Kịch bản TQ nã nghìn tên lửa hủy diệt hàng loạt căn cứ Mỹ
Báo cáo của hai tư lệnh hải quân Mỹ coi tên lửa chiến lược Trung Quốc là mối đe dọa thường trực với toàn bộ căn cứ hậu cần và quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Phác họa cảnh tên lửa Trung Quốc tấn công các mục tiêu của hải quân Mỹ.
Theo The Diplomat, báo cáo dựa trên kịch bản về một cuộc tấn công mô phỏng, sử dụng dữ liệu quân sự của cả Mỹ và Trung Quốc. Kết luận được hai tư lệnh hải quân Mỹ Thomas Shugart và Javier Gonzalez đưa ra trong một hội thảo quân sự mới được tổ chức gần đây trên đảo Guam.
Báo cáo nói Trung Quốc hiện sở hữu 1.600 tên lửa đạn đạo sẵn sàng hủy diệt toàn bộ căn cứ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Các tên lửa này có thể mang theo nhiều đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đầu đạn chuyên phá hủy căn cứ quân sự.
Ngoài ra, một số lượng không xác định tên lửa hành trình Trung Quốc phóng từ mặt đất ở tầm thấp cũng tạo nên thiệt hại đáng kể.
Trong kịch bản tấn công mô phỏng, Trung Quốc bất ngờ mở đợt tấn công phủ đầu vào căn cứ Mỹ ở Nhật và các nơi khác thuộc châu Á.
Dựa trên tài liệu công khai của Mỹ và chính sách quân sự Trung Quốc, hai tư lệnh Mỹ đi đến kết luận rằng, có khoảng 500 mục tiêu, từ sân bay, hải cảng, trung tâm chỉ huy, kho vũ khí và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác trở thành mục tiêu của tên lửa Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo DF-16 Trung Quốc đủ khả năng tấn công phủ đầu các mục tiêu Mỹ.
1.200 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn và số tên lửa tầm xa còn lại có khả năng tấn công lãnh thổ Nhật Bản trong 15 phút sau khi phóng. Đợt tấn công thứ hai chậm hơn có sự hiện diện của máy bay ném bom và tên lửa hành trình, nhắm vào tất cả những mục tiêu nào còn sót lại.
Theo kết quả mô phỏng, tên lửa Trung Quốc có thể phá hủy gần như toàn bộ các trung tâm chỉ huy và cơ sở hậu cần của Mỹ, cùng với toàn bộ số tàu chiến neo tại cảng và 200 máy bay chiến đấu.
Dựa trên yếu tố bất ngờ mà con số này có thể tăng lên hoặc giảm đi. Nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc đủ khả năng đập tan lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ bằng kho tên lửa mang đầu đạn thông thường, hai tư lệnh Mỹ nhận định.
Tên lửa DF-21 Trung Quốc được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay".
Nhưng liệu năng lực phòng thủ của Mỹ có thể vô hiệu hóa đòn tấn công của Trung Quốc? Đưa Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phong thủ tầm thấp Patriot và các tổ hợp Aegis lắp trên tàu chiến vào tính toán, các lực lượng này vẫn sẽ bị tên lửa Trung Quốc đè bẹp.
Ngay cả khi hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh hoạt động hoàn hảo thì lực lượng vốn chỉ tập trung chống đỡ mối đe dọa từ Triều Tiên, sẽ không đủ đủ sức đương đầu với 1.600 tên lửa Trung Quốc.
Hai tư lệnh Mỹ Thomas Shugart và Javier Gonzalez đề xuất mua thêm ít nhất là 2 hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp Patriot, 5 hệ thống THAAD và 2 tàu chiến trang bị Aegis để chống đỡ hiệu quả hơn trước mối đe dọa tên lửa Trung Quốc.
Trong tình huống xấu nhất, hải quân Mỹ sẽ ra lệnh di tản, các tàu chiến cũng tách đội hình để hạn chế thương vong. Các tàu sân bay sẽ phải tăng tốc hết cỡ và di chuyển càng xa càng tốt, với hy vọng đợt tấn công bằng tên lửa Trung Quốc sẽ không chính xác, ông Shugart và Gonzalez phân tích.
Tổ hợp THAAD không thể bảo vệ toàn bộ lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Một vấn đề khác mà hai tư lệnh Mỹ đặt ra là chi phí sản xuất các tên lửa đánh chặn quá đắt đỏ. Để chặn được một tên lửa Scud có giá 1 triệu USD, Mỹ phải dùng ít nhất một tên lửa Patriot giá 3 triệu USD.
Vũ khí laser cũng có thể là một vũ khí phòng thủ hiệu quả. Nhưng chi phí sản xuất hệ thống này quá đắt đỏ và nếu đang vận hành mà mất điện thì sẽ là tai họa đối với hải quân Mỹ.
Cuối cùng, Thomas Shugart và Javier Gonzalez kết luận, điều quan trọng là Mỹ cần phải tránh xung đột với Trung Quốc, giảm khả năng Bắc Kinh tung đòn tấn công phủ đầu.
Nếu chiến thắng trong một cuộc chiến dựa vào đòn tấn công phủ đầu thì Mỹ đang đứng trước nguy cơ thua cuộc và phải dần chấp nhận thực tế này.
Số lượng tên lửa hơn 1.500 quả được cho là chĩa vào cả đảo Đài Loan và căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản.