"Kho báu 3 loài người” trong hầm đá bí ẩn ở Trung Á
Một kho báu khảo cổ vô song vừa được tìm thấy bên bờ suối ở Tajikistan, là nơi 3 loài người khác nhau có thể đã từng chung sống.
Một nhóm khảo cổ đã tìm kiếm dọc dòng sông Zeravshan ở Tajikistan và phát hiện ra một hầm đá bí ẩn là di chỉ của tận 3 loài người khác nhau: Homo sapiens, Neanderthals và Denisovans.
Hầm đá bí ẩn ở Tajikistan là một kho báu khảo cổ vô song vì chứa đựng nhiều hiện vật từ 3 loài người khác nhau, được tạo ra khi họ cùng chung sống - Minh họa AI: ANH THƯ
Homo sapiens chính là "người tinh khôn" hay "người hiện đại", tức là chúng ta. Trong khi đó, 2 loài người còn lại là những người anh em họ cùng chi Homo (chi Người), đã tuyệt chủng khoảng 30.000-40.000 năm trước.
Từ lâu, một số bằng chứng DNA trong chính chúng ta cho thấy 3 loài người này đã có những giai đoạn cùng sinh sống và giao phối dị chủng với nhau.
Một số bằng chứng khảo cổ hiếm hoi cũng ủng hộ điều này, bao gồm các hang động có dấu tích của 2 trong 3 loài người này và những bộ hài cốt mang đặc điểm lai rõ nét giữa 2 loài.
Vì vậy, hầm đá bí ẩn mà các nhà khoa học vừa tìm thấy bên một dòng suối thuộc hệ thống sông Zeravshan ở Tajikistan rất đặc biệt khi chứa tàn tích của cả 3 loài nói trên.
Một số công cụ đá được khai quật từ hầm đá - Ảnh: ĐẠI HỌC HEBREW
Di chỉ này được đặt tên là Soii Havzak, được khai quật từ năm 2023. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã thu thập được vô số dụng cụ đá, xương động vật... chỉ ra hoạt động sinh sống của con người cổ đại.
Theo bài công bố trên tạp chí Antiquity, kết quả giám định sơ bộ cho thấy hầm đá này được con người chọn làm nơi trú ẩn tận 150.000 năm trước và nhiều nhóm người khác nhau đã lần lượt sử dụng nó suốt 130.000 năm.
Không chỉ chứa dấu vết của cả 3 loài người khác nhau, các bằng chứng còn cho thấy họ đã cùng chung sống vào một số thời kỳ.
"Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu đang diễn ra tại địa điểm này sẽ tiết lộ những hiểu biết mới về cách các nhóm người khác nhau có thể đã tương tác trong khu vực này" - TS Yossi Zaidner từ Viện Khảo cổ học thuộc Đại học Hebrew ở Jerusalemm Israel) nói với tờ Live Science.
TS Zaidner cũng giải thích rằng hầm đá này nằm trên tuyến đường gọi là Hành lang núi Nội Á (IAMC) của Trung Á, nơi 3 loài người nói trên chọn làm tuyến đường di cư phổ biến và cũng là nơi họ gặp gỡ, tương tác.
Người cổ đại không phải là những cá nhân duy nhất lựa chọn khu vực này để đi qua.
Thung lũng sông này sau đó đã trở thành một phần của Con đường tơ lụa nổi tiếng, kết nối nhiều nền văn minh từ Trung Quốc đến Đế chế La Mã thông qua hoạt động giao thương sôi động.
Một loài người đã tuyệt chủng 30.000-40.000 năm trước có thể đã để lại dấu vết của họ trong người hiện đại nhiều hơn chúng ta tưởng.
Nguồn: [Link nguồn]