Kì 3: Giàu nhất hành tinh nhờ kinh doanh kiểu “mì ăn liền”

Quá khứ nghèo khó của Ortega là một nguyên nhân khiến ông mong muốn các sản phẩm có giá cả hợp lý với mọi người. Đây chính là khởi nguồn cho thành công vượt trội của Zara dưới bàn tay của Ortega.

Amancio Ortega có lẽ là người đàn ông giàu nhất hành tinh mà bạn chưa từng nghe tên. Tuy nhiên, Zara, đế chế thời trang mà ông thành lập đã nổi tiếng khắp toàn cầu. Loạt bài này sẽ phác họa chân dung vị tỉ phú có xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng và những bí quyết làm nên thành công đầy ngoạn mục của ông.

Làn sóng "thời trang mì ăn liền" (fast-fashion)

Khái niệm "thời trang ăn liền" được hiểu tại Zara là họ có thể đưa một sản phẩm từ ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, bày bán trong cửa hàng chỉ trong vòng 2 tuần so với vài tháng như ở các hãng GAP hay H&M.

Điều này giúp Zara sao chép rất nhanh mẫu thời trang trên tạp chí Vogue và bày bán trên đường phố tại hàng chục quốc gia trước khi số tiếp theo của tạp chí được xuất bản.

Kì 3: Giàu nhất hành tinh nhờ kinh doanh kiểu “mì ăn liền” - 1

 Các ý tưởng mới phải được cập nhật theo từng phút

Zara không chỉ phản ứng “nhanh” mà còn “sinh sản rất mạnh”. Trung bình một năm Zara ra mắt khoảng 11.000 mặt hàng mới. Trong khi cả H&M và GAP chỉ cho ra mắt 2.000 đến 4.000 mặt hàng. Trong thế giới thời trang, sự khác biệt này là rất lớn. Các cửa hàng của Zara nhận được hàng mới 2-3 lần mỗi tuần, trong khi hầu hết các nhà bán lẻ quần áo nhận các lô hàng lớn theo mùa, khoảng 4-6 lần mỗi năm.

Là một phần trong chiến lược giới thiệu những mẫu sản phẩm mới với tần suất lớn hơn, Zara cũng sản xuất các mẫu sản phẩm theo lô nhỏ hơn. Do vậy sẽ ít rủi ro hơn nếu một mặt hàng không bán chạy.

Khi các mặt hàng được bán hết, chúng sẽ không được bổ sung trong những lô hàng mới. Thay vào đó, các lô hàng tiếp theo của Zara sẽ bao gồm những mẫu sản phẩm mới và khác biệt. Những mẫu sản phẩm được ưa chuộng có thể xuất hiện và biến mất trong vòng một tuần.

Bí quyết tạo nên sự bùng nổ

Câu trả lời nằm ở hệ thống phân phối của hãng. Do có kinh nghiệm trong ngành dệt may nên Amancio Ortega thiết kế một hệ thống trong đó ông có thể kiểm soát mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng, từ thiết kế, sản xuất đến phân phối và bán lẻ. Ortega biết rằng sự gia tăng lợi nhuận lớn nhất là từ các hoạt động bán buôn và bán lẻ. Ông quyết tâm duy trì kiểm soát đối với các hoạt động này.

Triết lý "mì ăn liền" ban đầu của Ortega hình thành nên trung tâm chuỗi cung ứng độc đáo và nhanh chóng của Zara. Nhưng chính hệ thống thông tin công nghệ cao của Zara đã đưa sự tích hợp theo chiều dọc của công ty lên một cấp độ chưa từng thấy.

Tại trụ sở chính của Zara, các nhóm sáng tạo gồm hơn 300 chuyên gia thực hiện quá trình thiết kế. Nhưng họ hoạt động dựa trên thông tin do các cửa hàng cung cấp. Quản lý cửa hàng hoạt động như những người phát hiện xu hướng thời trang mới. Mỗi ngày họ phải báo cáo các mốt thời trang nóng nhất về trụ sở chính, tạo điều kiện cho các dòng sản phẩm bán chạy được tinh chỉnh và những dòng sản phẩm bán chậm được loại bỏ trong vòng vài giờ.

Theo xu hướng hiện nay, các nhà sản xuất trong tất cả các ngành kinh tế phải thuê ngoài những nhà cung cấp rẻ nhất. Do vậy, hầu hết các đối thủ cạnh tranh của Zara sản xuất ở châu Á. Nhưng Zara lại tự sản xuất 40% số vải và hơn một nửa sản phẩm quần áo. Hầu hết sản phẩm quần áo cung cấp cho các cửa hàng của Zara trên toàn thế giới được sản xuất ở một vùng xa xôi phía đông bắc Tây Ban Nha.

Kì 3: Giàu nhất hành tinh nhờ kinh doanh kiểu “mì ăn liền” - 2

 Rất ít công nhân tham gia dây chuyền sản xuất. Máy móc được sử dụng tối đa

Khi hoàn thành thiết kế, Zara cắt vải tại công ty. Sau đó các mẫu thiết kế được gửi tới một trong số hàng trăm nhà may địa phương để may, giảm thiểu thời gian phân phối nguyên liệu. Khi các mẫu sản phẩm được trở lại cơ sở của Zara, chúng được ủi bởi một dây chuyền công nhân chuyên biệt (ve áo, vai, vv). Các sản phẩm quần áo được bọc trong túi nhựa và vận chuyển trên băng chuyền tới nhiều nhà kho rộng lớn.

Lao động con người rất hiếm thấy trong những kho bãi của Zara. Những máy móc tùy chỉnh theo mô hình thiết bị được sử dụng bởi các dịch vụ bưu kiện qua đêm xử lý lên đến 80.000 sản phẩm một giờ. Hệ thống máy vi tính phân loại, đóng gói, dán nhãn và phân bổ các sản phẩm tới từng cửa hàng trong số 1.495 cửa hàng của Zara.

Hiệu quả của sản xuất trong nước

Mục tiêu chính là gia tăng tốc độ của chuỗi cung ứng đã thực sự có hiệu quả đối với công ty Inditex. Chỉ trong ba năm, doanh số bán hàng và lợi nhuận tăng hơn gấp đôi. Năm 2013 doanh thu tăng hơn 15% so với năm trước, lên đến 14,5 tỷ USD. Con số này là không tồi khi doanh thu bán lẻ trung bình trên toàn thế giới chỉ tăng trưởng một con số và nhiều nhà bán lẻ lớn đã cảm nhận được những tác động của nền kinh tế bị đang bị chậm lại. Có lẽ quan trọng hơn là năm 2013 tổng lợi nhuận của Inditex đã tăng 25% lên đến 1,8 tỷ USD.

Kì 3: Giàu nhất hành tinh nhờ kinh doanh kiểu “mì ăn liền” - 3

 Ông trùm của đế chế thời trang Zara danh tiếng- Amancio Ortega 

Năm 2014 họ đã mở thêm 560 cửa hàng mới trên toàn thế giới (hầu hết trong số đó là những cửa hàng Zara) và cũng có kế hoạch mở thêm cửa hàng trong năm nay. Với hơn một cửa hàng mới được khai trương mỗi ngày, Inditex có thể tăng số lượng cửa hàng từ 3.890 hiện nay lên đến hơn 5.000 cửa hàng tại hơn 70 quốc gia vào cuối thập kỷ này.

Do vậy, trở thành nhà bán lẻ thời trang nhanh nhất không chỉ mang lại thành công cho Zara mà mô hình này đã tái định hình thị trường thời trang ở khắp mọi nơi. Zara đã đi tiên phong cho các nhà bán lẻ thời trang hàng loạt, gây sức ép với thời trang hạng trung và đã buộc các nhãn hàng sang trọng phải cạnh tranh để thoát khỏi cái bóng của những thiết kế giống Zara.

--

Hết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN