Không cần Nga, Trung Quốc sản xuất hàng loạt "Su-35"
Trung Quốc đang tự mình phát triển động cơ cho phiên bản chiến đấu cơ J-11D, phiên bản nội địa hóa từ Su-35 mà không cần chờ đối tác Nga chuyển giao động cơ.
Chiến đấu cơ J-11D Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã sẵn sàng cho ra mắt phiên bản J-11D mới sau khi không thể tiếp nhận các động cơ đặt hàng từ Nga theo đúng kế hoạch. Bắc Kinh buộc phải “tự lực” chế tạo máy bay bằng những công nghệ hiện có, các nhà quan sát quân sự cho biết.
Bước tiến bao gồm động cơ phản lực nội địa và hệ thống radar. Trung Quốc muốn chứng minh nước này không còn phụ thuộc vào động cơ Nga cho các thế hệ chiến đấu cơ mới.
Trước đó, Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận mua 24 chiến đấu cơ Su-35 từ Nga, sau một thập kỷ đàm phán. Trung Quốc hy vọng, thương vụ bao gồm việc chuyển giao thêm 48 động cơ 117S, có thể lắp đặt trên các máy bay hiện đại nhất như J-20. 117S của Nga. 117S là động cơ Nga chế tạo riêng cho Su-35.
Nhưng đơn đặt hàng nhiều lần bị trì hoãn và có thể không kịp chuyển giao trong năm khiến Trung Quốc không thể chờ đợi. Bắc Kinh tự mình nâng cấp các máy bay Su-27 và chế tạo phiên bản Su-35 nội địa mang tên J-11D. Chiến đấu cơ này đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 29.4.2015.
J-11D được giới quan sát đánh giá là phiên bản nhái Su-35 hoàn chỉnh nhất.
Nâng cấp đáng kể nhất trên J-11D phải nhắc tới hệ thống radar. Ăng ten do máy tính điều khiển có thể theo dõi mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau mà không cần máy bay phải đổi hành trình. Chuyến bay đầu tiên cũng cho thấy, J-11D sử dụng động cơ WS-10. Đây là động cơ phản lực do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sản xuất.
Theo báo cáo hồi tháng 7, AVIC đã chế tạo hơn 400 động cơ WS-10 trong năm ngoái, dấu hiệu cho thấy J-10 và J-11 không cần tới động cơ Nga.
Andrei Chang, người sáng lập tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review, có trụ sở ở Canada nhận định, AVIC đang tập trung nguồn lực cho việc phát triển động cơ, với 24 đơn vị và 10.000 nhân viên.
“Thế giới đã đánh giá thấp tốc độ phát triển động cơ Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tập trung nhiều nguồn lực vào dự án này, trong vòng hai đến ba năm qua”, ông Chang nói.
Trung Quốc từ lâu đã gặp khó khăn trong việc chế tạo động cơ nội địa và bắt đầu có dấu hiệu tập trung sức mạnh cho lĩnh vực này. Các nhà quan sát công nghiệp Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh đã chi 150 tỷ Nhân dân tệ (21,7 tỷ USD) để chế tạo động cơ nội địa trong giai đoạn 2010-2015.
Trung Quốc đã tập trung nguồn lực để chế tạo động cơ nội địa riêng.
“Trung Quốc cần số lượng lớn động cơ AL31F của Nga cho các chiến đấu cơ J-15 và J11B”, ông Chang nói. Nhưng trong tương lai, Bắc Kinh sẽ không cần thêm động cơ hiện đại.
Động cơ phản lực kép của Su-35 cho phép máy bay này hoạt động ở tầm xa 3.500 km hoặc 4.500 km nếu mang theo nhiên liệu dự phòng. Đây cũng là máy bay chiến đấu đa năng hiện đại nhất biên chế trong không quân Nga.
Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macao nói, dự án J-11D sẽ giúp tăng tính cạnh tranh đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. “Chính quyền Trung Quốc không muốn Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (CAC) nắm trong tay toàn bộ dự án chế tạo chiến đấu cơ, giống như cạnh tranh giữa Boeing và Lockheed ở Mỹ”, ông Wong nói.
Bên cạnh J-11, Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC) đang phát triển J-15 phục vụ trên tàu sân bay cùng mẫu J-16 và J-31.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể tăng cường phát triển động cơ mạnh mẽ hơn. Phiên bản WS-10 chỉ mới được Bắc Kinh giới thiệu trong triển lãm hàng không tại Chu Hải tháng trước.
Giới chức Trung Quốc hiện không bình luận về kế hoạch phát triển động cơ nào trên chiến đấu cơ J-15 và J-20.