Khoảng trống vô cùng lớn ông Abe để lại ở Nhật Bản sau khi bị ám sát
Sự ra đi đột ngột của ông Abe để lại khoảng trống to lớn trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cũng như để lại nhiều câu hỏi về tình trạng xã hội ở Nhật Bản.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Ảnh hưởng lâu dài của ông Abe
Nắm quyền ở Nhật Bản tới 4 nhiệm kỳ, ông Abe chưa đạt được mục tiêu lâu dài là sửa đổi Hiến pháp, đưa Nhật Bản trở về là một “quốc gia bình thường”, có thể sử dụng quân đội để phục vụ lợi ích quốc gia như các nước khác.
Ông Abe cũng chưa khôi phục lợi thế công nghệ và sức mạnh kinh tế của Nhật Bản về mức đỉnh cao của cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi Nhật Bản có vị thế như Trung Quốc ngày nay – là nền kinh tế số 2 thế giới, thậm chí có thể vươn lên số 1.
Nhưng vụ ám sát ông Abe ở thành phố Nara hôm 8.7 khiến người ta nhìn nhận thực tế rằng, ông Abe là nhà lãnh đạo đưa Nhật Bản có những chuyển biến nhất kể từ thời hậu chiến.
Sau khi thất bại trong nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga và Trung Quốc, ông Abe đưa Nhật Bản xích lại gần hơn với Mỹ và hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương (ngoại trừ Hàn Quốc).
Ông Abe thành lập hội đồng an ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, diễn giải lại Hiến pháp Nhật Bản để trao nhiều quyền hơn cho Lực lượng Phòng vệ và Nhật Bản đã lần đầu tiên cam kết bảo vệ đồng minh. Dưới thời ông Abe, Nhật Bản chi tiêu mạnh hơn cho quốc phòng.
“Chúng tôi không biết mọi chuyện ra sao khi ông Abe lên nắm quyền ở Nhật Bản với tư cách là người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cứng rắn”, Richard Samuels, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại M.I.T, tác giả của cuốn sách về khả năng quân sự và tình báo của Nhật Bản, nói trên báo Mỹ New York Times. “Ông Abe là người theo chủ nghĩa hiện thực thực dụng, người hiểu rõ giới hạn về sức mạnh của Nhật Bản và biết rằng Nhật Bản không thể tự cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, ông Abe đã thiết kế một hệ thống mới”.
Ảnh hưởng của ông Abe, theo cách học giả, sẽ vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài. “Điều ông Abe đã làm được, là chuyển đổi tình trạng an ninh quốc gia ở Nhật Bản”, Michael J. Green, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người từng thường xuyên làm việc cùng ông Abe, nói.
Tang lễ ông Abe diễn ra vào ngày 12.7 theo nghi thức cấp cao nhất.
Trong cuốn sách có tựa đề “Dòng lợi thế: Chiến lược vĩ đại của Nhật Bản trong kỷ nguyên Abe Shinzo”, ông Green cho rằng, ông Abe là người giúp thúc đẩy phương Tây chống lại các hành động ngày càng gây hấn của Trung Quốc ở châu Á.
“Ông Abe được chọn làm Thủ tướng trong giai đoạn mà Nhật Bản bị Trung Quốc lấn lướt trên mọi mặt”, ông Green nói. “Ông Abe là người thúc đẩy sự thành lập nhóm Bộ tứ Kim Cương - một liên minh an ninh chiến lược gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ nhằm đối phó Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Khoảng trống vô cùng lớn
Michael MacArthur Bosack, cố vấn đặc biệt về quan hệ chính phủ tại Hội đồng Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Yokosuka, nói vụ ám sát là đòn giáng mạnh đối với nền chính trị Nhật Bản, để lại khoảng trống rất lớn trong tương lai, theo Japan Times.
Với nhiều người nước ngoài, ông Abe Shinzo có thể chỉ là một cựu thủ tướng. Nhưng với những ai đã sống ở Nhật từ năm 2012, ông Abe vẫn thường xuyên hiện diện trên truyền hình, trong các sự kiện lớn hay trên những tấm áp phích vận động bầu cử.
Hôm 8,7, sau khi nhận được tin về sự ra đi của ông Abe, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Đây là cú sốc có tác động sâu sắc đến tâm lý của người dân Nhật Bản”.
Theo các nhà quan sát, việc ông Abe từ chức năm 2020 không làm suy giảm ảnh hưởng của ông. Ông Bosack nói mọi khía cạnh của đời sống chính trị Nhật Bản dường như vẫn liên quan đến ông Abe.
Ông Abe là người ủng hộ Chánh văn phòng Nội các Nhật bản Suga Yoshihide trở thành người kế nhiệm ông. Ông Abe cũng có tác động giúp đương kim Thủ tướng Fumio Kishida đánh bại ứng viên Taro Kono trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2021.
Tháng 11.2021, ông Abe là lãnh đạo phe lớn nhất trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Trong một năm qua, ông Abe đã tham gia nhiều hơn vào các quyết định chính sách của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida, đóng vai trò như "người gác cổng" và phản biện, theo ông Bosack.
Theo chuyên gia Bosack, vụ ám sát để lại khoảng trống rất lớn trong nội bộ đảng LDP. Phe lớn nhất trong đảng do ông Abe lãnh đạo sẽ phải tìm một người dẫn dắt mới. Phe bảo thủ của đảng cũng mất đi người có ảnh hưởng nhất và LDP không còn một "người gác cổng" vững vàng.
"Nói cách khác, bối cảnh chính trị đã thay đổi hoàn toàn với đảng cầm quyền Nhật Bản sau biến cố này", chuyên gia Bosack nhận định.
Xe tang chở linh cữu ông Abe rời chùa Zojoji ngày 12.7.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, em trai ông Abe, gọi vụ ám sát là "cuộc tấn công vào nền dân chủ". Khẩu hiệu "chúng tôi muốn dân chủ, không phải bạo lực" xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản ngay sau vụ ám sát.
Ngoài khía cạnh chính trị, vụ ám sát ông Abe cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng trong xã hội Nhật Bản, theo chuyên gia Bosack. Câu hỏi đầu tiên lại tại sao một người đàn ông 41 tuổi lại sử dụng súng tự chế để sát hại cựu Thủ tướng Abe?
Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị bắt giữ tại hiện trường, nói không có động cơ chính trị, chỉ đơn giản là không hài lòng với ông Abe. Đáng chú ý, nghi phạm từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nhưng đã rời lực lượng vào năm 2005, trước khi ông Abe trở thành Thủ tướng.
Theo chuyên gia Bosack, có nhiều câu hỏi khác còn để ngỏ như liệu Nhật Bản có vấn đề gì trong quan hệ dân sự-quân sự? Hay đây là trường hợp bế tắc điển hình của một người đàn ông Nhật ở tuổi trung niên? Hoặc Nhật Bản giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng đối với hững người sống biệt lập đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần như thế nào?
Một câu hỏi khác là về công tác bảo đảm an ninh cho các chính trị gia ở Nhật Bản. Điều này có thể dẫn đến sự cải cách sâu rộng, khi đội ngũ an ninh đã thừa nhận mắc sai lầm, không sớm ngăn chặn các hành động đáng ngờ của nghi phạm.
Các chính trị gia Nhật Bản sẽ có trách nhiệm giải quyết vấn đề xã hội liên quan tới vụ ám sát ông Abe. Số khác cố gắng thực hiện các biện pháp thiết thực để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai và có những chính trị gia sẽ tận dụng khoảng trống hiện tại khi một nhân vật có ảnh hưởng lớn như ông Abe đã ra đi, theo chuyên gia Bosack.
Những dù thế nào, vụ ám sát ông Abe sẽ có tác động sâu sắc đối với chính trị và xã hội Nhật Bản trong tương lai, chuyên gia Bosack kết luận.
__________________
Vì sao nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố quốc tang, tưởng niệm ông Abe? Dấu ấn trên trường quốc tế của ông Abe như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản sáng sớm ngày 15.7.
Không có nhiều nhà lãnh đạo để lại di sản với những ảnh hưởng sâu rộng như cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Sau vụ ám sát hôm 8.7, ông có lẽ được nhớ đến nhiều...
Nguồn: [Link nguồn]