Khối quân sự hơn 1 triệu quân do Nga lãnh đạo mạnh ra sao?

Thành lập từ năm 1992, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hiện được xem là khối quân sự duy nhất thế giới có thể trở thành đối trọng với NATO.

Tổng thống Nga Putin họp với các lãnh đạo của CSTO (ảnh: AP)

Tổng thống Nga Putin họp với các lãnh đạo của CSTO (ảnh: AP)

1. Sự thành lập

Ngày 15.5.1992, lãnh đạo các nước Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan chính thức ký kết hiệp định thành lập CSTO. Dựa trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quân sự - chính trị để phòng thủ chung, Điều 4 của CSTO nêu rõ: “Nếu một trong các quốc gia thành viên bị bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào gây hấn, thì hành động này sẽ được coi là hành vi gây hấn đối với tất cả các quốc gia thành viên của Hiệp ước”.

Chủ tịch của CSTO được triển khai theo nhiệm kỳ luân phiên. Theo đó, các nước thành viên lần lượt đảm nhiệm vị trí Chủ tịch CSTO mỗi năm một lần.

Từ khi thành lập, CSTO tập trung vào các hoạt động chính như hợp tác an ninh – chính trị, chống lại mối đe dọa từ bên ngoài, truy quét tội phạm ma túy, chống di cư bất hợp pháp và buôn người…

Về cơ bản, các hoạt động quân sự của CSTO ít nổi bật hơn so với Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi NATO không ngừng tìm cách lôi kéo thêm thành viên, CSTO lại ít khi làm điều này.

Tháng 10.2018, CSTO tổ chức cuộc tập trận chung được cho là có quy mô lớn nhất kể từ khi thành lập. Cuộc tập trận diễn ra ở nước Nga với sự tham gia của hơn 3.500 binh sĩ và 620 thiết bị quân sự. Trong khi đó, đầu năm 2022, NATO tổ chức cuộc tập trận với hơn 30.000 binh sĩ. Mỹ và các nước NATO thường không muốn giao tiếp với CSTO và không coi tổ chức này như một khối an ninh khu vực.

Lực lượng CSTO tập trận (ảnh: RT)

Lực lượng CSTO tập trận (ảnh: RT)

2. Nga là cốt lõi của CSTO

Nga là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn nhất và đóng góp kinh phí hoạt động nhiều nhất cho CSTO. Theo Cabar, 50% tổng ngân sách hoạt động của CSTO đến từ Nga, 5 nước thành viên còn lại chỉ chi trả 10% ngân sách. Điều này khá giống với NATO khi Mỹ, Đức, Anh và Pháp đóng góp tới hơn 50% tổng ngân sách của khối.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Belarus cho thấy, năm 2010, Hội đồng An ninh CSTO đã thông qua khoản ngân sách trị giá 5,7 triệu USD. Trong đó, Nga đóng góp hơn 2,8 triệu USD, những nước thành viên như Belarus chỉ chi xấp xỉ 570.000 USD. Với đóng góp lớn, Nga là thành viên có ảnh hưởng mạnh nhất của CSTO. Các vấn đề quan trọng trong hoạt động của CSTO đều có sự đồng thuận của Nga.

Theo Jagranjosh, mặc dù đóng góp không nhiều, nhưng các nước thành viên CSTO lại có vị trí chiến lược đối với Nga. Armenia có biên giới giáp Iran, trong khi Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan nằm gần Trung Quốc. Vị trí lãnh thổ của Belarus có giá trị đặc biệt đối với Nga bởi có biên giới giáp với Litva và Ba Lan – 2 nước thành viên NATO.

Nga chiếm phần lớn sức mạnh quân sự của CSTO (ảnh: Reuters)

Nga chiếm phần lớn sức mạnh quân sự của CSTO (ảnh: Reuters)

Sức mạnh quân sự của CSTO bị đánh giá thấp hơn NATO và phần lớn phụ thuộc vào Nga – thành viên duy nhất của khối có căn cứ quân sự ở nước ngoài. Theo Global Firepower, Nga hiện là cường quốc quân sự lớn thứ 2 thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nếu xảy ra xung đột với nước ngoài, lực lượng CSTO không giúp sức được nhiều cho Nga.

Theo Cabar, quy mô quân đội của toàn khối CSTO là khoảng 1 triệu 256 nghìn binh sĩ, 80% trong số này đến từ Nga. Trong khi đó, NATO có 3 triệu 462 nghìn binh sĩ, 40% trong số này là quân Mỹ. Điều này phần nào cho thấy sức mạnh phòng thủ nói chung của CSTO thấp hơn NATO.

