Kho vũ khí lợi hại của Israel phục vụ kế hoạch tấn công Iran
Ngoài máy bay tấn công tầm xa, tên lửa tầm xa cho đến bom phá boongke, Không quân Israel còn cất trữ những vũ khí bí mật khác và chờ thời điểm thích hợp để triển khai, phục vụ kế hoạch tấn công Iran.
Từ tên lửa tầm xa cho đến bom phá boongke trong những thập niên gần đây, Israel đã đầu tư hàng tỉ USD phát triển đạn dược chuyên dụng phục vụ kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Thông tin này chỉ được tiết lộ sau khi Israel bán vũ khí cho lực lượng không quân nước ngoài, theo tờ The Jerusalem Post.
Cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran sẽ phức tạp hơn nhiều
Hồi tháng 9, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Yemen, triển khai máy bay chiến đấu F-15 từ một căn cứ cách xa 1.800 km, thể hiện kỹ năng ứng biến linh hoạt của nước này.
Cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào Israel hôm 1-10. Ảnh: Reuters/Anadolu Agency/Ahikam Seri/AFPTV/AFP/X
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng một cuộc tấn công Iran sẽ đối mặt thách thức phức tạp hơn nhiều, mặc dù với khoảng cách tương tự.
Các cơ sở hạt nhân và căn cứ tên lửa đạn đạo của Iran được xây dựng sâu dưới lòng đất, trái ngược với các mục tiêu dễ tấn công hơn như các cơ sở dầu mỏ. Bên cạnh đó, Iran vận hành một hệ thống phòng không tiên tiến, chủ yếu do nước này phát triển.
Dù những hệ thống này vẫn chưa được thử nghiệm nhưng Iran tuyên bố khả năng của chúng sánh ngang với các hệ thống phòng không của Nga như S-300, có thể đánh chặn tên lửa do Israel phóng sang. Iran cũng duy trì hoạt động một phi đội máy bay chiến đấu, trong đó có tiêm kích MiG-29 của Nga và máy bay chiến đấu F-14 cũ của Mỹ, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.
Máy bay tấn công tầm xa lên tới phạm vi 2.000 km
Các cuộc tấn công ở phạm vi khoảng 2.000 km thường được các lực lượng Nga và Mỹ sử dụng tên lửa hành trình và máy bay ném bom thực hiện. Israel đã phân bổ một phần đáng kể viện trợ của Mỹ để mua máy bay chiến đấu như F-15I và F-16I Sufa.
Những máy bay này ban đầu được thiết kế cho chiến đấu trên không, nhưng đã được sửa đổi trong các nhiệm vụ tấn công của Israel. Không quân Israel còn trang bị cho những chiếc F-15 để chúng có thể mang đạn dược hiện đại từ các nhà sản xuất Mỹ và Israel.
Tiêm kích F-16 của Israel. Ảnh: WIKIPEDIA
Tập đoàn Lockheed Martin đã phát triển các thùng nhiên liệu phù hợp dành riêng cho các chiến đấu cơ này, tăng cường tầm bay của chúng mà không gây ảnh hưởng lớn đến khí động học hoặc tín hiệu radar.
Một số báo cáo cho biết, Israel cũng phát triển các thùng nhiên liệu có thể tháo rời dành cho tiêm kích F-35, cho phép chúng bay đến Iran trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình. Nếu không có những thùng nhiên liệu này, tầm bay của máy bay sẽ không đủ.
Tên lửa tấn công tầm xa
Vào cuối những năm 2000, ngành công nghiệp quốc phòng của Israel đã giới thiệu hai tên lửa tấn công tầm xa được phóng từ máy bay chiến đấu. Mặc dù các thông tin như phạm vi tấn công chính xác của chúng chưa được tiết lộ, nhưng có thông tin cho hay những tên lửa này có tầm bắn hàng trăm km, có khả năng tấn công từ bên ngoài phạm vi phòng thủ của Iran.
Các tên lửa này di chuyển với tốc độ siêu thanh, làm giảm thời gian cảnh báo của đối phương, đồng thời làm phức tạp hơn các nỗ lực đánh chặn, tăng cơ hội đánh trúng mục tiêu.
Tên lửa Rampage
Tên lửa Rampage là sản phẩm của sự hợp tác giữa tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI) và tập đoàn Elbit Systems, dựa trên mẫu tên lửa EXTRA của công ty Elbit.
Ban đầu, tên lửa Rampage được thiết kế để phóng từ mặt đất nhưng sau đó tên lửa này đã được điều chỉnh để triển khai trên không, tăng tầm bắn và tốc độ khi phóng từ máy bay chiến đấu. Tên lửa Rampage có nhiều hệ thống dẫn đường, cung cấp khả năng dự phòng để nhắm mục tiêu chính xác.
Tên lửa Rampage. Ảnh: IAI
Tên lửa Rampage có chiều dài 4,7 m, đường kính 30,6 cm và nặng 570 kg. Tên lửa này có thể mang đầu đạn 150 kg, giúp nó phát huy hiệu quả khi tấn công trung tâm chỉ huy cũng như nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Tên lửa Rampage có thể được phóng từ các tiêm kích F-15, F-16 và F-35 của Israel. Dựa vào công nghệ tên lửa hiện nay, Rampage có giá thành tương đối phải chăng, ước tính vài trăm nghìn USD cho mỗi hệ thống.
Tên lửa Rocks
Công ty công nghệ quốc phòng Rafael trình làng tên lửa Rocks vào năm 2019. Tên lửa này kết hợp khả năng bay siêu thanh với thiết bị định vị vệ tinh và dẫn đường bằng quán tính, cũng như hệ thống nhắm mục tiêu quang học.
Rocks được phát triển dựa trên tên lửa Anchor của Rafael, có phần giống với tên lửa Shahab của Iran về tốc độ và khả năng cơ động.
Tên lửa Rocks có thể được phóng từ các tiêm kích F-16 và F-35. Nhiều đánh giá cho biết Rocks có tầm bắn 300 km, có thể mang đầu đạn 500 kg, giúp phá hủy các công trình kiên cố hoặc công trình ngầm.
Tên lửa Jericho
Các nguồn tin nước ngoài tiết lộ Israel có hệ thống tên lửa đất đối đất, được trang bị cả đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, được gọi là tên lửa Jericho.
Dẫu Iran đã phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo về phía Israel, song có rất ít khả năng Israel sử dụng những tên lửa này chống lại các cuộc tấn công của Iran. Các tên lửa Jericho ban đầu do công ty Dassault của Pháp phát triển, sau đó được IAI nâng cấp.
Bên cạnh phát triển tên lửa, Israel còn phát triển bom phá boongke – được gọi là 500MPR. Bom này có khả năng xuyên thủng các lớp bê tông dày 4 m. Bom 500MPR từng được thử nghiệm trên tiêm kích F-15I, có tầm bắn ngắn, chỉ vài chục km dựa vào phương pháp triển khai.
Tên lửa hành trình PopEye Turbo
Một vũ khí uy lực khác của Israel có thể kể đến tên lửa hành trình PopEye Turbo do công ty Rafael phát triển. Tên lửa có tầm bắn 1.500 km, được thiết kế để phóng từ tàu ngầm của hải quân Israel, có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn này cho phép tàu ngầm Israel tấn công Iran từ biển Đỏ hoặc biển Arab mà không cần phải vào Vịnh Ba Tư.
Việc xuất khẩu các loại vũ khí tiên tiến trên cho các khách hàng nước ngoài đáng tin cậy cho phép các công ty Israel tái đầu tư vào phát triển tên lửa và bom, đồng thời giúp giảm chi phí cho Bộ Quốc phòng Israel. Hơn nữa, Không quân Israel được cho đang cất trữ những vũ khí bí mật khác và chờ thời điểm thích hợp để triển khai.
Israel "chốt" mục tiêu tấn công Iran: Chính xác và nguy hiểm
Theo hãng tin Fox News, Israel được cho đã chính thức “chốt” các mục tiêu mà nước này có thể tấn công vào Iran để trả đũa sự vụ Iran nã một loạt tên lửa vào nước này hôm 1-10. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo sẽ có một đòn đáp trả chính xác và nguy hiểm.
Tờ Times of Israel cho hay Lực lượng phòng vệ Israel đã gửi danh sách các mục tiêu Iran có thể bị tấn công cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Gallant, khi các quan chức đang tiến hành phối hợp ngầm với các quốc gia khác ở Trung Đông.
“Các mục tiêu đã rõ ràng, vấn đề bây giờ chỉ là thời gian” – một nguồn tin nói với hãng tin Kan của Israel.
Mỹ đã cảnh báo Israel rằng việc cung cấp vũ khí có thể bị tạm ngưng, nếu tình hình nhân đạo ở Dải Gaza không được cải thiện.
Nguồn: [Link nguồn]