Không có quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ và Triều Tiên liên lạc cách nào?

Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng các chuyên gia cho rằng hai nước vẫn có một số kênh liên lạc để thảo luận về việc binh sĩ Mỹ vượt biên vào Triều Tiên.

Ngày 18-7, binh sĩ Mỹ (tên Travis King) đã thâm nhập vào Triều Tiên “một cách có chủ ý và trái phép” khi đang tham gia một chuyến tham quan tại Khu vực An ninh Chung (JSA) ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 19-7 cho biết Lầu Năm Góc đã “liên hệ” với phía Triều Tiên về binh sĩ trên. “Tôi hiểu rằng những thông tin liên lạc đó vẫn chưa được trả lời” - ông Miller nói.

Theo hãng tin AP, Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng hai nước vẫn có những kênh đặc biệt để có thể liên lạc với nhau lúc cần thiết. Dưới đây là một số kênh mà Mỹ có thể dùng để liên lạc với phía Triều Tiên để bàn về trường hợp của binh sĩ King.

Đồn biên phòng của Hàn Quốc (trước) và đồn biên phòng của Triều Tiên tại khu vực biên giới hai nước. Ảnh: AP

Đồn biên phòng của Hàn Quốc (trước) và đồn biên phòng của Triều Tiên tại khu vực biên giới hai nước. Ảnh: AP

Chiếc điện thoại màu hồng

Một trong những cách đáng khả thi nhất để Mỹ liên lạc với Triều Tiên là thông qua một chiếc điện thoại bàn màu hồng nhạt. Chiếc điện thoại này được đặt tại Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (LHQ) ở làng đình chiến liên Triều Bàn Môn Điếm - nơi binh sĩ King bị bắt hôm 18-7.

Vào tháng 1, Bộ Tư lệnh LHQ cho biết họ đã duy trì liên lạc “24/7” với quân đội Triều Tiên trong suốt năm 2022.

"Nói chuyện qua 'điện thoại màu hồng', chúng tôi đã gửi 98 tin nhắn, tổ chức kiểm tra đường dây 2 lần/ngày để trao đổi thông tin kịp thời và hữu ích” - Bộ Tư lệnh LHQ viết trên Twitter.

Ông Moon Seong-mook - một thiếu tướng Hàn Quốc đã nghỉ hưu - cho biết các sĩ quan liên lạc của Triều Tiên thường không trả lời các cuộc gọi của Bộ Tư lệnh LHQ. Ông Moon cho hay trước đây, khi đường dây điện thoại không liên lạc được, các quan chức LHQ đã sử dụng loa phóng thanh để liên hệ với phía Triều Tiên.

Chiếc điện thoại màu hồng nhạt, được đặt tại làng đình chiến liên Triều Bàn Môn Điếm. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Chiếc điện thoại màu hồng nhạt, được đặt tại làng đình chiến liên Triều Bàn Môn Điếm. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Phái đoàn ngoại giao Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc

Ông Matthew Miller từng cho hay cho đến nay Mỹ vẫn giữ một số kênh để gửi thông điệp đến Triều Tiên. Theo AP, một trong số đó là phái đoàn của Triều Tiên tại LHQ ở New York (Mỹ). Phái đoàn này đóng vai trò như một đại sứ quán thay thế vì Mỹ và Triều Tiên không có đại sứ quán ở thủ đô của nhau.

Trong quá khứ, hai nước từng thông qua phái đoàn Triều Tiên tại LHQ để thảo luận về mối quan hệ song phương, cũng như số phận của những người Mỹ bị giam ở Triều Tiên.

Khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam vào năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đều ủng hộ việc mở văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã không được thực hiện.

Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên

Thụy Điển là quốc gia có quan hệ với Triều Tiên, có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng. Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng cũng thường cung cấp các dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ, bao gồm những người đã bị giam ở Triều Tiên với tội danh nhập cảnh trái phép hoặc tham gia vào các hoạt động gián điệp.

Ông Miller cho biết các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên hệ với phía Thụy Điển về trường hợp của binh sĩ King.

Tuy nhiên, hiện tại, vai trò trung gian hòa giải của Thụy Điển có thể gặp một số khó khăn do các nhà ngoại giao của nước này đã rời Triều Tiên vào năm 2020 vì dịch COVID-19. Theo AP, cho đến nay, các nhà ngoại giao Thụy Điển được cho là vẫn chưa quay trở lại Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng Đại sứ quán Triều Tiên tại Thụy Điển cũng có thể là một kênh liên lạc hiệu quả.

Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY ĐIỂN TẠI TRIỀU TIÊN

Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên. Ảnh: ĐẠI SỨ QUÁN THỤY ĐIỂN TẠI TRIỀU TIÊN

Các đường dây nóng liên Triều

Triều Tiên và Hàn Quốc có một hệ thống kênh điện thoại và fax riêng để thông báo về việc tổ chức các cuộc họp và tránh các cuộc đụng độ quân sự tình cờ.

Tuy nhiên, Triều Tiên đã không phản hồi liên lạc từ phía Hàn Quốc qua các kênh này kể từ tháng 4.

Ông Kim Yeol-soo - chuyên gia tại Viện Quân sự Hàn Quốc - cho biết Triều Tiên và Hàn Quốc cũng có thể liên lạc thông qua đường dây nóng giữa các cơ quan tình báo của hai nước. Đường dây nóng này được cho là vẫn hoạt động khi các kênh liên lạc khác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc bị đình trệ.

Điều gì có thể xảy ra trong thời gian tới?

Chuyên gia Kim cho biết Triều Tiên sẽ không đáp lại sự liên lạc của Mỹ, cho đến khi họ hoàn thành cuộc điều tra về binh sĩ King. Ông Kim cho rằng quá trình này có thể mất ít nhất 2 tuần. Ông Kim dự đoán sau khi quá trình điều tra hoàn tất, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc đàm phán kéo dài.

Trường hợp của binh sĩ King có thể cung cấp cho Triều Tiên một lợi thế trên bàn ngoại giao. Tuy nhiên, theo ông Moon Seong-mook, lợi thế này không phải quá lớn vì binh sĩ King là một quân nhân cấp thấp.

Trước đây, Triều Tiên đã trả tự do cho các công dân Mỹ bị giam sau khi những nhân vật cấp cao của Mỹ đến thăm Triều Tiên. Ông Kim cho rằng trong trường hợp của binh sĩ King, bước này cũng có thể sẽ được tiến hành.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ nêu điều sẽ làm nếu Trung Quốc không tác động Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/7 nói Mỹ sẽ có hành động nếu Trung Quốc từ chối can thiệp trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN