Không nên bầu Trung Quốc làm thẩm phán Tòa Luật biển quốc tế
Trong số các ứng viên đang tranh cử vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển, có một ứng viên Trung Quốc được đánh giá là “đối thủ nặng ký” ở lần bầu cử này.
Một số thẩm phán tại ITLOS, cơ quan tài phán quốc tế quan trọng giải quyết các vấn đề về biển và đại dương. Ảnh: ITLOS
Hội nghị thường niên lần thứ 30 giữa 167 nước thành viên đã ký tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ được tổ chức tại TP New York (Mỹ) từ ngày 15 đến 19-6-2020. Chương trình họp lần này sẽ bao gồm việc bầu lại bảy thẩm phán bổ sung vào hội đồng các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trong danh sách 10 ứng viên chạy đua vào bảy vị trí thẩm phán ITLOS năm nay có nhà ngoại giao Trung Quốc (TQ) Duan Jielong (Đoàn Khiết Long).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia luật biển Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM) nhận định: Những gì TQ đã làm ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh vẫn nuôi giữ mưu đồ độc chiếm Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Vì vậy, không nên bầu ứng viên TQ trở thành thẩm phán của ITLOS - một cơ quan lấy tinh thần thượng tôn pháp luật làm ưu tiên.
Vai trò ITLOS và tranh chấp Biển Đông
. Phóng viên: Vai trò của ITLOS nói chung và các thẩm phán ITLOS quan trọng như thế nào trong giải quyết tranh chấp trên biển, ví dụ xung đột ở Biển Đông?
+ Chuyên gia Hoàng Việt: ITLOS có vai trò như tòa thường trực để phán xử các vấn đề tranh chấp trong việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của UNCLOS - “hiến pháp về biển và đại dương”. Công ước này có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các hoạt động liên quan đến biển và đại dương trên toàn cầu. UNCLOS hiện nay có 168 thành viên tham gia, trong đó có 167 nước và Liên minh châu Âu. Vì phạm vi của UNCLOS rất rộng nên sẽ có lúc các thành viên mâu thuẫn trong việc hiểu, giải thích hay áp dụng công ước. Vì vậy, cần có những cơ quan tài phán như ITLOS và những người “cầm cân nảy mực” như thẩm phán ITLOS để giải quyết.
Ngoài ra, từ năm 1982 đến nay, có những vấn đề phát sinh mà UNCLOS chưa thể bao hàm hay dự liệu hết. Vì vậy, cần bổ sung những giải thích hợp lý các quy định trong UNCLOS theo bối cảnh mới. Việc đó cần đến ITLOS, cụ thể là hội đồng các thẩm phán. Quyết định của các thẩm phán sẽ là cơ sở để ITLOS ra phán quyết. Vậy nên các thẩm phán ITLOS có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sự phát triển và tiến bộ của luật biển quốc tế, phù hợp với xu hướng giải quyết xung đột đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật của loài người.
. ITLOS hay các thẩm phán của tòa này có thể ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông?
+ Trong những tranh chấp ở Biển Đông hiện nay có một phần liên quan đến việc giải thích và áp dụng một số điều khoản của UNCLOS. Vì vậy, vai trò của ITLOS rất quan trọng.
Tôi lấy ví dụ việc TQ đưa ra tàu hải cảnh và tàu Địa chất hải dương 8 hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính vào năm ngoái. Theo đó, TQ khẳng định là tuân thủ luật quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trái lại, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam khẳng định TQ đã vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi soi chiếu theo công ước trên. Như vậy, giữa TQ và các nước đã nảy sinh một tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng UNCLOS. Trường hợp này cần sự phán xử của một cơ quan tài phán quốc tế như ITLOS.
. Việc hoạt động của ITLOS trên thực tế Biển Đông có gặp hạn chế nào không?
+ Tôi nghĩ là có. Theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 của Quy chế ITLOS tại phụ lục VI của UNCLOS, tòa này chỉ có thể giải quyết các tranh chấp nếu các bên tranh chấp đồng ý trao thẩm quyền giải quyết cho ITLOS. Trong khi đó, TQ luôn từ chối giải quyết tranh chấp tại các tòa án quốc tế nên ITLOS không ra phán quyết được.
Tuy nhiên, các thẩm phán của ITLOS vẫn có thể ra phán quyết như trong vụ Philippines kiện TQ năm 2013 (theo phụ lục VII UNCLOS). Theo đó, một hội đồng trọng tài bao gồm các thành viên đang hoặc đã từng là thẩm phán của ITLOS có thể ra phán quyết về tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS. Phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 có giá trị như thường.
Nhìn lại vai trò thẩm phán Trung Quốc tại ITLOS
. Hiện nay, ông Zhiguo Gao (Cao Chí Quốc) là thẩm phán người TQ chuẩn bị hết nhiệm kỳ tại ITLOS. Liên quan tranh chấp Biển Đông, ông có ấn tượng gì về vị thẩm phán này?
+ Tôi chưa xem xét nhiều về quá trình làm việc của ông Cao Chí Quốc dành cho ITLOS nhưng việc ông ấy đảm nhiệm vị trí thẩm phán của tòa này từ năm 2008 đến nay cho thấy ông Cao Chí Quốc cũng có những đóng góp nhất định.
