Yếu tố chết chóc có thể biến giao tranh Israel - Hamas thành xung đột đẫm máu
Các tay súng Hamas được cho là đã tích lũy kho tên lửa (rocket) khổng lồ với ý đồ xuyên thủng lá chắn tên lửa "Vòm Sắt" hàng tỷ USD của Israel.
Video: Israel tung video toàn cảnh vụ hứng 1.500 quả rocket
Với việc căng thẳng gia tăng từng giờ giữa Israel và Hamas - tổ chức Hồi giáo vũ trang lớn nhất Trung Đông và lớn nhất ở Palestine hiện nay, kho vũ khí chết chóc của 2 bên có nguy cơ biến căng thẳng thành cuộc xung đột đẫm máu nhất từ trước tới nay, theo Mirror.
Một số vụ tấn công mới diễn ra khiến ít nhất 76 người thiệt mạng, trong đó có 67 người Palestine và 6 người Israel. Nhiều trong số này là trẻ em.
Israel được cho là đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, nơi Hama đang kiểm soát. Binh lính và xe tăng đã được điều động tới biên giới.
Phản ứng trước việc Hamas "nã" 1.500 tên lửa nhằm vào lãnh thổ Israel, Liên Hợp Quốc (UN) cảnh báo, khu vực đang "có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện", khiến các lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi giảm leo thang căng thẳng ngay lập tức.
Kể từ cuộc xung đột gần nhất diễn ra năm 2014, Hamas đã tích lũy lượng lớn tên lửa đạn đạo, khiến quân đội Israel chịu áp lực ngày càng lớn.
Tuy nhiên, với những máy bay không người lái (UAV) "cảm tử”, chiến đấu cơ công nghệ cao và lá chắn phòng thủ "Vòm Sắt" hàng tỷ USD, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không thiếu các lựa chọn để đối phó với Hamas.
Kho tên lửa của Hamas
Ảnh: Getty
Vũ khí của Hamas chủ yếu là rocket và súng cối. Nhiều trong số này được sản xuất tại Dải Gaza. Các cơ sở sản xuất của Hamas đã trở thành mục tiêu chính cho các cuộc không kích của Israel.
Ngoài ra, Hamas cũng từng nhập các bộ phận vũ khí từ Iran và Syria.
Các tên lửa của Hamas được thiết kế cơ bản dựa theo công nghệ thời Liên Xô, nhưng tổ chức này được cho là có kho dự trữ tên lửa khổng lồ, với số lượng trong khoảng 2 - 3 vạn.
"Họ có ngành công nghiệp sản xuất tên lửa khá tốt. Tên lửa được sản xuất dựa trên bản thiết kế và tư vấn từ Iran", Jonathan Conricus, một quan chức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nói.
Điều khiến Israel lo ngại là việc Hamas tăng cường sản xuất các tên lửa có tầm hoạt động xa hơn. Theo BBC, các tên lửa này bao gồm Fajr (tầm hoạt động 100 km), R-160 (120 km) và M-302 (200 km).
Các tên lửa tầm xa có thể nhắm tới các mục tiêu tại 2 thành phố lớn của Israel là Jerusalem và Tel-Aviv, gây ra đe dọa lớn với dân thường.
UAV "cảm tử" của Israel
Israel tự hào có một đội máy bay không người lái tiên tiến, được sử dụng cho cả hoạt động quân sự và giám sát. Năm 2020, IDF đã mua các hệ thống Hero-30 - thực tế là UAV "cảm tử" - và sử dụng thành công trong chiến đấu, theo nhà sản xuất UVision.
Loại UAV hạng nhẹ này còn được gọi là "bom đạn lang thang" vì nó có thể lao vào mục tiêu và phát nổ bất cứ lúc nào thay vì trở về căn cứ quân sự.
Israel cũng mua công nghệ chống UAV, bao gồm một hệ thống định vị có thể gắn vào các súng trường, cho phép binh sĩ theo dõi và bắn hạ UAV của đối phương với độ chính xác cao. Công nghệ, được sản xuất bởi công ty Sharp Shooter của Israel, cũng đang được quân đội Mỹ sử dụng.
Hôm 12/5, IDF tuyên bố đã bắn hạ một UAV cố xâm nhập vào Israel từ Dải Gaza. Video vụ việc được chia sẻ trên Twitter.
Chiến đấu cơ hiện đại của Israel
Kho vũ khí của Israel có nhiều chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm F-35 Lightning. Ảnh: Getty
Với ý định phá hủy kho tên lửa khổng lồ của Hamas, Israel có thể triệu tập một phi đội chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới. Vì đã thiết lập mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ, Israel được tiếp cận nhiều mẫu chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả F-35 Lightning-II - cho phép phi công có các góc quan sát mục tiêu rộng và khả năng tránh bị radar phát hiện.
"Kiểu dáng của chiến đấu cơ này được thiết kế để làm chệch hướng năng lượng khỏi nguồn radar giống như chiếu ánh sáng vào gương", Paul Poitras, một giám đốc tại tập đoàn sản xuất vũ khí nổi tiếng Lockheed Martin, chia sẻ trên Washington Post.
"Bề mặt của F-35 Lightning-II còn được pha trộn và làm mịn để cho phép năng lượng radar truyền qua nó giống như nước chảy trên bề mặt nhẵn", ông Poitras nói thêm.
Đầu tuần này, IDF tuyên bố đã triển khai 80 chiến đấu cơ, có cả F-35, trong một chiến dịch vô hiệu hóa tên lửa của Hamas. IDF đang nhắm tới hàng chục ống phóng tên lửa được đặt ở phía bắc Dải Gaza.
Lá chắn "Vòm Sắt" hàng tỷ USD
Hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của Israel hoạt động hôm 12/5. Ảnh: Reuters
Hệ thống phòng thủ chính của Israel chính là lá chắn "Vòm Sắt", một hệ thống phòng không di động có thể tiêu diệt các tên lửa đối phương xâm nhập không phận Israel.
Được triển khai lần đầu tiên năm 2011, "Vòm Sắt" chặn được 85 - 95% tên lửa đối phương. IDF tuyên bố, hiện tại lá chắn "Vòm Sắt" có hiệu quả thành công là 90%.
Tuy nhiên, đợt tấn công mới nhất cho thấy mức độ hiệu quả của "Vòm Sắt" chưa được như tuyên bố.
Trong cuộc xung đột gần nhất ở Dải Gaza năm 2014, số lượng tên lửa hàng ngày mà "Vòm Sắt" phải đối phó ở đỉnh điểm chỉ là 200. Nhưng những ngày vừa qua, Hamas tăng đáng kể số lượng tên lửa, có thời điểm lên tới vài trăm quả rocket chỉ trong vài phút.
Nếu tiếp tục với tốc độ và số lượng tên lửa như vậy, Hamas có thể gây áp lực đáng kể cho lá chắn "Vòm Sắt" của Israel - hệ thống chủ yếu trông cậy vào các lõi pin đắt giá.
Một trục trặc trong hệ thống pin được cho là nguyên nhân khiến "Vòm Sắt" không thể làm chệch hướng các tên lửa của Hamas trong tuần này, dẫn tới cái chết của một số thường dân Israel.
Israel xây tường ngầm, chống "mê cung" hầm ngầm của Hamas
Một binh sĩ Israel trong hầm ngầm từng được sử dụng bởi Hamas. Ảnh: Getty
Kể từ khi xây dựng hàng rào biên giới Israel - Gaza, Hamas đã lợi dụng các hầm ngầm như mê cung để thực hiện các cuộc tấn công trên bộ.
Trong cuộc xung đột năm 2014, Ismail Haniya, cựu lãnh đạo Hamas, ca ngợi hệ thống hầm ngầm "là chiến lược mới trong việc đối phó với sự chiếm đóng của Israel".
Kể từ đó, một cuộc chạy đua vừa xây dựng vừa phá hủy giữa 2 bên diễn ra. Những năm gần đây, Israel đã tìm cách đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ của Hamas từ hầm ngầm, bằng cách xây dựng bức tường ngầm dài 40 km ở biên giới.
Được hoàn thành vào tháng 3, dự án tường ngầm được ca ngợi là "phương án xoay đổi cục diện" và gây ra đe dọa với Hamas khi tổ chức này lựa chọn tấn công trên bộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Israel đang có kế hoạch tấn công nhằm vào Dải Gaza để đáp trả phong trào Hồi giáo Hamas sau khi hứng chịu đợt...