Khủng hoảng Ukraine: Nỗ lực ngoại giao xuống thang căng thẳng
Pháp và Nga thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine trong khi Trung Quốc cảnh báo thế giới một lần nữa đối mặt với nguy cơ chia rẽ và xung đột
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 20-2 đã điện đàm với nỗ lực xoa dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine. Đây là lần thảo luận thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp từ đầu năm đến nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột ở Đông Âu.
Các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Nga đang tạo cái cớ cho cuộc tấn công nhằm vào Ukraine bằng cách đưa ra thông tin không chính xác về bạo lực trong các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Phát biểu với Tổng thống Emmanuel Macron hôm 19-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông muốn có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tổng thống Ukraine cho hay: "Tôi không biết Tổng thống Nga muốn gì, vì vậy tôi đang đề xuất một cuộc họp. Ukraine sẽ chỉ tiếp tục đi theo con đường ngoại giao vì lợi ích cho một giải pháp hòa bình". Theo ông Zelenskyy, Nga có thể lựa chọn địa điểm cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, hiện Điện Kremlin chưa phản hồi.
Tổng thống Ukraine cho biết ông sẽ không đáp trả các "hành động khiêu khích" của Nga. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich ở Đức, ông Zelenskyy đã lên án "chính sách xoa dịu" của phương Tây đối với Moscow.
Các quân nhân tham gia khóa huấn luyện chiến thuật và kỹ năng chiến đấu ở thủ đô Kiev - Ukraine ngày 19-2 Ảnh: REUTERS
Theo đài RT, Tổng thống Zelenskyy nêu rõ vào năm 1994, Ukraine đã tham gia Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh. Ông Zelenskyy cảnh báo tiến trình này có thể bị đảo ngược nếu Ukraine bị đe dọa. Ông cho biết Ukraine đã 3 lần tìm cách tham vấn với các quốc gia bảo lãnh của Bản ghi nhớ Budapest để nỗ lực rà soát các điều khoản nhưng bất thành.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh "sự chỉ trích tập thể" của các đồng minh phương Tây đối với Nga cho đến nay vẫn chưa biến thành "các hành động tập thể". Tổng thống Zelenskyy cho rằng các thỏa thuận Minsk, vốn có thể trở thành lộ trình cho một tiến trình hòa bình, không mang lại lợi ích cho Ukraine. Thay vào đó, ông Zelenskyy muốn có một văn bản mới, trong đó có một số điều khoản về bảo đảm an ninh cho Ukraine được các cường quốc, bao gồm cả Nga và Mỹ, ký kết.
Theo Bloomberg, ông Zelenskyy kêu gọi vạch ra lộ trình rõ ràng cho việc Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, đồng thời chỉ trích các đồng minh không sẵn sàng trừng phạt Nga ngay lúc này hoặc nêu các biện pháp trừng phạt để răn đe Moscow.
Mỹ và EU đã nhiều lần cam kết sẽ có các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga nếu nước này có động thái leo thang căng thẳng nhưng không nói rõ các biện pháp đó là gì. Trong khi đó, chính quyền Moscow liên tục phủ nhận mọi kế hoạch tấn công Ukraine. Tổng thống Zelenskyy mô tả Ukraine như tuyến đầu an ninh cho các nước châu Âu ở phía Tây, rằng việc các nước đồng minh viện trợ vũ khí là nhằm đóng góp cho an ninh của châu Âu và thế giới.
Lo ngại nguy cơ Nga "tấn công Ukraine bất cứ lúc nào", Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến triệu tập các cố vấn hàng đầu ngày 20-2 (giờ địa phương) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Liên quan tình hình căng thẳng tại Ukraine, quân đội nước này ngày 20-2 thông báo tạm dừng hoạt động 1 trong 7 chốt kiểm soát lãnh thổ ở khu vực Donbass do lực lượng ly khai kiểm soát vì bị nã pháo. Theo quân đội Ukraine, lực lượng ly khai ngày 19-2 đã thực hiện 3 cuộc tấn công vào chốt kiểm soát Schastya bằng súng cối và súng phóng lựu chống tăng hạng nặng. Theo Reuters, tổng số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn dọc chiến tuyến của lực lượng này đã tăng đến 136 lần, so với 66 lần của một ngày trước đó. Hai binh sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương ngày 19-2.
Trung Quốc lên tiếng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 19-2 thúc giục tất cả các bên có trách nhiệm và nỗ lực hướng tới hòa bình về vấn đề Ukraine, thay vì chỉ leo thang căng thẳng, gây hoảng sợ và thậm chí gây nguy cơ chiến tranh. Ông Vương Nghị nhấn mạnh: "Trung Quốc mong muốn tất cả các bên tìm ra giải pháp thực sự có lợi cho việc bảo vệ an ninh châu Âu thông qua đối thoại và tham vấn". Ông kêu gọi các nước đoàn kết và hợp tác hơn nữa theo chủ nghĩa đa phương. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cảnh báo thế giới một lần nữa đối mặt với nguy cơ chia rẽ và xung đột, đồng thời cho rằng một số cường quốc đang hồi sinh tâm lý chiến tranh lạnh và gây ra sự đối đầu giữa các khối. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một nhóm binh sĩ quân đội Ukraine được cho là đã xâm nhập ở tỉnh Donetsk do phe ly khai kiểm soát và bị vây chặt.