Tuy nhiên, liên quan đến Biển Đông, tôi chỉ có ấn tượng về ông Cao qua một bài viết (đồng tác giả) về yêu sách đường lưỡi bò của TQ đăng trên tạp chí Luật Quốc tế Mỹ năm 2013. Ông Cao là một trong các nhân vật quan trọng của TQ đã giải thích nội dung đường lưỡi bò. Những giải thích này cũng được phía Philippines mổ xẻ kỹ càng khi tranh luận trước Tòa Trọng tài vụ kiện TQ.
. Các giải thích của ông Cao Chí Quốc về đường lưỡi bò có thuyết phục không?
+ Tôi thấy không thuyết phục. Ông Cao nói đường lưỡi bò thể hiện “quyền lịch sử” của TQ. Điều này đã bị Tòa Trọng tài 2016 bác bỏ. Vị này còn cho rằng đường lưỡi bò là đường phân định biển trong tương lai. Lập luận này cũng mơ hồ, lấp liếm để tránh dư luận chỉ trích. Cách giải thích thứ ba của ông Cao - đường lưỡi bò đó là yêu sách chủ quyền với tất cả nhóm đảo và các thực thể bên trong đường này - vẫn còn được TQ áp dụng.
Gần đây, TQ đẩy mạnh tuyên truyền cái gọi là yêu sách “Tứ Sa” cũng là dựa vào quan điểm này. Tuy nhiên, khi mổ xẻ cách hiểu và áp dụng UNCLOS thì lập trường này cũng phạm pháp. Như vậy, cá nhân tôi nghĩ ông Cao Chí Quốc chưa thể thuyết phục cộng đồng quốc tế về sự công bằng, trung dung khi giải thích tranh chấp Biển Đông theo tinh thần của một thẩm phán làm việc tại ITLOS.
Đáng tiếc là Mỹ chưa phải là thành viên của UNCLOS nên chưa có tiếng nói chính thức trong bầu cử thẩm phán ITLOS. Nếu có sự tham gia của Washington, việc thuyết phục các nước “suy nghĩ thận trọng” về TQ sẽ dễ dàng hơn. Ông HOÀNG VIỆT, chuyên gia luật biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM |
Lý do đừng bầu Trung Quốc làm thẩm phán ITLOS
. Trong danh sách 10 ứng viên bầu vào bảy vị trí thẩm phán ITLOS có một người TQ là Đoàn Khiết Long. Ông nhận định như thế nào về ứng viên này?
+ Ông Đoàn Khiết Long hiện là đại sứ của TQ tại Hungary, từng học luật tại Mỹ, trải qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị của Bắc Kinh, điển hình là Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế TQ. Ông Đoàn cũng có kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan ngoại giao TQ ở nước ngoài như Singapore, Úc và châu Âu. Trên đường đua vào ghế thẩm phán ITLOS, ông Đoàn có khả năng lớn trúng cử. Bởi lẽ TQ là quốc gia lớn nên có thể giành được phiếu bầu từ nước thành viên khác của UNCLOS. Từ năm 1996 đến nay, trong số 46 thẩm phán được bầu vào ITLOS có ba thẩm phán người TQ.
. Có người nói không nên bầu TQ làm thẩm phán ITLOS. Quan điểm của ông thế nào?
+ Mới đây, học giả Jonathan G. Odom từ Mỹ đã có bài viết lên án việc TQ đã phớt lờ luật quốc tế, trong đó có luật biển. Thực tế, Biển Đông là một điển hình cho thấy TQ đi trái lại tinh thần chung của luật pháp quốc tế. Điển hình, TQ triển khai các hoạt động đe dọa, bắt nạt các nước có yêu sách; bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý; xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông; quấy rối hoạt động kinh tế hợp pháp các nước… Tất cả đều trái ngược với các quy định được ghi rõ trong UNCLOS mà TQ đã ký.
Đỉnh điểm chính là việc Bắc Kinh tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 vụ Philippines kiện TQ chỉ là “mảnh giấy lộn”. TQ duy trì lập trường không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng tài, không công nhận phán quyết và không thực thi phán quyết ấy. Điều đó khẳng định TQ bất chấp công luận, coi thường luật biển quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Với một quốc gia như vậy, thế giới cần có thái độ cứng rắn, quyết liệt bằng cách không bầu ứng viên TQ vào vị trí thẩm phán ITLOS. Điều này sẽ góp phần tạo sức ép để TQ phải suy nghĩ lại và điều chỉnh cách hành xử của họ.
. Xin cám ơn ông.
Thẩm phán ITLOS phải công bằng, liêm khiết Theo quy định tại Điều 2 (1) Quy chế ITLOS, thẩm phán của tòa này “được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về công bằng và liêm khiết, có năng lực rõ ràng trong lĩnh vực luật biển”. Chính vì vậy, các quốc gia thành viên của UNCLOS khi giới thiệu ứng viên từ nước mình bao giờ cũng chọn những người được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới về luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng. Thêm nữa, người này phải thể hiện kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực luật biển, tức là phải làm trong cơ quan nào đó có liên quan đến lĩnh vực luật biển quốc tế. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc trước nay luôn muốn đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông nhằm tiến hành cuộc chơi “tay đôi” với các nước khu vực...