Khủng hoảng Ukraine: Loạt thương hiệu xa xỉ “tháo chạy” khỏi Nga
(NLĐO) - Các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới hôm 4-3 thông báo họ có kế hoạch tạm đóng cửa các cửa hàng và tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang căng thẳng.
Nhà sản xuất túi Birkin thương hiệu xa xỉ Hermes và Richemont, chủ sở hữu của Cartier nằm trong số những công ty đầu tiên công bố động thái này, theo sau là các hãng LVMH, Kering và Chanel.
Hoạt động kinh doanh ở Nga trở nên phức tạp kể từ khi Nga tấn công Ukraine, động thái khiến Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng lên chính quyền Moscow.
Hãng thời trang cao cấp của Pháp Chanel cho biết trên LinkedIn: "Trước những lo ngại ngày càng tăng về tình hình hiện tại, sự bất ổn leo thang và sự phức tạp trong hoạt động, Chanel đã quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh của mình tại Nga".
Cửa hàng Hermes ở thủ đô Moscow - Nga. Ảnh: Reuters
LVMH, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Christian Dior, Givenchy, Kenzo, TAG Heuer và Bvlgari, sẽ đóng cửa 124 cửa hàng ở Nga từ 6-3 nhưng sẽ tiếp tục trả lương cho 3.500 nhân viên của họ tại Nga, theo một phát ngôn viên của LVMH.
Công ty đa quốc gia Kering của Pháp, sở hữu các thương hiệu gồm Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta và Boucheron cùng những hãng khác, có hai cửa hàng và 180 nhân viên tại Nga. Những nhân viên này sẽ được công ty tiếp tục hỗ trợ.
Trong khi những người Nga giàu có quan tâm đến hàng tiêu dùng xa xỉ, các nhà phân tích cho biết doanh số bán hàng xa xỉ cho công dân Nga vẫn thấp hơn so với khách hàng Trung Quốc và Mỹ.
Richemont, hãng sở hữu Dunhill, Jaeger-LeCoultre, Montblanc, Piaget và Van Cleef & Arpels cùng với các thương hiệu khác, có khoảng một chục cửa hàng tại Nga, chủ yếu ở Moscow.
Trong một tuyên bố, họ cho biết đã dừng hoạt động thương mại ở Nga vào ngày 3-3 sau khi ngừng hoạt động tại Ukraine vào ngày 24-2, thời điểm Nga tấn công Ukraine.
Liên quan đến tình hình căng thẳng tại Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 4-3 chỉ trích NATO vì loại trừ khả năng áp vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Phản ứng của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi NATO từ chối lời kêu gọi lập vùng cấm bay tại Ukraine. Theo đài CNN, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các lực lượng của liên minh sẽ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn tới chiến tranh với Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 3-3 cũng cho biết việc thực thi vùng cấm bay tại Ukraine là quyết định của NATO nhưng đó sẽ là "bước đi quá xa"đi cùng với "nguy cơ leo thang thực sự và có thể xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3".
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc tuyên bố ngừng hoạt động ở Nga và Belarus, động thái mới nhất cho thấy Trung Quốc hạn chế sự ủng hộ đối...