Kiếm hiệp Kim Dung: Nhân vật sở hữu “võ rắn” lợi hại nhất, sánh ngang Độc cô cửu kiếm

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Kiếm pháp linh hoạt, uyển chuyển như rắn. Tính tình hiểm độc, lạnh lùng như rắn. Từng đánh khắp thiên hạ không có đối thủ, nhưng về cuối đời, vị cao thủ này lại phải chịu cái chết tức tưởi trong hang.

Hạ Tuyết Nghi – nhân vật có võ công mạnh bậc nhất truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hạ Tuyết Nghi – nhân vật có võ công mạnh bậc nhất truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Nhắc đến hình tượng rắn trong kiếm hiệp Kim Dung, nhiều người nghĩ ngay đến “Bích huyết kiếm”. Đây là bộ tiểu thuyết kiếm hiệp mà trong đó, chữ “xà” (rắn) được nhắc đến nhiều nhất, kiếm pháp lấy hình tượng loài rắn cũng mạnh mẽ và bí hiểm nhất.

Theo Sina, Bích huyết kiếm là một trong những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhà văn Kim Dung. Bích huyết kiếm xuất bản lần đầu trên Hương Cảng thương báo vào ngày 1/1/1965. Tác phẩm lấy bối cảnh thời kỳ hỗn loạn cuối nhà Minh (1368 – 1644), khi Viên Sùng Hoán – danh tướng trấn thủ thành Ninh Viễn – bị hoàng đế Sùng Trinh giết oan.

Con trai Viên Sùng Hóa là Viên Thừa Chí được một số nhân sĩ giang hồ bí mật đưa lên núi Hoa Sơn và truyền dạy võ công. Trong một lần tình cờ, Viên Thừa Chí phát hiện Kim xà kiếm và Kim xà kiếm pháp – di vật của Hạ Tuyết Nghi, biệt hiệu “Kim xà lang quân”. Học được kiếm pháp vô địch của Hạ Tuyết Nghi, Viên Thừa Chí tung hoành khắp giang hồ.

Kim xà kiếm – bảo kiếm uốn lượn như rắn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Kim xà kiếm – bảo kiếm uốn lượn như rắn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Kim xà kiếm

Trong truyện Kim Dung, Kim xà kiếm có lẽ là loại vũ khí đặc biệt nhất.

Thanh kiếm này là bảo vật của Ngũ độc giáo – giáo phái có nguồn gốc từ Tây Vực, chuyên dùng độc ám toán người khác nên bị danh môn chính phái xem là tà đạo. Kim xà kiếm hình dạng rất khác biệt. Lưỡi kiếm không thẳng mà uốn lượn như hình con rắn. Mỗi khi người dùng vận nội công, thanh kiếm sẽ chuyển sắc vàng, lưỡi kiếm từ một tách ra làm đôi, hệt như hình lưỡi rắn.

Theo mô tả trong Bích huyết kiếm, Kim xà kiếm có sát khí rất nặng, chém sắt như chém bùn. Bị kiếm này đâm, đối thủ chắc chắn mất mạng. Có Kim xà kiếm trong tay, Hạ Tuyết Nghi đánh khắp giang hồ không có đối thủ.

Viên Thừa Chí sử dụng Kim xà kiếm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Viên Thừa Chí sử dụng Kim xà kiếm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Mối hận kim xà

Trong Bích huyết kiếm, Hạ Tuyết nghi chỉ là nhân vật phụ. Ông chết trước khi Viên Thừa Chí (nhân vật chính) ra đời. Cuộc đời và võ công của Hạ Tuyết Nghi chủ yếu được khắc họa qua lời kể của những nhân vật sống cùng thời với ông, nhưng gây ấn tượng mạnh với độc giả.

Theo lời kể của Ôn Nghi (người tình của Hạ Tuyết Nghi), cuộc đời ông tràn ngập đau khổ và thù hận.

