Không có giải pháp thay thế thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Trong nỗ lực nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Dmytro Kuleba trong chuyến thăm hiếm hoi tới Kiev hôm 25/8 (giờ địa phương). Phát biểu tại đây, ông nhấn mạnh, Ankara không thấy có bất cứ sự thay thế nào cho thỏa thuận nêu trên.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận, trong đó có công thức hòa bình của Ukraine, việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình toàn cầu do Kiev lên kế hoạch và những rủi ro do Nga phong tỏa hành lang ngũ cốc ở Biển Đen. Trong khi đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Dmytro Kuleba nhấn mạnh, Kiev đang nghiên cứu các tuyến đường xuất khẩu thay thế nhưng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vẫn là giải pháp tối ưu.
Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, ngoài thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, các lựa chọn xuất khẩu khác đều kém hiệu quả. Do đó, ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là nối lại thỏa thuận bởi sáng kiến này có một vị trí quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới và các nỗ lực nhân đạo khác. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ không thấy có bất cứ sự thay thế nào cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đã ký hồi tháng 7/2022 và đã nhiều lần được gia hạn để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu hàng chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.
Tàu chở ngũ cốc Ukraine di chuyển qua Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/8.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Edrogan hiện cũng đang nỗ lực một cách có hệ thống để đạt được mục tiêu đó thông qua các buổi thảo luận và trao đổi ý kiến với các bên gồm Ukraine, Liên hợp quốc (LHQ), Nga, châu Âu và Mỹ trước khi Ukraine vào mùa thu hoạch ngũ cốc.
Những tuyên bố của Ngoại trưởng Hakan Fidan đã gần như trực tiếp bác bỏ về tuyến đường thay thế mà Mỹ đang xem xét. Cụ thể, theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Washington đang đàm phán với Ankara, Kiev và các bên khác trong khu vực về việc tăng cường xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thông qua các tuyến đường thay thế, sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hôm 17/7 vừa qua. Tuy nhiên, những nỗ lực này cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể.
Kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn liên quan đến mục tiêu tăng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra thị trường toàn cầu tới 4 triệu tấn/tháng thông qua tuyến đường sông Danube, bắt đầu từ tháng 10 tới. Theo kế hoạch, ngũ cốc của Ukraine vẫn sẽ được vận chuyển qua Biển Đen, nhưng chúng sẽ được vận chuyển dọc sông Danube, rồi gửi đến các cảng của Romania để chuyển tiếp đến các điểm đến khác. Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận rằng tuyến đường này sẽ dài và kém thuận tiện hơn so với hành lang Biển Đen - được thiết lập theo thỏa thuận ngũ cốc do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhưng đã sụp đổ gần đây.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Washington “đang cân nhắc tất cả các lựa chọn tiềm năng, bao gồm cả giải pháp quân sự” để bảo vệ các tàu đi đến các cảng của Ukraine trên sông Danube. Kế hoạch này được cho là sẽ dựa vào “các tuyến đường đoàn kết” do Liên minh châu Âu (EU) thiết lập, để vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine một cách thuận lợi nhất có thể. Tờ WSJ dẫn lời các quan chức EU giấu tên ước tính rằng, Kiev có thể sẽ xuất khẩu 5 - 5,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, một số tuyến đường đó đã gặp phải một số trở ngại, bao gồm năng lực xử lý và nhân viên không đủ dẫn đến tình trạng chậm trễ.
Theo các quan chức trên, nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc qua sông Danube sẽ diễn ra song song với nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngũ cốc của Ankara và LHQ. Trong khi đó, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết các cuộc đàm phán giữa Ankara và Washington về giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc hiện mới ở giai đoạn thảo luận, các bên chưa đưa ra bất kỳ quyết định hay kế hoạch cụ thể nào. Nguồn tin lưu ý rằng Thổ Nhĩ đang làm việc để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc và duy trì liên lạc với Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để đảm bảo Nga có thể tự do xuất khẩu lương thực nếu có sự hồi sinh của thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine an toàn qua Biển Đen. Ông nói: “Tất nhiên, trong trường hợp quay trở lại thỏa thuận (ngũ cốc ở Biển Đen), chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng các bên có thể xuất khẩu thực phẩm và sản phẩm thực phẩm của họ một cách tự do và an toàn, trong đó có cả Nga”.
Bày tỏ lo ngại trước tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn thấy các loại thực phẩm đó có mặt trên thị trường thế giới. Chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ giá thấp hơn”. Đáp lại, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cáo buộc các nước phương Tây “không sẵn lòng” giúp thực hiện hiệp ước của LHQ với Moscow. Ông nêu rõ: “Các nước phương Tây cần tập trung vào việc đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón của Nga có thể đến các nước có nhu cầu mà không gặp trở ngại”, nhấn mạnh rằng, Nga chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường lúa mì toàn cầu so với Ukraine và là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với các phóng viên rằng, xuất khẩu lương thực của Nga đã vượt quá mức trước khi xung đột nổ ra. “Phải nói rằng, liên quan đến bất kỳ vấn đề nào xảy ra với những lĩnh vực như vận chuyển và bảo hiểm, chúng tôi đã thực hiện các bước để giải quyết chúng trong suốt quá trình của sáng kiến hỗ trợ Biển Đen”, ông Antony Blinken nói, lưu ý điều này bao gồm việc gửi công văn cho các ngân hàng “để đảm bảo với họ rằng việc xử lý các giao dịch này là được phép và họ sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi”.
Về phần mình, LHQ lập luận rằng, thỏa thuận Biển Đen có lợi cho tất cả mọi người vì đã giúp hạ giá 23% so với mức cao kỷ lục trong những tuần sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Sau khi Moscow từ bỏ thỏa thuận, các cuộc tấn công vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen và sông Danube đã khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt. Nga cho biết họ có thể khôi phục thỏa thuận Biển Đen nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của họ được đáp ứng.
“Nếu tất cả các vấn đề mà chúng tôi công khai nêu ra... được loại bỏ, chúng tôi sẽ sẵn sàng một lần nữa tham gia vào sáng kiến Biển Đen”, Phó Đại sứ Nga tại LHQ nhắc lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cũng thông báo với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng Moscow sẵn sàng thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi trên cả cơ sở thương mại và viện trợ để thực hiện những gì ông nói là vai trò quan trọng của Nga trong an ninh lương thực toàn cầu.
Các tàu hàng đi và đến Ukraine có thể di chuyển theo đường sông Danube hoặc hành lang nhân đạo mới mở của Kiev, nhưng độ an toàn của những tuyến đường này vẫn còn gây tranh...
Nguồn: [Link nguồn]