Khủng hoảng Ukraine: Tổng thống Putin đang trên cơ?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét các phương án tăng cường sức mạnh quân sự đến "thềm nhà Tổng thống Nga Vladimir Putin"
Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo mọi công dân nước này đang ở Ukraine nên rời đi ngay lập tức, với lý do Nga đang tập trung lực lượng nhiều khác thường - hơn 100.000 binh sĩ và vũ khí - tại biên giới.
"Tình hình an ninh, đặc biệt là dọc biên giới Ukraine, trên bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine, rất khó đoán định và có thể xấu đi bất ngờ" - một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ với giới phóng viên tối 23-1 (giờ địa phương).
Reuters dẫn nguồn tin tình báo Mỹ nghi ngờ Nga có thể tấn công Ukraine trong vòng 1 tháng nữa.
Thêm một bước đi được xem là xoay chuyển thái độ lớn của Mỹ, đó là sau cuộc họp ngày 22-1 với các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tại Trại David, Tổng thống Joe Biden đang xem xét các phương án tăng cường sức mạnh quân sự đến "thềm nhà Tổng thống Nga Vladimir Putin" và có thể ra quyết định trong tuần này, bao gồm triển khai hàng ngàn binh sĩ cùng tàu chiến, máy bay đến các nước đồng minh NATO ở Baltic và Đông Âu.
Theo báo The New York Times, Mỹ có thể đưa 1.000 - 5.000 binh sĩ đến Đông Âu và con số này có thể tăng gấp 10 lần tùy tình hình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp với đội ngũ an ninh quốc gia về tình hình Ukraine tại Trại David hôm 22-1. Ảnh: NHÀ TRẮNG
Những diễn biến này xảy ra chưa tới 2 ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov không đem lại kết quả khả quan.
Trong ngày 24-1, ông Blinken trao đổi lại nội dung cuộc họp với các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm giải pháp thống nhất trong trường hợp Nga thực sự tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, việc tìm tiếng nói chung trong nội bộ 27 nước thành viên EU vào lúc này là cực kỳ khó khăn, dù cả Washington lẫn EU hòa chung giọng đe dọa Nga sẽ gánh "hậu quả nặng nề" nếu tấn công Ukraine.
Ba cường quốc mạnh nhất châu Âu là Đức, Pháp và Anh đang theo đuổi những cách tiếp cận hết sức khác biệt. Các nước còn lại chia thành nhiều phe tùy khoảng cách địa lý xa gần với Nga, mức độ phụ thuộc nguồn năng lượng Nga...
Một nhà ngoại giao EU tiết lộ Đức dường như không muốn bàn đến giải pháp hạt nhân - loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Mới nhất, Đức làm mất lòng cả Ukraine, Estonia và Anh trong vấn đề chuyển vũ khí đến Ukraine.
Theo báo The Washington Post, trong chuyến vận chuyển vũ khí chống tăng tới Ukraine gần đây, máy bay quân sự Anh phải bay đường vòng quanh Đức và chuyển hướng qua biển Bắc và Đan Mạch, làm hành trình kéo dài thêm nhiều giờ.
Đức cũng từ chối cấp phép tái xuất khẩu vũ khí cho Estonia, khiến nước này không được chuyển lựu pháo do Đức sản xuất sang Ukraine. Thêm vào đó, Đức phản đối kêu gọi của Mỹ nhằm đưa đường ống Nord Stream 2 - vận chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu - vào bất kỳ gói trừng phạt nào trong tương lai đối với Nga.
Pháp cũng có tham vọng riêng khi muốn tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để xúc tiến thành lập một khuôn khổ an ninh do EU dẫn đầu, bất chấp nguy cơ NATO bị suy yếu.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục EU đàm phán an ninh riêng với Nga. Tuy nhiên, các nước Đông Âu phản ứng mạnh trước đề xuất này, bởi họ nghiêng về các giải pháp mạnh tay của Mỹ với Nga hơn.
Theo nhiều chuyên gia, Tổng thống Putin đang nắm trong tay thời cơ chín muồi nhất để thách thức châu Âu, khi giới lãnh đạo Anh bận rộn xử lý bê bối tiệc tùng trong Phủ Thủ tướng, Pháp sắp bầu cử tổng thống vào tháng 4 tới và chính phủ mới của Đức chưa chắc chân sau 16 năm cầm quyền của "bà đầm thép" Angela Merkel.
Xét về tổng thể, EU cũng không yên tâm với cả Mỹ khi tình hình an ninh của riêng họ lại do Mỹ đàm phán trực tiếp với Nga.
Mỹ nhắm vào khí đốt Nga Ngày 24-1, đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington đã thảo luận với một số quốc gia và công ty ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và châu Á về đẩy mạnh xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong trường hợp Nga "can thiệp quân sự vào Ukraine" dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản phẩm này. Các quốc gia tham gia đàm phán bao gồm Na Uy và Qatar. Bộ Ngoại giao Mỹ trong 6-8 tuần qua đề ra chiến lược toàn cầu nhằm xem xét các lựa chọn dự phòng để chuyển hướng và tăng nguồn cung LNG từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Tuần trước, Reuters đưa tin cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng Mỹ Amos Hochstein đã đàm phán với các công ty năng lượng nhưng không đề nghị tăng sản lượng LNG bởi các công ty nhận ra rằng việc này có thể gây ra rủi ro và mất thời gian. Các đồng minh châu Âu của Mỹ từng lo ngại khả năng Nga "vũ khí hóa xuất khẩu khí đốt" để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết Nga hiện chiếm hơn 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của châu Âu. Trong khi đó, báo The Washington Post dẫn lời một số quan chức Mỹ tiết lộ Washington đang đe dọa sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để làm tổn thương các ngành công nghiệp chiến lược của Nga, từ trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử đến hàng không vũ trụ dân dụng, nếu Nga tấn công Ukraine. Mỹ đã thảo luận với các đồng minh châu Âu và châu Á để tạo ra quy định ngăn dòng chảy các thành phần tối quan trọng đối với những ngành công nghiệp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham vọng cao như hàng không dân dụng, hàng hải và công nghệ cao. Nga dễ bị tổn thương vì họ không chế tạo thiết bị điện tử, chip và đặc biệt là chất bán dẫn cần thiết cho điện toán tiên tiến - lĩnh vực do Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị. Phạm Nghĩa |
Nguồn: [Link nguồn]
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov ngày 24.1 cho biết Ukraine tập trung một lượng lớn binh sĩ ở giới tuyến vùng Donbass,...