Chị gái của Hạ Tuyết Nghi bị Ôn Phương Ngọc (Ôn Lão Lục) của Ôn gia phái hãm hiếp. Bị phát giác, Ôn Phương Ngọc giết cả nhà Hạ gia, chỉ có Hạ Tuyết Nghi nhỏ tuổi nhất là may mắn sống sót.

Hạ Tuyết Nghi chạy trốn đến Tây Vực, gia nhập Ngũ độc giáo rồi luyện Kim xà kiếm pháp. Trong khi trộm Kim xà kiếm của Ngũ độc giáo, Hạ Tuyết Nghi vô tình tìm được thêm một bảo vật khác là tấm bản đồ kho báu, có thể giúp người thường gây dựng nên cả một đội quân.

Có Kim xà kiếm trong tay, Hạ Tuyết Nghi đánh đâu thắng đó, hạ sát Ôn Phương Ngọc của phái Ôn gia. Trên giang hồ, ông có biệt hiệu là “Kim xà lang quân”.

“Anh em họ Ôn của Ôn gia phái nghe đây. Ta tặng cho các ngươi xác của Ôn Phương Ngọc. Kẻ này năm xưa đã làm nhục rồi giết chị ruột ta, lại tàn sát một nhà 5 mạng người, cha mẹ và các anh ta. Bây giờ ta quay lại trả thù. Nợ máu phải trả gấp 10 lần. Ta nhất định phải giết 50 nhân mạng, làm nhục 10 nữ nhân trong nhà các ngươi. Không đủ số đó, ta thề không làm người”, Hạ Tuyết Nghi phát lời thề.

Tuy nhiên, sau khi bắt cóc Ôn Nghi (con gái của Ôn Lão Tam), Hạ Tuyết Nghi bị sự lương thiện của nàng cảm hóa. Ông xóa bỏ thù hận với Ôn gia và chỉ muốn sống những ngày tháng bình yên.

“Từ khi cả nhà ta bị Ôn Phương Ngọc hại chết, chưa có ai quan tâm đến ta. Hôm nay, ta đã giết thêm tên anh họ của cô. Tổng số đã 40 người. Lẽ ra còn phải giết 10 người nữa, nhưng trừ vào chỗ nước mắt của cô, từ nay ta sẽ ngừng tay”, Hạ Tuyết Nghi nói.

Một lần mềm yếu của Hạ Tuyết Nghi đã lấy đi “nửa cái mạng” của ông, theo Sina.

Trong đêm chờ làm lễ cưới với Ôn Nghi, Hạ Tuyết Nghi bị Ôn gia phái hạ độc rồi vây khốn trong Ngũ hành trận. Hạ Tuyết Nghị bị bắt, bị cắt hết gân tay, gân chân, trở thành phế nhân. May nhờ giao cho Ôn gia tờ bản đồ kho báu giả mà ông có cơ hội trốn thoát.

Hạ Tuyết Nghi trốn trong một hang đá ở Hoa Sơn. Ông dành những ngày cuối đời để mài giũa Kim xà kiếm pháp và phá giải Ngũ hành trận của Ôn gia. Nhưng mọi thành quả đều trở nên vô nghĩa khi Hạ Tuyết Nghi đã tàn phế. Ông đành ôm hận mà chết trong hang đá, không người chôn cất.

Viên Thừa Chí phá giải Ngũ hành trận (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Viên Thừa Chí phá giải Ngũ hành trận (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hậu phát chế nhân

Trong hồi 7 của “Bích huyết kiếm”, Viên Thừa Chí đã vận dụng bí kíp Hạ Tuyết Nghi truyền lại để phá Ngũ hành trận của Ôn gia.

Nói về trận Ngũ hành của Ôn gia thì cực kỳ lợi hại. Trận này do 5 người thi triển, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), bên ngoài lại có Bát quái trận bọc lót, không một kẽ hở.

“Khi một lão ra tay, 4 lão kia cũng di chuyển đánh theo. Chiêu thức của 5 lão già đều hỗ trợ phòng thủ, bổ sung che chắn cho nhau. 5 người mà kín kẽ như một. Võ công của một người mà không có chỗ sơ hở thì làm sao phá được?”, Hạ Tuyết Nghi nói về Ngũ hành trận.

Một lần ra khỏi hang, Hạ Tuyết Nghi bỗng thấy con rắn nhỏ lẩn trong bụi cỏ. Thấy người đến gần, nó lập tức cuộn tròn lại, đầu ngẩng cao, hoàn toàn không động đậy.

Hạ Tuyết Nghi rất hiểu tính nết loài rắn. Ông biết khi nó cuộn người lại, đầu ngẩng lên là chờ kẻ địch tiến đến trước, rồi bất ngờ phóng tới cắn. Nếu kẻ địch không động đậy, con rắn cũng không chủ động tấn công.

Thấy cảnh này, trong đầu Hạ Tuyết Nghi đột nhiên hiện ra 4 chữ “hậu phát chế nhân” (ra tay sau nhưng vẫn có thể đánh bại kẻ địch). Đó là cách phá giải Ngũ hành trận của Ôn gia. Hạ Tuyết Nghi còn sáng tạo Kim xà chùy (loại ám khí có hình con rắn, được phóng với tốc độ cao) để tăng khả năng đoạt mạng đối thủ chỉ trong một đòn.

Sau này, trong trận đại chiến với Ôn gia, Viên Thừa Chí cũng chỉ đứng im bất động, thậm chí nằm lăn ra ngủ, để mặc Ôn gia thi triển Ngũ hành trận và Bát quái trận. Khi đối thủ tỏ ra mất kiên nhẫn, mệt mỏi, Viên Thừa Chí lập tức tấn công, đánh hạ từng người. Ngũ hành trận và Bát quái trận bị phá giải cùng lúc.

Theo Sohu, võ công và kiếm pháp của Hạ Tuyết Nghi có thể so sánh với Độc cô cầu bại – nhân vật mạnh bậc nhất kiếm hiệp Kim Dung, sáng tạo Độc cô cửu kiếm (9 thức kiếm phá giải mọi loại võ công trên đời).

Tuy nhiên, lý luận về kiếm pháp của Hạ Tuyết Nghi và Độc cô cầu bại có sự khác biệt. Nếu như Độc cô cửu kiếm thiên về tốc độ và tấn công sắc bén (9 thức kiếm không có chiêu nào để phòng thủ) thì về cuối đời, kiếm pháp của Hạ Tuyết Nghi lại gói gọn trong 4 chữ “hậu phát chế nhân”.

Âu Dương Phong, cao thủ dùng độc rắn trong kiếm hiệp Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Âu Dương Phong, cao thủ dùng độc rắn trong kiếm hiệp Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tây Độc

Một nhân vật khác trong truyện Kim Dung gắn liền với hình tượng rắn là Âu Dương Phong, biệt hiệu “Tây độc”.

Trong tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”, Âu Dương Phong là phản diện chính. Ông ta là chủ nhân núi Bạch Đà ở Tây Vực, chuyên dùng độc hại người. Võ công của Âu Dương Phong rất cao, xếp cùng hàng với những nhân vật tiếng tăm khác như Hoàng Dược Sư (Đông Tà), Hồng Thất Công (Bắc Cái).

Tuyệt kỹ của Âu Dương Phong là Cáp mô công, loại võ công mang dáng vẻ của con cóc, nội lực rất thâm hậu. Âu Dương Phong còn có biệt tài dùng độc rắn và điều khiển rắn. Trên cây trượng của lão có 2 con rắn cực độc.

Bị rắn của Âu Dương Phong cắn, Hồng Thất Công – cao thủ với tuyệt kỹ Giáng long thập bát chưởng – cũng suýt mất mạng.

Người xưa thường mô phỏng hành động và phương thức chiến đấu của các loài động vật để sáng tạo võ công. Trong đó, các môn võ lấy ý tưởng từ rồng – một loài thần thú – là nguy hiểm và lợi hại nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN