3 vạn quân của Thành Cát Tư Hãn tràn vào Afghanistan, bị đánh thua tan tác ra sao?
Được mệnh danh là “mồ chôn của các đế chế”, Afghanistan nổi tiếng trong lịch sử thế giới là vùng đất khó bị chinh phục. Ngay cả Thành Cát Tư Hãn – người được mệnh danh là bách chiến bách thắng – cũng từng phải lãnh thất bại thê thảm tại đây.
Afghanistan từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất khó chinh phục (ảnh: Reddit)
Năm 1809, một nhà ngoại giao Anh tên Mountstuart Elphinstone đã tới Afghanistan để tìm hiểu về đời sống của đất nước còn bí ẩn này. Nhận thấy Afghanistan bị chia cắt bởi quá nhiều cuộc xung đột, Elphinstone tìm tới một thủ lĩnh bộ lạc lớn tuổi và hỏi vì sao người Afghanistan “có vẻ không thích một chính quyền trung ương?”.
Vị thủ lĩnh đáp rằng: “Chúng tôi hài lòng với sự bất hòa hiện tại. Chúng tôi hài lòng với bạo động. Chúng tôi hài lòng với máu. Nhưng chúng tôi không bao giờ bằng lòng cúi đầu trước một kẻ cai trị”.
Trải qua hơn 2.000 lịch sử, Afghanistan đã kiên cường chống lại mọi cuộc xâm lược. Kể cả những kẻ chinh phạt nổi tiếng thế giới như Thành Cát Tư Hãn cũng phải hứng chịu thất bại ê chề ở nơi đây.
Theo History, dù nằm ở trung tâm Con đường Tơ lụa nối từ Á sang Âu và bị nhiều thế lực nhòm ngó, Afghanistan rất khó bị chinh phục và cai trị vì hai lý do.
Thứ nhất, Afghanistan là nơi sinh sống của nhiều tộc người. Họ sở hữu tinh thần quật cường, luôn đối địch với các thế lực ngoại xâm. Hầu hết các ngôi làng, nhà cửa của người Afghanistan đều được xây dựng kiên cố như một pháo đài.
Thứ hai, địa hình của Afghanistan rất hiểm trở với nhiều ngọn núi cao, khí hậu lại khắc nghiệt. Điều này khiến Afghanistan trở thành vùng đất “khó nhằn” đối với bất kỳ đội quân nào.
Thành Cát Tư Hãn muốn mở rộng đế quốc của mình từ Á sang Âu (ảnh: Genius)
Năm 1218, sau khi tiêu diệt và buộc Tây Liêu sáp nhập Mông Cổ, đế quốc của Thành Cát Tư Hãn trở nên hùng mạnh. Không chỉ nhòm ngó đất đai nhà Tống ở phía Nam Trung Quốc, Thành Cát Tư Hãn còn muốn mở rộng đế chế của mình sang cả Trung Đông và châu Âu.
Kẻ chinh phạt vĩ đại nhất lịch sử Mông Cổ đã phái một đoàn lạc đà gồm 500 người mang theo nhiều châu báu tới Khwarezmia để thiết lập quan hệ ngoại giao. Bấy giờ, Khwarezm là đế quốc hùng mạnh và rộng lớn, bao gồm diện tích Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, nửa Afghanistan và các vùng lân cận ngày nay.
Với tình thân ái, Thành Cát Tư Hãn gửi một lá thư tới Shah Ala ad-Din Muhammad – người cai trị đế quốc Khwarezmia khi đó. Trong thư viết: “Tôi là chủ nhân của những vùng đất mặt trời mọc, còn ngài cai trị những vùng đất mặt trời lặn. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng tình hữu nghị và nền hòa bình vững chắc.”
Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn không biết rằng, người Khwarezmia vốn xem thường những “kẻ du mục lang thang” như dân Mông Cổ. Khi đoàn sứ bộ tới thành phố Otrar, họ đã bị viên quan trấn thủ ở đây là Inalchuq ra lệnh bắt giữ, theo Daily Times.
Thành Cát Tư Hãn tiếp tục gửi 3 nhà ngoại giao khác đến để thương thuyết, nói rõ mục đích muốn thiết lập quan hệ thương mại của mình nhưng bị Shah Ala ad-Din Muhammad khước từ. Shah Ala ad-Din Muhammad thậm chí còn hạ lệnh chém đầu sứ giả và toàn bộ đoàn ngoại giao 500 người của Thành Cát Tư Hãn. Đây là một sự sỉ nhục to lớn đối với Đại Hãn Mông Cổ. Chiến tranh giữa 2 bên nổ ra.
Thành Cát Tư Hãn nổi giận, tuyên chiến với đế quốc Khwarezmia hùng mạnh (ảnh: Brick)
Năm 1219, Thành Cát Tư Hãn kéo 20 vạn quân vượt dãy Thiên Sơn tràn vào Khwarezmia. Với lực lượng 40 vạn quân, Shah Ala ad-Din Muhammad cho rằng quân Mông Cổ là dân du mục, giỏi cưỡi ngựa chứ không quen công thành. Vì vậy chỉ cần ngồi im trấn thủ một cách thụ động là có thể trụ vững. Sau khi quân Mông Cổ rút, quân Khwarezmia sẽ tràn ra truy kích. Tuy nhiên Shah Ala ad-Din Muhammad đã quá ngây thơ.
