Khủng hoảng chính trị Venezuela: Nga sẽ mất mát rất to lớn?
Trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Venezuela và vị thế của ông Nicolas Maduro đang lung lay, Nga có nguy cơ đánh mất một đồng minh quan trọng, lâu đời tại châu Mỹ Latinh cũng như hàng tỷ USD đầu tư vào quốc gia này.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Trong bối cảnh vị thế lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Maduro tại Venezuela đang lung lay, Nga có nguy cơ đánh mất một đồng minh quan trọng đã được “rèn dũa” lâu đời tại châu Mỹ Latinh và hàng tỉ USD đầu tư vào các hợp đồng dầu mỏ và vũ khí.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành nhiều năm để xây dựng một liên minh với cố lãnh đạo dân túy Hugo Chavez của Venezuela và người kế nhiệm Maduro, thường xuyên đón tiếp hai vị lãnh đạo này tại Moscow. Hiện nay, khi áp lực từ vị tổng thống lâm thời tự xưng và các đồng minh phương Tây của ông ta đang ngày càng đè nặng lên Maduro, Nga vẫn kiên định đứng về phía “người bạn” của mình ở Caracas. Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov ngày 29/1 đã tuyên bố Moscow sẽ “làm mọi thứ” để bảo vệ đồng minh của mình.
Theo giới phân tích, sự ủng hộ này là điều dễ hiểu bởi nếu đánh mất Venezuela, Moscow sẽ chỉ còn vài đồng minh tại châu Mỹ Latinh. Vladimir Rouvinski, chuyên gia Nga nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Icesi, Colombia, nhận định: “Venezuela là điều cuối cùng mà Vladimir Putin còn lại ở châu Mỹ Latinh”.
Theo Rouvinski, Moscow muốn thể hiện bản thân là một siêu cường “được lựa chọn” tại sân sau của Washington. Tuy nhiên trong khi mối quan hệ thân thiết với Venezuela và đồng minh truyền thống Cuba vẫn được duy trì, thì các mối quan hệ của Moscow với Brazil, Ecuador và Argentina lại bị ảnh hưởng bởi những thay đổi lãnh đạo mới đây tại các nước này.
Nga nỗ lực giữ vững liên minh với Venezuela với tư cách là nước cho vay lớn thứ hai của Caracas, sau Trung Quốc, cung cấp xe tăng và súng Kalashnikov, đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ, nguồn tài nguyên lớn nhất của Venezuela. Mới tháng trước, Maduro còn tuyên bố trong chuyến thăm tới Moscow rằng Nga đã đầu tư 6 tỷ USD vào các lĩnh vực dầu và khai mỏ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Nicolai Petrov, giảng viên trường Kinh tế tại Moscow: “Nga đang đối mặt nguy cơ tất cả các mối quan hệ chín muồi này sẽ mất giá trị”.
Nga và Venezuela bắt đầu “thân nhau” kể từ thời Chavez, người ủng hộ cái mà ông gọi là “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”. Mối quan hệ này tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau khi Maduro kế nhiệm lúc Chavez qua đời vào năm 2013.
Moscow, cùng với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn duy trì sự ủng hộ chế độ Maduro kể từ sau khi ông này tái đắc cử một cách đầy tranh cãi hồi tháng 5/2018 và thủ lĩnh đối lập Guaido tự xưng làm tổng thống lâm thời. Trong bối cảnh Mỹ và hàng chục quốc gia châu Mỹ Latinh công nhận Guaido, còn châu Âu thì yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử mới, Putin hồi tuần trước đã kêu gọi Guaido xác nhận “các thực thể hợp pháp”.
Nhiều nguồn tin còn tiết lộ hàng trăm lính đánh thuê thuộc nhà thầu quân sự tư của Nga là Wagner đã được triển khai tại Venezuela. Moscow đã bác bỏ các thông tin này, song chuyên gia Rouvinski cho biết điều này khả năng cao là sự thật. Ông nói: “Mọi thứ đều thể hiện các lính đánh thuê của Nga đang có mặt ở Venezuela vào lúc này, dù có thể số lượng ít hơn so với truyền thông đưa tin”.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Truyền hình Nga đưa rất nhiều tin về làn sóng nổi dậy tại Caracas, cũng giống như về các cuộc nổi dậy tại Ukraine năm 2014 đã lật đổ tổng thống thân Kremlin và kéo theo viêc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cùng một cuộc xung đột kéo dài với phe ly khai.
Rouvinski nhận định rằng nếu Nga kịch liệt phản đối các cuộc nổi dậy như vậy thì “một hành động quân sự có giới hạn của Nga là điều không thể loại bỏ, mà chỉ có thể là “lựa chọn cuối cùng” đối với Moscow. Theo chuyên gia, kịch bản như vậy có thể khiến tất cả phần còn lại của châu Mỹ Latinh chống lại Nga trong nhiều năm nữa”.
Ngoài những mục tiêu chiến lược dài hạn, hàng tỷ USD đầu tư và cho vay của Nga cũng đang lâm nguy. Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft do thân tín Igor Sechin của ông Putin điều hành, đã cho công ty dầu khí nhà nước PSVSA của Venezuela vay khoảng 6 tỷ USD, đầu tư vào việc khai khoáng và sản xuất. Một Caracas túng quẫn đang phải vật lộn để trả nợ bằng dầu bởi điều kiện sản xuất rất nghèo nàn.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những đầu tư của Nga được thực hiện với điều kiện tuy chúng có nhiều rủi ro nhưng rốt cuộc cũng sẽ được đáp trả xứng đáng. Dmitry Rozental, một chuyên gia về Venezuela tại Viện châu Mỹ Latinh của Moscow, nhận định: “Rosneft vẫn ở đó bởi họ đã sẵn sàng hoạt động về lâu dài”. Còn Rouvinski thì đánh giá: “Nếu chính phủ Maduro sụp đổ, Nga chắc chắn sẽ phải đấu tranh cho các khoản nợ và hợp đồng của mình”, đồng thời cảnh báo rằng các khoản đầu tư không liên quan đến dầu mỏ của Nga “có khả năng mất trắng”. Theo ông, việc vun đắp mối quan hệ chính trị với một chế độ mới sẽ phụ thuộc vào cách Moscow hành xử trong “thời khắc quan trọng” của Maduro lúc này.
“Hầu hết dân chúng Venezuela đều nhận thấy sự hỗ trợ của Nga dành cho chính phủ Maduro dù Trung Quốc mới là nhà đầu tư lớn hơn. Bản thân Kremlin cũng thể hiện những tín hiệu có thể ủng hộ một cuộc chuyển giao quyền lực 'hợp pháp'”, Rouvinski nói.
Theo Rozental, tại Nga, “cách tiếp cận thực dụng đang lên ngôi, và những mối quan hệ hiệu quả có thể được duy trì” kể cả khi phe đối lập lên nắm quyền: “Lãnh đạo Nga ủng hộ chính quyền Venezuela, cụ thể là tổng thống được bầu hợp pháp. Điều này không có nghĩa là họ sẽ không ủng hộ các mối quan hệ với phe đối lập”.
Vị tướng cấp cao đồng thời cam kết trung thành với nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.