Khoảnh khắc hai vì sao "đánh lộn" được kính viễn vọng vô tình chụp lại
Giống như con người, các ngôi sao rồi cũng già và chết đi, và giống như con người, các vì sao đôi khi cũng “xô xát” với chính “đồng loại” của mình.
Khoảnh khắc "Chiến tranh giữa các vì sao" được kính viễn vọng APEX ghi lại (Ảnh: Đài thiên văn ALMA)
Mới đây, kính viễn vọng từ một đài thiên văn ở Chile đã ghi lại khoảnh khắc hỗn loạn khi 2 vì sao cố gắng “kết liễu” nhau trong một cuộc đối đầu ngoài vũ trụ.
Trong trận chiến, một trong 2 vì sao phát triển lớn đên mức có thể “nuốt chửng” cái còn lại, thứ sau đó bị xoắn lại và khiến vì sao lớn hơn thay đổi bề ngoài của mình.
Sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng Atacama Pathfinder Experiment (APEX) tại đài thiên văn Atacama Large Millimeter/Submillimeter Array (ALMA) ở Chile, các nhà thiên văn đã phát hiện ra một đám mây khí dẫn đến trận chiến trong hệ thống sao HD101584. Phát hiện này được công bố lần đầu trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
"Hệ thống sao HD101584 đặc biệt ở chỗ “quá trình hoại tử” này xảy ra rất sớm và đột ngột, khi một vì sao bị người bạn đồng hành khổng lồ của nó ‘nuốt chửng’", giáo sư Hans Olofsson từ Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Khi vì sao lớn hơn phát triển đến mức cực đại, nó đã cố gắng nuốt trọn người bạn đồng hành nhỏ hơn của mình. Vì sao kia đã đánh trả bằng việc biến thành hình xoắn hướng về phần lõi của vì sao khổng lồ, nhưng không va chạm với nó. Kết quả là thay vì nuốt chửng được ngôi sao bé, ngôi sao lớn hơn lại nổ tung, làm phân tán các lớp khí xung quanh và để lộ phần lõi của mình.
Trong hình ảnh mới được Đài thiên văn APEX công bố, có thể thấy các đốm màu xanh và đỏ rực rỡ từ các lớp khí xung quanh được hình thành khi chúng bị phân tán bởi tác động từ các vì sao.
Phát hiện này còn giúp các nhà thiên văn hiểu thêm được những gì Mặt Trời sẽ trải qua khi đến thời điểm “cáo chung”.
Giáo sư Sofia Ramstedt từ Đại học Uppsala, Thụy Điển, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết:
"Hiện tại, chúng ta có thể mô tả các quy trình phổ biến khi một ngôi sao như Mặt Trời chết đi, nhưng vẫn chưa thể giải thích hoặc mô tả chính xác chúng xảy ra như thế nào.
HD101584 cho chúng ta manh mối quan trọng để giải đáp vấn đề này, vì nó là một phần nhỏ trong số các giai đoạn trên. Hình ảnh chi tiết về nó có thể tạo ra sự liên kết giữa một vì sao khi còn sống và tàn dư của nó khi chết đi."
Nguồn: [Link nguồn]
Một hành tinh khổng lồ, mới được phát hiện cách Trái đất 31 năm ánh sáng, đang khiến giới thiên văn sửng sốt vì cấu...