Không phải xe tăng, máy bay, vũ khí Ukraine cần nhất là gì?
Vì nhiều lý do, vũ khí Ukraine cần nhất là xe chiến đấu bộ binh (IFV) chứ không phải xe tăng hay máy bay chiến đấu.
Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, đã quyết định gửi xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine sau nhiều tháng cân nhắc, trì hoãn. Động thái này được nhiều nhà quan sát đánh giá là yếu tố thay đổi cuộc chơi, cho phép Ukraine mở các cuộc phản công trong mùa xuân này.
Tuy nhiên, chuyên gia Franz-Stefan Gady của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng thiết bị mà lính Ukraine cần nhất, không phải xe tăng hay chiến đấu cơ, mà là xe chiến đấu bộ binh (IFV), theo chuyên san Foreign Policy.
IFV khác gì với xe tăng, xe bọc thép chở quân?
Được phát triển lần đầu tiên vào cuối những năm 1950 ở Tây Đức và Liên Xô, IFV là sự kết hợp giữa xe bọc thép chở quân và xe tăng. IFV trang bị vũ khí và áo giáp nhẹ hơn so với xe tăng nhưng được thiết kế để tiến lên cùng với xe tăng trong trận chiến, bảo vệ những “người anh em” nặng hơn này khỏi hỏa lực đối phương.
IFV cũng không giống như xe bọc thép chở quân - vốn được coi là taxi trên chiến trường và không thể làm gì khác ngoài việc vận chuyển quân.
Lính trên IFV không cần phải xuống xe để chiến đấu. IFV có thể giao chiến với đối phương bằng nòng pháo chính, tên lửa chống tăng có điều khiển và súng máy và hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho bộ binh khi bộ binh xuống xe.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga bị Ukraine thu được ở tỉnh Sumy và cho vào Lực lượng Biên phòng Ukraine. Ảnh: Ukraine weapons tracker/Twitter
Hiện tại, phần lớn IFV của Ukraine vẫn bao gồm các mẫu BMP-1 và BMP-2 từ thời Liên Xô. Theo cơ sở dữ liệu của Military Balance+, Ukraine bắt đầu cuộc chiến với 1.212 IFV thời Liên Xô, gồm tất cả các phiên bản. Theo cơ sở dữ liệu trực tuyến Oryx, cho đến nay, Ukraine đã mất hơn 500 IFV và hầu hết đều là loại cũ của Liên Xô.
Ukraine đang trong quá trình nhận một số IFV của phương Tây cho các hoạt động tấn công trong tương lai, gồm 109 IFV M2 Bradley do Mỹ sản xuất. Để phản công vào mùa xuân thì điều quan trọng là Ukraine phải huấn luyện lính về những phương tiện này và nhận đủ IFV cần thiết.
Với việc các lực lượng vũ trang Ukraine sắp vận hành cả xe tăng chiến đấu chủ lực và IFV do phương Tây sản xuất, việc kết hợp hiệu quả hai loại vũ khí này có thể tăng khả năng cơ động tấn công của lực lượng Ukraine.
Vì sao IFV rất quan trọng với Ukraine?
Ông Franz-Stefan Gady đã rút ra kết luận Ukraine cần IFV nhất khi đi thực tế đến Kiev và vùng Donbass (gồm tỉnh Donetsk, Luhansk). Một sĩ quan trong lữ đoàn cơ giới Ukraine đã nói với ông rằng: “Chúng tôi cần mọi thứ, nhưng IFV có lẽ là phương tiện cấp thiết nhất lúc này”.
Đó là bởi vì thành công trong chiến đấu trên bộ không chỉ phụ thuộc vào xe tăng mà còn phụ thuộc vào việc xe tăng có thể được phối hợp như thế nào với các phương tiện khác để tiến hành các hoạt động vũ trang kết hợp. Và trong các phương tiện khác ấy, thứ quan trọng nhất là IFV.
Nếu không có xe tăng chiến đấu chủ lực và IFV phối hợp hoạt động, nhịp độ của các cuộc tấn công vũ trang kết hợp sẽ thất bại.
Theo ông Gady, không có IFV đồng nghĩa với việc không thể có cuộc phản công nhanh chóng và thành công của Ukraine vào mùa xuân này, bất kể có bao nhiêu xe tăng phương Tây đến. Mặc dù Mỹ, Thụy Điển và Đức từng cam kết cung cấp IFV cho Ukraine nhưng việc chuyển giao thực tế của các nước này vẫn chưa được xác nhận.
Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Mỹ. Ảnh: U.S ARMY
Ukraine đã có các IFV thời Liên Xô quen thuộc và trong tương lai sẽ nhận các IFV hiện đại, mạnh mẽ của phương Tây, như M2 Bradley. Đây có thể là cơ hội chiến thuật cho Ukraine trong cuộc tấn công mùa xuân sắp tới.
Chắc chắn rằng, các cuộc tấn công kết hợp được tiến hành bằng xe tăng và IFV có thể giúp phá vỡ chiến tuyến của Nga, giảm nhu cầu về đạn dược và giảm thương vong cho Ukraine.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng sẽ là Ukraine có thể duy trì đà tấn công của mình trong bao lâu và liệu điều đó có đủ để có tác động đáng kể đến tiến trình của cuộc chiến hay không.
IFV và bài học trong quá khứ
Tầm quan trọng của IFV là một trong những bài học đáng lưu tâm trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 (hay còn gọi là Chiến tranh Ả Rập-Israel 1973).
Trong cuộc chiến đó, Israel suýt bị quân đội Syria và Ai Cập đánh bại trong một cuộc tấn công bất ngờ và đã mất một số lượng lớn xe tăng vào tay bộ binh Ai Cập dùng tên lửa điều khiển chống tăng do Liên Xô sản xuất.
Chiến tranh Yom Kippur là lần đầu tiên IFV xuất hiện. Có thể nói, đây là cuộc chiến đánh dấu màn ra mắt của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 mà Liên Xô đã cung cấp cho quân đội Ai Cập. Lúc đó, Mỹ không có loại vũ khí tương tự.
Tuy nhiên, hiệu suất chiến đấu của BMP-1 không cao. Nó thiếu áo giáp để bảo vệ mình trước vũ khí chống tăng của Israel và quân Ai Cập đã mất số lượng lớn BMP-1 trong cuộc chiến này.
Sau đó, tại hai hội nghị khoa học quân sự lớn tại Liên Xô vào tháng 11-1974 và tháng 1-1975, một trong những chủ đề thảo luận chính giữa các sĩ quan quân đội cấp cao Liên Xô là tính dễ bị tổn thương của BMP-1 trước xe tăng và tên lửa chống tăng.
Lỗ hổng này đã khiến Liên Xô thay đổi học thuyết chiến tranh bộ binh của mình. Đó là thay vì đánh hàng loạt mục tiêu bọc thép bằng cách “đổ” nhiều xe tăng dẫn đầu và phía sau là IFV yểm trợ thì chuyển sang tấn công đa hướng do nhóm nhỏ xe tăng và IFV thực hiện.
Các nhóm nhỏ này sẽ tìm kiếm, khai thác những khoảng trống và điểm yếu của đối phương, mà ngay cả dùng những chiếc BMP-1, BMP-2 vẫn có thể thành công.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình hình giao tranh trên thực địa hiện tại đang không có lợi cho chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Những mục tiêu mà ông Zelensky đặt ra có thể không thực hiện được,...