Tuy nhiên, năm 2009, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: “Sức mạnh quân sự của CSTO không hề thua kém NATO”.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO lên đường tới Kazakhstan hôm 7.1 (ảnh: RT)

Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO lên đường tới Kazakhstan hôm 7.1 (ảnh: RT)

3. Hoạt động ở nước ngoài của CSTO

Theo tuyên bố chính thức trên website, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO hiện có khoảng 3.600 nhân viên. Đây là những quân nhân được huấn luyện đặc biệt, được trang bị vũ khí hiện đại và sẵn sàng tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình trong cũng như ngoài khối CSTO.

Tuy nhiên, không giống như NATO, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Đầu tháng 1.2022, lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO được cử đến Kazakhstan để bảo đảm an ninh sau khi những cuộc biểu tình này trở thành bạo loạn.

Tổng thống Nga Putin cho biết, CSTO đã điều quân theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan - ông Kassym Jomart Kemelevich Tokayev - vì nước này đang phải đối mặt với “sự gây hấn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Đây là lần đầu tiên CSTO thực hiện hành động gìn giữ hòa bình tập thể, theo Reuters.

Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 7.1 – 13.1), lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã hoàn thành nhiệm vụ ở Kazakhstan và gây được tiếng vang lớn.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là bảo vệ các cơ sở nhà nước và các cơ sở quân sự quan trọng, đồng thời trợ giúp lực lượng hành pháp Kazakhstan ổn định tình hình và khôi phục trật tự pháp luật”, CSTO tuyên bố.

Theo hãng thông tấn RIA Novosti, thành công ở Kazakhstan đã chứng minh CSTO không phải “con hổ giấy”, cũng như buộc NATO và phương Tây phải nhìn nhận khối quân sự này bằng con mắt khác.

“An ninh tập thể thời hậu Liên Xô không còn là lý thuyết mà đã trở thành hiện thực”, RIA Novosti viết.

Khó có khả năng CSTO tham chiến ở Ukraine (ảnh: CNN)

Khó có khả năng CSTO tham chiến ở Ukraine (ảnh: CNN)

4. CSTO có thể tham chiến ở Ukraine?

Theo nhiều chuyên gia, với diễn biến xung đột Nga – Ukraine hiện tại, CSTO khó có khả năng điều quân đội tới hỗ trợ Nga. Điều 4 của tổ chức này nêu rõ, nếu một quốc gia thành viên bị tấn công vũ trang, đe dọa đến an ninh, toàn vẹn lãnh thổ thì hành động đó sẽ bị coi là tấn công chống lại tất cả các thành viên CSTO. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của nước bị tấn công, CSTO sẽ lập tức hỗ trợ quân sự.

Tuy nhiên trong xung đột Nga – Ukraine, Moscow là bên chủ động điều lực lượng tới mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Lãnh thổ Nga chưa gặp phải vụ tấn công nào có thể đe dọa đến an ninh, chủ quyền. Ngoài ra, Nga – với tư cách là quốc gia dẫn đầu CSTO – có đủ lực lượng và trang bị để thực hiện các mục tiêu quân sự ở Ukraine.

Belasrus – đồng minh quân sự thân cận nhất của Moscow – đã nhiều lần tuyên bố không tham chiến ở Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc các nước còn lại của CSTO cũng giữ thái độ tương tự, theo The Diplomat.

Năm 2010, Kyrgyzstan xảy ra xung đột sắc tộc ở miền nam. Kyrgyzstan đã kêu gọi CSTO giúp đỡ nhưng khối này chọn cách “không hành động”. Dmitry Medvedev – Tổng thống Nga khi đó – giải thích, bất ổn an ninh ở Kyrgyzstan là do mâu thuẫn nội bộ và sự yếu kém của chính phủ chứ không phải can thiệp từ nước ngoài.

Năm 2021, trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, CSTO cũng từ chối yêu cầu hỗ trợ của Armenia. CSTO cho rằng, xung đột ở Nagorno-Karabakh là công việc nội bộ của Azerbaijan và cuộc chiến này không vươn tới lãnh thổ của Armenia. Điều 5 của CSTO quy định, khối này sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên và chỉ có nghĩa vụ bảo vệ thành viên khỏi mối đe dọa từ bên ngoài.

Quyết định quan trọng của NATO về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Sau cuộc họp giữa ngoại trưởng các nước thành viên hôm 9.4, NATO đưa ra quyết định có thể khiến xung đột Nga - Ukraine thêm tồi tệ, theo báo Nga RT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN