Khối tài sản khổng lồ giúp Qatar tổ chức World Cup 2022 tốn kém chưa từng thấy
Qatar là quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên, có số dân chỉ 2,9 triệu người và chỉ khoảng 1/10 là mang quốc tịch Qatar. Công dân Qatar được hưởng lợi từ khối tài sản khổng lồ của quốc gia, nhờ vào việc Qatar sở hữu các mỏ khí đốt có trữ lượng hàng đầu thế giới.
Qatar là quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh nhưng có trữ lượng khí đốt khổng lồ.
Lễ khai mạc World Cup 2022 được tổ chức vào ngày 20/11 trên sân vận động Al Bayt, Qatar với sức chứa 60.000 chỗ ngồi. Ngay sau lễ khai mạc sẽ là trận mở màn giữa đội chủ nhà Qatar và Ecuador.
Qatar đã mất 5 năm để chuẩn bị cho World Cup và ước tính chi số tiền 200 tỷ USD. Chi phí mà Qatar bỏ ra để tổ chức World Cup 2022 được coi là đắt đỏ nhất so với bất kỳ giải đấu nào trước đây.
Qatar là vùng đất nhỏ nằm ở rìa bán đảo Ả Rập, nhô ra giữa vịnh Ba Tư. Xung quanh Qatar là mỏ khí đốt North Dome, một trong những bể khí đốt lớn nhất thế giới dưới lòng đại dương.
Trữ lượng khí đốt Qatar sở hữu ước tính xếp thứ 3 thế giới, hơn gấp đôi Mỹ và chỉ xếp sau Iran, Nga, và chiếm khoảng 12% tổng dự trữ khí đốt trên toàn cầu.
Qatar xuất khẩu khoảng 75% lượng khí đốt khai thác và hưởng lợi nhuận ròng. Với tốc độ khai thác như hiện nay Qatar cần khoảng 609 năm để khai thác hết lượng khí đốt dự trữ.
Khí đốt và dầu mỏ giúp quốc gia 50 năm tuổi lột xác từ làng chài nghèo trở thành một trong những nước giàu có và có ảnh hưởng trên thế giới. Nhiều thập kỷ trước, người dân Qatar có thời điểm chỉ sống bằng nghề đánh cá và mò ngọc trai.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Qatar hiện nay đạt hơn 61.000 USD, nằm trong số những quốc gia có mức GDP bình quân cao nhất thế giới.
Qatar hiện là đầu mối giao thông quốc tế quy mô lớn với sân bay quốc tế Doha, cùng hãng hàng không quốc gia Qatar Airways luôn ăn nên làm ra. Những năm gần đây, Qatar mở rộng quy mô hoạt động của hãng thông tấn Al Jazeera và chi trả số tiền khổng lồ để Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất tại Trung Đông.
Sân vận động Al Bayt với sức chứa 60.000 chỗ ngồi là nơi tổ chức lễ khai mạc và trận mở màn World Cup 2022 vào ngày 20/11.
Trong khi phần lớn các nước trên thế giới đang vật lộn với suy thoát kinh tế và lạm phát, Qatar cùng các nước dầu mỏ vùng Vịnh hưởng lợi nhờ giá năng lượng tăng cao.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Qatar tăng trưởng 3,4% trong năm 2022, đây là con số mơ ước so với các nước phát triển, theo AP. Sự thịnh vượng của quốc gia vùng Vịnh được dự báo còn kéo dài khi nước này mở rộng xuất khẩu khí đốt từ nay đến 2025.
Lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ và khí đốt được hoàng gia Qatar chuyển vào quỹ tài sản mang tên Cơ quan Đầu tư Qatar, đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư sinh lời cho quỹ tài chính quốc gia.
Quỹ được thành lập vào năm 2005 và đến nay số tiền trong quỹ đã tăng lên khoảng 450 tỉ USD.
Qatar đã chi khoảng 200 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dự án phục vụ World Cup kể từ khi trở thành nước đăng cai World Cup năm 2022 cách đây 5 năm.
6,5 tỷ USD được Qatar sử dụng để xây 8 sân vận động chuẩn quốc tế. Hàng tỷ USD được rót vào các dự án phát triển hệ thống tàu điện ngầm, sân bay, đường sá, các công trình công cộng khác phục vụ World Cup.
Theo phân tích của tập đoàn Capital Economics có trụ sở tại London, khoảng 1,5 triệu cổ động viên trên toàn thế giới sẽ đến Qatar trong 5 tuần diễn ra World Cup.
Nếu mỗi du khách ở lại 10 ngày và chi tiêu 500 USD/ngày, nền kinh tế Qatar sẽ thu tổng cộng 5.000 USD/du khách, mang về tổng cộng 7,5 tỷ USD chỉ trong 5 tuần.
Quốc vương Qatar. Hamad Al Thani (trái) là chủ sở hữu thực tế của của câu lạc bộ PSG.
Các du khách ở Trung Đông cũng có lựa chọn ở tại Dubai và đáp máy bay sang Qatar xem các trận bóng World Cup mà mình yêu thích, giúp thúc đẩy các hoạt động di chuyển nói chung ở khu vực.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani là người đam mê bóng đá, chủ sở hữu thực tế của câu lạc bộ Paris Saint German (PSG), thông qua Quỹ Đầu tư thể thao Qatar (QSI).
Quốc vương Al Thani mua PSG vào năm 2011 và biến câu lạc bộ trở thành đội bóng đắt giá nhất ở Pháp và là một trong những câu lạc bộ giàu có nhất trên thế giới.
Qatar là quốc gia quân chủ do gia tộc Al Thani cai trị. Người dân Qatar được hưởng những quyền lợi lớn như thu nhập không chịu thuế, các công việc được trả lương hậu hĩnh trong chính phủ, chăm sóc y tế miễn phí, giáo dục bậc cao miễn phí cũng như các lợi ích sau khi nghỉ hưu.
Qatar phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư để giúp xây dựng một quốc gia vùng Vịnh hiện đại và giàu có như ngày nay. Lao động nhập cư cũng làm nhiều công việc trong ngành dịch vụ, ví dụ như tài xế taxi và bảo mẫu.
Trong những năm qua, Qatar đối mặt những câu hỏi về luật lao động và cách nước này đối xử với hàng trăm ngàn lao động nước ngoài, chủ yếu từ Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal và các nước Nam Á khác.
Những người lao động này sống trong phòng trọ ở chung hoặc khu trại lao động, làm việc liên tục trong ngày với khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi. Nhiều người hiếm khi quay trở về quê hương thăm gia đình.
Năm 2020, Qatar đã thông qua luật lao động, nâng mức lương tối thiểu lên 275 USD, loại bỏ một số quy định khắt khe như người lao động bị hạn chế tìm công việc mới hay bị cấm rời khỏi quốc gia mà không có sự cho phép của người sử dụng lao động.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/10 đã có cuộc gặp với Quốc vương Qatar Tamim al-Thani ở Astana, Kazakhstan, không lâu sau khi nhà lãnh đạo Nga tiếp đón Tổng thống UAE Mohammed...