Khối băng khổng lồ giết chết 150.000 chim cánh cụt
Một khối băng “kích thước bằng một quả núi” đã khiến 150.000 chú chim cánh cụt chết đói ở Nam Cực.
Kể từ năm 2010, chim cánh cụt ở vùng Adelie đã buộc phải di chuyển quãng đường hơn 120km để tìm kiếm thức ăn. Một khối băng rộng 2.900km2 chắn ở mũi Denison buộc bầy chim phải đi đường vòng.
Số lượng chim cánh cụt đã sụt giảm xuống 10.000 con năm 2011 từ con số 160.000 ban đầu. Nhà khoa học lo sợ rằng khu vực Adelie sẽ sạch bóng chim cánh cụt trong một thời gian ngắn.
Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học New South Wales cho biết chim cánh cụt sẽ được cứu nếu khối băng bị phá vỡ hoặc di dời tới một địa điểm khác. Khối băng được định mã B09B.
Giáo sư Chrish Turney, chuyên gia biến đổi khí hậu làm việc trong dự án nghiên cứu, đăng tải bài báo trên tạp chí Antartic Science nói: “Khu vực này giờ yên lặng một cách đáng sợ. Trước đây khu vực mũi Denison rất huyên náo bởi chim cánh cụt thì giờ im ắng bất thường. Nguồn thức ăn để chim cánh cụt sinh tồn còn chưa đủ chứ không nói tới việc dự trữ cho thế hệ sau. Chúng tôi thấy rất nhiều chim cánh cụt chết. Thật đau lòng”.
Chim cánh cụt có đặc tính sinh học là không di cư và sẽ quay trở về đúng nơi chúng sinh ra để đẻ trứng. Giáo sư Turney nói: “Chúng bị kẹt ở đây. Chúng đang chết dần chết mòn. Khối băng kia quá lớn, nó chẳng khác gì một quốc gia thu nhỏ đặt sai vị trí”.
“Khi trái đất nóng lên, băng tan nhiều hơn. Nhiều núi băng sẽ tách ra từ Nam Cực, gắn vào các hòn đảo hoặc bờ biển gần đó khiến việc di chuyển của bầy chim cánh cụt thêm khó khăn và xa xôi”.