Khủng bố 'biến hình' với công nghệ vũ khí, chính trị phức tạp

Sự kiện: An ninh thế giới

Chuyển đổi từ súng máy, súng phóng lựu chống tăng, bệ phóng tên lửa hạng nhẹ sang máy bay không người lái, bom đạn có điều khiển, tên lửa đạn đạo, các nhóm vũ trang mà Mỹ coi là khủng bố càng ngày càng hiểu biết về công nghệ, bắt tay chặt hơn với tội phạm có tổ chức, tham gia sâu hơn vào chính trị…

Sau các vụ tấn công 11/9/2001, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chủ yếu nhằm vào al-Qaeda, một tổ chức khủng bố người Sunni tương đối nhỏ do Osama bin Laden cầm đầu, có tổng hành dinh tại Afghanistan cùng một số chi nhánh ở các nước láng giềng.

Vũ khí tối tân

Hai thập kỷ trước, ngoài al-Qaeda, Mỹ cũng nhằm vào nhóm vũ trang người Shia Hezbollah có trụ sở tại Li-băng và được Iran hậu thuẫn, tạp chí quốc phòng Mỹ Breaking Defense đưa tin ngày 28/9. Hồi đó, cả hai nhóm này đều được trang bị vũ khí cơ bản từ thời Liên Xô để phục vụ chiến tranh du kích như súng trường, súng máy, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng thế hệ đầu, rốc-két 107 mm và 122 mm cùng một số hệ thống liên lạc vô tuyến đơn giản.

Một hệ thống phóng rốc-ket 122mm do công ty Roketsan (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất. Ảnh: Savunmahaber.

Một hệ thống phóng rốc-ket 122mm do công ty Roketsan (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất. Ảnh: Savunmahaber.

Sau cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, các nhánh chia tách của al-Qaeda như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã sử dụng máy bay không người lái (drone), thông tin liên lạc được mã hóa, thậm chí cả mạng xã hội để tuyển mộ, lập kế hoạch và chống lại các quân đội mạnh nhất thế giới.

Trong khi đó, Hezbollah được trang bị vũ khí tối tân, một số do Mỹ sản xuất, như xe chở quân bọc thép M-113, súng trường M4... Các đơn vị bộ binh của Hezbollah được cho là đã có tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser như Cornet của Nga, tên lửa hành trình chống hạm như C-802 và khoảng 150.000 tên lửa nhiều kích cỡ, chủ yếu do Iran chế tạo. Một số chuyên gia cho rằng, trong số tên lửa mà Hezbollah đang sở hữu có cả tên lửa đạn đạo.

Hezbollah đã mở rộng khu vực hoạt động thông qua việc cử người huấn luyện, cố vấn đến Syria, Iraq và Yemen. Khả năng cảnh báo sớm và liên lạc của Hezbollah ngày càng trở nên tinh vi hơn với nhiều máy bay không người lái, radio băng tần thấp và băng tần cao cùng một hệ thống cáp quang hiện đại bao phủ toàn bộ Li-băng. Hezbollah tiếp tục cử người giúp Iran lập các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria mà Mỹ bổ sung vào danh sách khủng bố.

Một chiến binh Hezbollah vác súng phóng lựu chống tăng. Ảnh: Getty Images.

Một chiến binh Hezbollah vác súng phóng lựu chống tăng. Ảnh: Getty Images.

Năm 2001, các lực lượng do Mỹ dẫn dắt đã lật đổ Taliban sau khi Taliban từ chối giao nộp các thủ lĩnh al-Qaeda bị Mỹ quy trách nhiệm về các vụ tấn công ngày 11/9. Tròn 20 năm sau, Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan (từ tháng 8/2021 sau khi Mỹ rút quân).

Ba nguyên nhân

Các chuyên gia nói với Breaking Defense rằng, về cơ bản, có ba diễn biến đã thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức khủng bố kể từ vụ 11/9. Đó là việc dễ dàng tiếp cận công nghệ lưỡng dụng (có thể được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự), mối quan hệ đối tác với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và sự chuyển đổi trọng tâm của một số nhóm từ phá hoại nhà nước sang tham gia chính trị.

Thiếu tướng không quân đã nghỉ hưu Abduallah Sayed Al-Hashemi, cựu trợ lý thứ trưởng Bộ Quốc phòng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), cho rằng, các nhóm khủng bố sống dai phần lớn là vì Mỹ đã không giải quyết vấn đề một cách toàn diện, triệt để. “Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu thiếu một chiến lược được xác định rõ ràng và việc tham gia các cuộc xung đột quân sự vô ích ở Iraq và những nơi khác đã dẫn đến sự gia tăng của các nhóm khủng bố mới”, ông Hashemi nói.

Nhưng công nghệ phát triển song song với cuộc chiến chống khủng bố, và trong khi mang lại lợi ích cho quân đội, cơ quan thực thi pháp luật của các nước, công nghệ cũng làm lợi cho nhiều nhóm nổi dậy và khủng bố trên thế giới.

