Kho dự trữ khí đốt đầy hơn 90%, vì sao châu Âu còn phải lo?

Kế hoạch cho một mùa đông thiếu khí đốt Nga ở châu Âu, không có chỗ cho những sai số, tờ Wall Street Journal nhận định.

Một cơ sở dự trữ khí đốt ở thành phố Rehden (Đức) (ảnh: Reuters)

Một cơ sở dự trữ khí đốt ở thành phố Rehden (Đức) (ảnh: Reuters)

Mặc dù nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, các nước châu Âu vẫn có cách lấp đầy kho dự trữ khí đốt của họ. Theo dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu, tới giữa tháng 10, các kho dự trữ khí đốt ngầm ở nhiều nước châu Âu đã đầy khoảng 92%.

“Châu Âu có lẽ đã chuẩn bị kỹ càng cho mùa đông. Các cơ sở hạ tầng khí đốt được đầu tư thêm khá nhiều”, Michael Bradshaw – giáo sư về năng lượng toàn cầu tại Trường Kinh doanh Warwick (Anh) – nhận xét.

Theo công ty thông tin năng lượng &P Global Commodity Insights, sau ngày 24/2, khí đốt do Nga cung cấp chỉ chiếm khoảng 6% nhu cầu tiêu thụ của châu Âu, giảm mạnh so với con số 30% trước xung đột Ukraine.

Trong mùa thu, các nước ven biển ở châu Âu liên tục xây thêm cảng nổi tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cho phép họ nhận nhiều LNG từ Mỹ hơn, dù phải mua với giá cao. Bên cạnh đó, châu Âu cũng nỗ lực tiết kiệm năng lượng – bước đi cần thiết để ngăn tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa đông.

Đức đã cho phép một số nhà máy sản xuất điện quay lại dùng than và dầu. Trong khi đó, Pháp đẩy mạnh công suất của các nhà máy điện hạt nhân.

Bằng cách nhập khẩu càng nhiều khí đốt càng tốt từ Na Uy và tăng cường mua LNG từ Mỹ, một số nền kinh tế lớn ở châu Âu có thể “sống sót” qua mùa đông năm nay. Đó là trong trường hợp mọi tính toán đều đi đúng hướng, theo Wall Street Journal.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo về một đợt lạnh kéo dài hoặc đường ống khí đốt hư hỏng, có thể làm đảo lộn kế hoạch năng lượng của châu Âu. Trong tình huống xấu, các nước châu Âu thuộc khối EU buộc phải phân chia nguồn cung khí đốt khẩn cấp, người dân chịu cảnh mất điện và kinh tế suy thoái sâu hơn.

Đây là lý do khiến giới chức châu Âu lo lắng, kể cả khi các kho dự trữ khí đốt có được lấp đầy.

“Đây sẽ là mùa đông bị chi phối bởi nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn”, Roberto Cingolani, Bộ trưởng Năng lượng Italia, nhận định.

“Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng không có điều gì đi chệch tính toán”, ông Cingolani nói thêm.

Theo Wall Street Journal, người tiêu dùng sẵn sàng giảm nhu cầu tiêu thụ điện sẽ là chìa khóa để châu Âu vượt qua mùa đông năm nay. Ngoài ra, một mùa đông ấm áp cũng là điều nhiều người mong đợi.

Tình trạng mất điện diện rộng ở Ukraine (ảnh: CNN)

Tình trạng mất điện diện rộng ở Ukraine (ảnh: CNN)

Rủi ro về trục trặc kỹ thuật hoặc xảy ra sự cố năng lượng là điều giới chức châu Âu lo ngại. Sau vụ đường ống Nord Stream dẫn khí đốt từ Nga sang Đức bị rò rỉ hồi cuối tháng 9, Na Uy đã phải điều quân đội tới bảo vệ các đường ống.

Hồi cuối tháng 10, công nhân thuộc nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Pháp Gravelines tổ chức đình công khiến Paris “toát mồ hôi”, theo Reuters. Trong trường hợp sản xuất điện hạt nhân bị đình trệ, khí đốt sẽ được tăng cường sử dụng.

Sự chia rẽ chính trị của EU cũng cản trở khối này đối phó với khủng hoảng năng lượng. Trong khi Pháp và Italia kêu gọi áp trần giá khí đốt nhập khẩu, Đức và một số nước khác phản đối vì lo ngại dòng khí đốt từ Nga sẽ bị chuyển đi hướng khác.

Châu Âu đang cần tiết kiệm năng lượng và bổ sung lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn bao giờ hết. Nếu mức dự trữ khí đốt giảm sâu trong mùa đông năm nay, việc bổ sung khí đốt vào năm 2023 sẽ khó khăn hơn đối với châu Âu. Chưa có gì đảm bảo Nga sẽ vận hành lại hệ thống Nord Stream, trong khi ngay cả Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu – cũng cảm thấy áp lực vì phải mua LNG giá cao từ Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực hư thông tin châu Âu dư khí đốt

Có thực tế khí đốt ùn ứ ở các cảng châu Âu, giá giảm nhưng điều này chỉ mang tính thời điểm và rồi sẽ nan giải hơn vào năm tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chính Pháp - Wall Street Journal ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN