Kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung khốc liệt vào năm 2030
Căng thẳng Mỹ-Trung thời gian qua đang có chiều hướng leo thang, sau mâu thuẫn liên quan đến thương mại và việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.
Mô phỏng cảnh tên lửa Trung Quốc tấn công đội tàu sân bay Mỹ.
Chuyên gia Robert Farley nhận định trên tạp chí National Interest rằng, Mỹ có thể bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc vào năm 2030, khi lợi ích quốc gia và đồng minh châu Á bị đe dọa.
Ông Farley đánh giá cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung vào năm 2030 có thể sẽ rất khác biệt. Nhưng một cuộc chiến tranh vào năm 2030 có thể diễn ra như thế nào?
Ông Farley cho rằng chiến trường tương lai giữa Mỹ-Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nằm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó tiềm lực hải quân và không quân đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đây là khu vực có sự hiện diện của các đồng minh Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và nhiều đối tác khác. Chiến tranh có thể bắt đầu từ xung đột giữa đồng minh Mỹ và Trung Quốc, sau đó Washington sẽ trực tiếp can thiệp, trở thành cuộc đối đầu trực tiếp Mỹ-Trung.
Một cuộc chiến tranh nổ ra vào năm 2030 có thể là minh chứng cho thấy cán cân quân sự nghiêng về phía Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn hải quân Mỹ, ngay cả khi Lầu Năm Góc hoàn thành kế hoạch sở hữu 355 tàu chiến. Không quân Trung Quốc cũng hiện đại hóa nhanh hơn không quân Mỹ, dù Washington sắp cho ra mắt oanh tạc cơ tàng hình B-21 hiện đại nhất thế giới.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Cho đến năm 2030, Trung Quốc có thể đã sở hữu 4 tàu sân bay. Mỹ vẫn sở hữu đội tàu sân bay mạnh mẽ hơn, nhưng Trung Quốc có lợi thế vì các khu vực xung đột tiềm tàng đều ở gần nước này.
Trung Quốc cũng có thể triển khai tàu ngầm và tàu mặt nước với số lượng lớn. bởi không cần dàn trải lực lượng trên khắp thế giới như Mỹ. Theo tác giả Farley, Mỹ vẫn sẽ có những lợi thế về công nghệ, nhưng lợi thế này sẽ bị thu hẹp đáng kể so với ngày nay.
Vào năm 2030, Mỹ sẽ tăng cường số lượng tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ B-21, trong khi Trung Quốc bổ sung thêm hàng loạt chiến đấu cơ J-10, J-11, J-20 và thậm chí cả J-31.
Trung Quốc còn được yểm trợ bởi các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Sự khác biệt lớn nhất vào năm 2030 là việc bùng nổ khí tài không người lái trong phối hợp tác chiến hoặc thay thế khí tài có người lái, theo chuyên gia Farley.
Hai bên cũng có thể sử dụng chiến tranh mạng để đánh sập mạng lưới thông tin của đối phương. Điều này có thể gây ra hậu quả tồi tệ cho mỗi nước, bởi Trung Quốc và Mỹ đều xây dựng kinh tế, chính trị và quân sự dựa trên kết nối mạng.
Mỹ cũng có thể huy động các nhóm tác chiến tàu sân bay tới các vùng biển trọng yếu để lập hàng rào phong tỏa, ngăn cản mọi hoạt động vận tải biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng Mỹ sẽ giành chiến thắng.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Ngược lại, năng lực quân sự Trung Quốc vào năm 2030 cũng mới chỉ vươn tầm khu vực, chưa thể đe dọa ngành công nghiệp và chế tạo vũ khí Mỹ ở quê nhà.
Có thể nói, cuộc chiến Mỹ-Trung đều khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế. Chiến thắng sẽ dựa vào việc bên nào có thể tiêu diệt lực lượng chủ lực của đối phương trước, thông qua chiến tranh chớp nhoáng hoặc chiến tranh tiêu hao, theo chuyên gia Farley.
Chấm dứt chiến tranh Mỹ-Trung năm 2030 nhiều khả năng dựa vào các vòng đàm phán ngoại giao. Hãy hy vọng rằng chiến tranh nếu xảy ra chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chứ không kéo dài đến hết phần còn lại của thế kỷ 21, ông Farley nhận định.
Chuyên gia Farley kết luận, trong 4 thập kỷ qua, nhiều nhà phân tích quân sự đồn đoán về chiến tranh Mỹ-Liên Xô. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra.
Có thể Mỹ và Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Hai nước hoàn toàn có thể tránh được cuộc chiến tranh vào năm 2030. Nhưng các nhà hoạch định chiến lược hai nước cũng cần sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Tờ Business Insider so sánh sức mạnh của 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới ở 4 hạng mục khác nhau, trong trường...