Khủng bố có thể tận dụng những drone thương mại như thế này. Ảnh: Droneprofessional.

Khủng bố có thể tận dụng những drone thương mại như thế này. Ảnh: Droneprofessional.

“Drone thương mại và hình ảnh vệ tinh cho phép các nhóm vũ trang có kiến ​​thức chuyên môn tối thiểu để quan sát và tấn công các cơ sở an toàn. Trong khi đó, Internet cho phép các nhóm nhỏ gửi mệnh lệnh, thông tin chỉ huy đi khắp thế giới ngay lập tức với chi phí không đáng kể”, ông David Des Roches, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Cận Đông Nam châu Á tại Đại học Quốc phòng ở Washington (Mỹ).

“Vì đây hầu hết là các tính năng thương mại được sửa đổi để phục vụ giao tranh, nên hầu như mọi nhóm khủng bố trên thế giới đều có thể truy cập. Vì vậy, bây giờ các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật phải suy nghĩ theo ba chiều thay vì hai chiều”, giáo sư Roches nhận định.

Dù có thể dễ dàng tiếp cận nhiều công nghệ mới, nhưng các nhóm khủng bố gần như không thể có được các loại vũ khí sát thương, công nghệ tinh vi hơn nếu không có sự hậu thuẫn của các "tay chơi cấp nhà nước".

Tướng về hưu Hashemi cho rằng, các nhóm khủng bố ở Iraq, Li-băng, Syria và Yemen đã được cung cấp drone tấn công, tên lửa đạn đạo, hệ thống chỉ huy và điều khiển. “Sự lãnh đạo kém cỏi của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã dẫn tới việc vũ khí rơi vào tay các nhóm này”, ông nhận định.

Các tay súng IS chuẩn bị hành quyết tù nhân Iraq hồi tháng 6/2014. Ảnh: Getty Images. Vai trò của tội phạm có tổ chức

Các tay súng IS chuẩn bị hành quyết tù nhân Iraq hồi tháng 6/2014. Ảnh: Getty Images. Vai trò của tội phạm có tổ chức

Nhiều học giả nói rằng, các nhóm khủng bố và tội phạm có tổ chức ở nhiều khu vực trên thế giới đã gia tăng cộng tác với nhau, sau khi Mỹ cùng đồng minh triệt phá mạng lưới tài chính truyền thống của khủng bố.

Luật chống rửa tiền và biện pháp trừng phạt đối với các công ty, tổ chức tình nguyện tài trợ cho các nhóm mà Mỹ coi là khủng bố đã buộc họ sau này phải tìm ra đối tác và phương tiện mới để kiếm tiền, buôn lậu vũ khí, đưa người vượt biên trái phép...

“Sự hiện diện của tội phạm có tổ chức giúp cho khủng bố vì làm xói mòn luật pháp, an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán những thứ mà khủng bố cần như vũ khí, chất nổ... Người ta biết rằng, có những cá nhân làm việc trong cả tổ chức khủng bố và tội phạm, đặc biệt là ở các khu vực xung đột”, giáo sư Roches nói.

Mỹ cũng vô tình để lọt thiết bị và công nghệ hiện đại ra bên ngoài. Sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, Taliban tổ chức đánh chiếm nhiều địa phương, tiến tới thủ đô Kabul và cuối cùng lên nắm quyền.

Mỹ chưa bao giờ tuyên bố Taliban ở Afghanistan là một nhóm khủng bố, nhưng coi một số tổ chức có liên hệ với Taliban là các nhóm khủng bố.

Tháng trước, trên mạng xuất hiện nhiều bức ảnh và video rõ nét có cảnh một số chiến binh thuộc các lực lượng đặc biệt của Taliban mặc quân phục và mang vũ khí, thiết bị hiện đại như súng trường M4, kính nhìn đêm... Nhiều người cũng cho rằng, giờ đây Taliban có thể truy cập vào dữ liệu sinh trắc học nhạy cảm.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, châu Á dường như vẫn chưa thống nhất được việc coi những tổ chức nào là khủng bố cũng như cách thức đối phó những tổ chức này.

Mỹ, Anh và Đức coi Hezbollah ở Li-băng là một nhóm khủng bố và sau đó áp đặt biện pháp trừng phạt đối với ban lãnh đạo và các thực thể liên kết với tổ chức này. Tuy nhiên, Pháp và EU coi Hezbollah là một chính đảng Li-băng.

Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump coi nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen là một tổ chức khủng bố. Nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược quyết định này.

Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen giao tranh với các chiến binh Houthi ngày 1/7/2018. Ảnh: Getty Images.

Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen giao tranh với các chiến binh Houthi ngày 1/7/2018. Ảnh: Getty Images.

[ẢNH] Taliban có thể chiếm Tajikistan trong 24 giờ, nhưng Nga sẽ không để điều đó xảy ra

Hôm 26/9, Mohammad Naeem Wardak, Phát ngôn viên văn phòng chính trị của Taliban tại Qatar cho biết", họ sẽ chiếm Tajikistan trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An (theo Breaking Defense) ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN