Không tham chiến, nhưng Ả Rập Saudi sẽ vung tiền "mượn tay" đánh Iran?
Ở Trung Đông từ lâu đã truyền tai nhau câu nói đùa nổi tiếng: “Quân đội Ả Rập Saudi sẽ chiến đấu cho đến người Pakistan cuối cùng” nhằm ám chỉ thái độ "sợ" đổ máu của nước này với những cuộc chiến của chính mình.
Lính đánh thuê Sudan trong lực lượng liên quân của Ả rập Saudi tại Yemen (Ảnh: EPA)
Câu cửa miệng này gần đây đã bao gồm cả lính đánh thuê Sudan, thành phần mới được bổ sung cho lực lượng bộ binh của quân đội Ả Rập Saudi. Vốn đã quen với việc mua sức lao động từ bên ngoài đối với những công việc bị cho là quá nặng nhọc với công dân nước mình, triết lý này giờ đã được quốc gia lớn nhất Trung Đông áp dụng luôn cho quân đội của chính mình.
Luôn có một quốc gia nghèo hơn sẵn sàng gửi bia đỡ đạn cho nước khác nếu được trả một mức giá hợp lý. Vì thế, lực lượng quân sự tham chiến ở Yemen đôi khi được nhắc đến với tên gọi “Liên quân các nước Ả rập”, một thuật ngữ trang trọng dùng để chỉ nhóm quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu mà, bên cạnh các nước đồng minh ở vùng Vịnh, còn bao gồm cả các lực lượng từ Ai Cập, Jordan và Morocco, cũng như các binh sĩ nhỏ tuổi tại Sudan, những người chấp nhận dùng chính xương máu của mình đề đổi lấy những khoản thù lao hậu hĩnh cho gia đình họ ở quê nhà.
Khi được hỏi việc chiến đấu cho liên quân ở Yemen diễn ra như thế nào, một số binh sĩ Sudan đã hồi hương cho biết các tướng lĩnh quân đội của Ả Rập Saudi, cảm thấy mạng mình quá quý giá để có thể xông pha nơi tiền tuyến, thường đưa ra những chỉ đạo vụng về bằng điện thoại qua vệ tinh, thúc ép các lính đánh thuê của mình ra thế mạng theo hướng chỉ đạo chung được định sẵn.
Khi mọi thứ trở nên quá nguy cấp, Ả Rập Saudi và các lực lượng trên không của liên quân chỉ đơn giản sẽ thả bom từ các máy bay trên cao, gây các thương vong về dân sự. Đây chính là cách mà nước này chiến đấu: đánh càng xa càng tốt, và trả tiền để những người khác chết thay cho mình.
Ả Rập Saudi sẵn sàng dùng tiền để những người khác chết thay cho mình (Ảnh: GETTY)
Thật khó hiểu, khi trong bối cảnh vừa nổ ra các cuộc tấn công vào 2 cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi cuối tuần trước, lại rộ lên nhiều suy đoán về việc nước này sẽ trực tiếp đối đầu với Iran. Rõ ràng, Ả Rập Saudi sẽ không “tham chiến”: họ vẫn sẽ ủy nhiệm cho các lực lượng đánh thuê, và dựa vào lòng tin của Mỹ để tiếp tục dối trá rằng họ mới là người gìn giữ hòa bình cho khu vực, và bất kỳ mối đe dọa nào đối với Ả Rập Saudi đều sẽ gây bất ổn tới toàn Trung Đông
Mỹ và Ả Rập Saudi đã nhiều lần cáo buộc Iran đứng sau các cuộc tấn công, vốn được nhận trách nhiệm bởi phong trào Houthi, một nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn để chống lại liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu trong cuộc nội chiến tại Yemen. Lầu Năm Góc đã thông báo rằng họ sẽ gửi hàng trăm lính Mỹ, cùng các thiết bị phòng thủ tên lửa và không quân, tới Ả Rập Saudi như một động thái “phòng thủ”.
Vậy tại sao một quốc gia vốn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, lại cần nhiều sự giúp đỡ đến vậy?
Năm 2018, Mỹ đã cung cấp tới 88% tổng số vũ khí được bán cho nước này. Vào cuối năm đó, Ả Rập Saudi chịu trách nhiệm cho việc mua tới 12% số vũ khí trên toàn cầu. Rõ ràng, Riyadh vốn không cần thêm bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào từ Mỹ để có thể tự bảo vệ khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Vậy thì lúc đó, một quốc gia chỉ dám tham chiến ở một nơi duy nhất là Yemen, một quốc gia dường như rất dễ bị tấn công và cần được bảo vệ liên tục như Ả Rập Saudi, đã làm gì với hàng đống vũ khí trên?
Ả rập Saudi chịu trách nhiệm cho việc mua tới 12% số vũ khí trên toàn cầu vào năm 2018 (Ảnh: Asia News)
Thực ra, điểm mấu chốt ở đây nằm ở việc mua vũ khí, thay vì triển khai chúng. Các giao dịch mua bán trị giá hàng triệu đô la này giúp duy trì mối quan hệ thương mại của Ả Rập Saudi với các đồng minh phương Tây mà nước này nhập khẩu vũ khí. Và đổi lại, những nước trên đã vì đồng tiền mà nhắm mắt làm ngơ trước các động thái vi phạm nhân quyền, ám sát và bắt cóc của Ả Rập Saudi. Toàn bộ mô hình chính sách đối ngoại của quốc gia lớn nhất Trung Đông này đều dựa trên việc dùng sự giàu có của chính mình để mua chuộc bạn bè và sự im lặng.
Và vì vậy, Ả Rập Saudi phải tiếp tục lợi dụng nỗi sợ hãi của Mỹ về Iran, để đảm bảo các vệ sĩ của mình luôn được “nạp đạn và khóa nòng”, như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ám chỉ trong một dòng tweet gây sốt mới đây.
Đồng thời, nước này sẽ tiếp tục gây bất ổn cho khu vực bằng cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ của những nước Ả Rập khác, thông qua việc tuồn vũ khí cho các chế độ độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi, cùng với việc tiến hành các chiến dịch đe dọa và gây nhiễu loạn thông tin một cách hung hăng trên các nền tảng truyền thông xã hội, điều mà ngay cả Twitter vào tuần trước cũng đã phải nhượng bộ, dù ở mặt bề ngoài, Ả rập Saudi vẫn được coi là một kẻ vô tội dễ bị tổn thương, một người chống lại sự hỗn loạn ở khu vực Trung Đông.
Ả Rập Saudi phải tiếp tục lợi dụng nỗi sợ hãi của Mỹ về Iran, để đảm bảo các lính đánh thuê của mình luôn được “nạp đạn và khóa nòng” (Ảnh: AP)
Chính thái độ hung hăng một cách cực đoan, mà không nhận thức được những hậu quả từ sự hiếu chiến của mình, đã khiến Ả Rập Saudi hiện đang bị khóa chân trong các cuộc xung đột leo thang với Iran, Qatar và Yemen, cùng với việc phải gồng gánh các chế độ quân sự ở Sudan và Ai Cập, sa lầy tại Lebanon, hay tiếp tục tài trợ vô tội vạ cho những nỗ lực cứng rắn của người Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới, rồi sau đó lại bỏ mặc chúng.
Nhìn chung, Ả Rập Saudi sẽ không gây chiến với Iran, mà có thể sẽ mượn tay Mỹ hoặc các nước khác để làm điều đó. Quốc gia này, như mọi khi, vẫn là kẻ khiêu khích ngang ngạnh và không dễ bị trừng phạt của khu vực Trung Đông.
--------------------------------------------------
Bài viết hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân từ ký giả Nesrine Malik của tờ báo Anh Guardian
Ả Rập Saudi đã chi nhiều tỉ USD cho hệ thống phòng không và cảnh báo sớm tiên tiến nhưng vẫn không thể ngăn chặn được...