi hạt nhân hóa thì đó là từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn Mỹ cũng từ bỏ “cái ô hạt nhân” với Hàn Quốc.
Cuối cùng, tờ Irish Times kết luận rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai nếu thực sự diễn ra, nhiều khả năng cũng không đem đến bước đột phá. Trái lại, vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên trường quốc tế ngày càng tăng lên nhờ gần gũi hơn với ông Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra...