Khối Tây Phi họp về vấn đề Niger: Tiết lộ thông tin ban đầu
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhóm họp để “hoàn thiện lực lượng dự phòng” trước khả năng can thiệp quân sự vào Niger.
Các chỉ huy quân sự của ECOWAS nhóm họp (ảnh: DW)
Hôm 17/8, các chỉ huy quốc phòng của khối ECOWAS đã nhóm họp tại Accra (thủ đô Ghana). Đây là nỗ lực mới nhất của ECOWAS nhằm tìm cách lật ngược cuộc đảo chính ở Niger.
Phát biểu trong cuộc họp, ông Abdel Fatau Musah – Ủy viên phụ trách vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS – cho biết, hầu hết các thành viên của ECOWAS đã sẵn sàng tham gia lực lượng dự phòng để có thể can thiệp quân sự vào Niger.
Tuy nhiên, Cộng hòa Cape Verde và một số quốc gia do chính quyền quân sự lãnh đạo sẽ không tham gia lực lượng này.
“Bằng mọi cách, trật tự hiến pháp phải được khôi phục ở Niger. Các lực lượng ở Tây Phi đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu biện pháp ngoại giao thất bại”, ông Musah nói trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự của ECOWAS.
“Nếu tình hình trở nên khó khăn, chúng tôi sẽ tới Niger cùng lực lượng, thiết bị và các nguồn lực của mình. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ từ các đối tác khác”, ông Musah nói thêm.
Trong cuộc họp, ông Musah cũng chỉ trích chính quyền quân sự Niger khi tuyên bố đưa Tổng thống Bazoum (người bị quân đội lật đổ) ra xét xử vì tội phản quốc. Ông Bazoum đang bị giam lỏng cùng gia đình tại tư dinh.
“Đều trớ trêu là người bị bắt làm con tin lại bị buộc tội phản quốc”, ông Musah nói.
ECOWAS bao gồm 15 nước ở khu vực Tây Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Từ hôm 26/7, ECOWAS đã cân nhắc về việc can thiệp quân sự vào Niger. Khối này mô tả đây là “phương sách cuối cùng” khi các phái đoàn ngoại giao tới Niger không thu được kết quả.
Tuy nhiên, nội bộ ECOWAS vẫn còn nhiều bất đồng khi tìm cách giải quyết cuộc đảo chính ở Niger.
Burkina Faso và Mali – 2 quốc gia ủng hộ Niger – tuyên bố, bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào nhằm vào Niger đều bị coi là lời tuyên chiến.
Phóng viên Charles Stratford của Al Jazeera đưa tin từ Ghana cho hay, Ghana cũng lo ngại sẽ xảy ra bất hòa với nước láng giềng Burkina Faso, nếu ủng hộ can thiệp quân sự vào Niger.
“ECOWAS có rất ít lựa chọn tốt, đặc biệt là khi chính quyền quân sự ở Niger không sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực từ bên ngoài”, ông Andrew Lebovich – chuyên gia phân tích thuộc Viện Clingendael (Hà Lan) – nhận xét.
Theo ông Lebovich, ECOWAS có thể chịu tổn hại lớn nếu điều quân đội tới Niger và bị chống trả.
Pháp ngày 16/8 đã lên tiếng phản hồi về thông tin các binh sĩ ở Niger được điều chuyển sang căn cứ ở nước láng giềng Chad.
Nguồn: [Link nguồn]