Khó khăn bủa vây các nhà máy Trung Quốc kể cả khi đã kiểm soát dịch Covid-19
Các nhà máy ở Trung Quốc, dù đang phải vật lộn để hoạt động bình thường trở lại sau dịch Covid-19, lại phải đối mặt với một mối đe dọa mới từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, những thứ có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng vi mạch và những linh kiện cần thiết khác.
Cú sốc này đe dọa những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc phục hồi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dù nước này được cho là đã kiểm soát thành công dịch Covid-19. Nó sẽ gây thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh toàn cầu khi các nước phương Tây đóng cửa nơi làm việc, hạn chế đi lại và người tiêu dùng chỉ được phép ở nhà.
Các công xưởng tại Trung Quốc sản xuất hơn 80% linh kiện điện thoại thông minh cho Apple, Samsung và các thương hiệu lớn khác, một nửa số máy tính cá nhân trên thế giới và một phần lớn các thiết bị gia dụng và hàng hóa khác. Nhưng những nơi này vẫn cần chip xử lý của Mỹ và các linh kiện có giá trị cao khác.
Không rõ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Mỹ có thể ảnh hưởng đến thương mại như thế nào, dù lệnh liểm soát cho đến nay vẫn chỉ áp dụng cho khách du lịch, không phải hàng hóa. Dù các nhà máy tại Mỹ hiện vẫn đang hoạt động, nhưng Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ cho biết 39% trong số 300 công ty mà họ khảo sát đã bị gián đoạn nguồn cung.
“Sự gián đoạn liên tục các hoạt động sản xuất ở Mỹ có thể sẽ dẫn đến sự gián đoạn đối với hoạt động sản xuất ở Trung Quốc,” Darren Tay, nhà phân tích rủi ro quốc gia tại công ty Fitch Solutions, cho biết,
Bắc Kinh hiện đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát, vốn khiến các đường phố trở nên vắng vẻ và im lặng, đồng thời tạo nên cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Các công xưởng đang xây dựng lại chuỗi cung ứng - mạng lưới của hàng nghìn nhà cung cấp phụ tùng ô tô, vi mạch và các linh kiện khác.
Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới từ Mỹ có thể gián đoạn các công xưởng tại Trung Quốc (Ảnh: AP)
Giới chức nước này cho biết các nhà sản xuất thép và các ngành công nghiệp quốc doanh khác gần như đã trở lại bình thường. Nhưng điều kiện trở nên bấp bênh hơn đối với các công ty nhỏ và tư nhân, vốn là động lực thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất quần áo, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng khác. Nhiều doanh nghiệp chỉ đang vận hành ở mức dưới trung bình hoặc bị đóng cửa do thiếu nguyên liệu và nhân viên.
Theo ghi nhận từ Phòng Thương mại Mỹ về tình hình khu vực phía nam Trung Quốc hôm 18.3, cứ 6 doanh nghiệp thì có 1 nơi phản hồi với cuộc khảo sát từ ngày 9 đến 14.3 rằng họ đã cạn nguồn cung còn các công ty khác thì đang suy thoái.
Phòng Thương mại cũng cho biết Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác đang chịu thâm hụt sản xuất tới 18%. Chuỗi cung ứng từ Mỹ hiện đang chịu sự gián đoạn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Chỉ hơn một nửa trong số 237 công ty được khảo sát là của Mỹ và ¾ trong số này là các nhà sản xuất. Toàn bộ đều ghi nhận có “một số tác động” gây ra bởi sự gián đoạn nguồn cung kể tử thời điểm dịch bệnh bùng phát.
“Rất nhiều công ty đã ghi nhận một số lượng lớn mặt hàng cần thiết của họ thường xuyên được vận chuyển từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý và Mỹ - các quốc gia hiện đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh,” báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho biết.
Các công xưởng tại Trung Quốc sản xuất hơn 80% linh kiện điện thoại thông minh cho Apple, Samsung và các thương hiệu lớn khác (Ảnh: AP)
Các nhà kinh tế từng giảm dự báo của họ về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay viện dẫn sự gián đoạn đối với nền sản xuất của Trung Quốc và Mỹ là một lý do.
Dự đoán nêu rõ những rủi ro của các chiến lược sản xuất mang tính cắt giảm chi phí bằng việc sử dụng các mạng lưới rộng khắp của các nhà cung ứng và nhà máy ở nhiều quốc gia khác nhau.
Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho biết các thương hiệu điện thoại thông minh có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sự phụ thuộc vào dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc và các nhóm cung cấp linh kiện riêng rẽ.
Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có khả năng cung cấp bộ vi xử lý và các linh kiện điện thoại thông minh khác, nhưng những nhà sản xuất chip tiên tiến nhất vẫn nằm ở Mỹ.
Theo các chuyên gia IDC, những kịch bản bi quan nhất cho thấy sự gián đoạn nguồn cung có thể kéo dài suốt cả năm. Nếu điều đó xảy ra, thì các ngành công nghiệp sẽ vĩnh viễn bị định hình lại một khi chúng bắt đầu phục hồi vào năm tới hoặc vào năm 2022.
Các thương hiệu điện thoại thông minh có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sự phụ thuộc vào dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc và các nhóm cung cấp linh kiện riêng rẽ (Ảnh: AP)
Tập đoàn công nghệ Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, cho biết họ hy vọng sẽ không có thay đổi trong chuỗi cung ứng của mình trong khoảng 3 đến 6 tháng tới. Huawei đã cố gắng loại bỏ các yếu tố từ Mỹ khỏi các sản phẩm của mình vào năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp cản trở việc tiếp cận các công nghệ của Mỹ đối với công ty này.
Các nhà sản xuất ô tô cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, vì họ cũng cần các linh kiện sản xuất từ Mỹ và các nhà cung ứng khác trên toàn cầu, theo ghi nhận từ tổ chức Dịch vụ đầu tư Moody. Ghi nhận này cũng cho biết sự gián đoạn ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp trên toàn thế giới
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thường dựa và các hệ thống sản xuất linh kiện nhỏ lẻ. Họ đã mở lại các nhà máy ở Trung Quốc nhưng cho biết tốc độ phục hồi phụ thuộc vào tốc độ giao hàng từ các nhà cung ứng nhanh đến đâu.
Tập đoàn Ford cho biết trong một tuyên bố là họ sẽ “cẩn thận đánh giá tình hình”, nhưng dự kiến sẽ không làm gián đoạn các hoạt động tại Trung Quốc chỉ vì các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 do chính phủ các nước khác đang áp đặt. Tập đoàn cho biết các nhà máy của họ vẫn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng cần nhiều thời gian để trở lại hoạt động bình thường.
Tập đoàn công nghệ Dell, một trong những nhà sản xuất máy tính để bàn lớn nhất thế giới, cho biết họ đang sử dụng một mạng lưới các nhà cung ứng toàn cầu và sẽ thông báo trước với khách hàng về những thay đổi trong thời gian sản xuất.
“Chúng tôi liên tục tìm hiểu các chiến lược thay thế nguồn cung ứng, sản xuất và hậu cần và sẽ điều chỉnh chúng khi cần thiết,” công ty nói trong một tuyên bố.
Tập đoàn General Electric, hiện đang sở hữu 18.000 lao động tại Trung Quốc, bày tỏ sự tin tưởng chuỗi cung ứng toàn cầu của sẽ mang lại cho công ty “khả năng quản lý linh hoạt và thích ứng với rủi ro.”
Tập đoàn công nghệ Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, cho biết họ hy vọng sẽ không có thay đổi trong chuỗi cung ứng của mình trong khoảng 3 đến 6 tháng tới (Ảnh: AP)
Yếu tố chính trị cũng đang ngày càng chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.
Các nhà sản xuất đã tìm mọi cách để phụ thuộc ít hơn vào Trung Quốc sau thời điểm cuộc chiến thương mại nổ ra vào năm 2018. Nhưng rất ít quốc gia có thể sánh được với lực lượng lao động khổng lồ, các nhà cung ứng hiệu quả cùng hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng mới mẻ của Trung Quốc.
Peter Navarro, cố vấn kinh tế và thương mại của Tổng thống Trump, đã kêu gọi Washington phụ thuộc ít hơn vào các nguồn cung từ Trung Quốc đối với thiết bị y tế và nguyên liệu thô cho dược phẩm.
Theo Gerry Mattios, chuyên gia nghiên cứu chuỗi cung ứng của công ty tư vấn kinh tế Bain & Co, nhiều công ty đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng và địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc từ năm ngoái, nhưng có rất ít lựa chọn hấp dẫn,
“Ngoài lực lượng lao động đông đảo với tay nghề đang lên, Trung Quốc còn là nước đi dầu cùng với Mỹ trong việc nắm bắt các công nghệ kỹ thuật số để làm cho chuỗi cung ứng của mình có tính cạnh tranh cao hơn,” ông Mattios cho hay, “Ngay lúc này, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng các công ty đang nhanh chân rời khỏi Trung Quốc. Thực tế thì rất khó có chuyện đó.”
Một số công ty như tập đoàn điện từ Samsung của Hàn Quốc đã chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để cắt giảm chi phí lao động. Nhưng tổng dân số 90 triệu của Việt Nam vẫn nhỏ hơn tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất tại Trung Quốc, với hơn 100 triệu người.
Các cảng biển, sân bay và cơ sở hạ tầng khác của Việt vẫn chưa đủ khả năng để đáp ứng sự tăng trưởng trong thương mại.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc, kể cả sau dịch Covid-19, vẫn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn,” Mattios nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Boris Johnson cho biết chính phủ Anh đang làm mọi cách có thể để kiểm soát dịch Covid-19 từ việc mua số lượng lớn...