Sau 5 tháng tấn công tương đối vất vả, Thành Cát Tư Hãn đã hạ được thành Otrar. Ông ra lệnh thảm sát toàn bộ người dân ở đây để trả thù cho đoàn sứ bộ. Viên quan trấn thủ Inalchuq bị xử tử bằng cách rót bạc nóng chảy vào họng.
Mục tiêu tiếp theo của quân đội Mông Cổ là thành phố lớn Bukhara. Thành Cát Tư Hãn cho quân đi vòng qua sa mạc, bất ngờ tập kích Bukhara. Thành trì này nhanh chóng thất thủ. Thành Cát Tư Hãn tập hợp dân trong thành Bukhara lại, tuyên bố mình là sứ giả được thượng đế phái tới để trừng phạt người dân Khwarezmia vì tội ác của họ. Sau đó, ông hạ lệnh xử tử tất cả người dân Bukhara. Tin tức này khiến thủ đô Samarkand của đế quốc Khwarezmia rung chuyển.
Tháng 3.1220, quân Mông Cổ tiến sát kinh đô Samarkand, nơi đang có 10 vạn quân Khwarezmia trấn thủ. Thành Cát Tư Hãn cho quân tấn công rồi giả vờ thua chạy, 5 vạn quân Khwarezmia đổ ra truy kích lập tức bị quân Mông Cổ bao vây. Shah Ala ad-Din Muhammad cho quân từ trong thành đổ ra ứng cứu nhưng bị đánh bật trở lại. Thành Cát Tư Hãn dễ dàng chiếm được Samarkand.
Quân Mông Cổ thảm sát ở mỗi vùng đất chinh phạt được (ảnh: Genius)
Quân đội Mông Cổ tiếp tục chinh phạt nhiều thành phố khác của Khwarezmia. Đi tới đâu, quân Mông cũng thảm sát và cướp bóc dã man. Trong trận công phá thành Nishapur, Thoát Hốt Sát Nhi – con rể Thành Cát Tư Hãn – đã tử trận. Đà Lôi – con út Thành Cát Tư Hãn – sau khi chiếm được Nishapur đã ra lệnh “giết tất cả thứ gì cử động được”, không tha cả chó, mèo, gà… để trả thù.
Sự tàn ác của quân Mông Cổ gieo rắc nỗi kinh hoàng từ Á sang Âu. Câu nói “vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đấy” được cho là xuất hiện trong giai đoạn này.
Theo Sohu, Thành Cát Tư Hãn biết mình có thể thắng cách trận đánh do chiến lược thụ động sai lầm của quân đội Khwarezm. Tuy nhiên, ông cho rằng mình rất khó cai trị được vùng đất này. Vì vậy, mỗi khi chinh phạt thành công một thành trì Khwarezm, Thành Cát Tư Hãn lại ra lệnh thảm sát dã man người dân để trừ hậu họa.
Năm 1220, Shah Ala ad-Din Muhammad qua đời, con trai ông là Jalal ad-Din Mingburnu kế thừa danh hiệu “Shah” (hoàng đế) và hiệu triệu các lực lượng còn sót lại của Khwarezm tử chiến với quân Mông Cổ. Lúc này, Thành Cát Tư Hãn đã gặp đối thủ thực sự.
Kỵ binh Mông Cổ hứng thất bại nặng nề trên đất Afghanistan (ảnh: Sohu)
Với uy tín của mình, Jalal ad-Din tập hợp quân đội ở Parwan, khu vực phía Nam Khwarezm (Afghanistan ngày nay). Đội quân của Jalal ad-Din nhanh chóng tăng lên 6 vạn người, chủ yếu là các binh sĩ bản địa. Cho rằng Jalal ad-Din chưa phải mối đe dọa, Thành Cát Tư Hãn cử người em nuôi là Thất Cát Hốt Thốc Hốt truy sát vị Shah trẻ.
Quá tự tin vào những chiến thắng liên tiếp của quân Mông Cổ, Thất Cát Hốt Thốc Hốt với 3 vạn kỵ binh trong tay cho rằng có thể dễ dàng tiêu diệt đội quân của Jalal ad-Din.
Theo History, sử dụng những kỵ binh giỏi bắn tên để lấy ít địch nhiều là chiến thuật làm nên tên tuổi của người Mông Cổ. Khi ra trận, các kỵ binh Mông Cổ thường dắt theo 2 – 3 con ngựa và rất nhiều mũi tên. Nếu ngựa mệt, kỵ binh Mông Cổ lập tức đổi sang con ngựa khác và tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, trong trận chiến với Jalal ad-Din, kỵ binh Mông Cổ đã nhận thất bại thảm hại khi bị đối phương khắc chế thế mạnh.
Lợi dụng địa hình Afghanistan với nhiều dãy núi hiểm trở, đội quân của Jalal ad-Din giả thua và lừa kỵ binh Mông Cổ vào một thung lũng nhỏ hẹp. Điều này khiến quân Mông Cổ không thể sử dụng đội hình hàng ngang bắn tên quen thuộc, ngựa cũng rất khó di chuyển.
Jalal ad-Din phái 2 tướng của mình là Malik Khan và Sayf Al Din Bugrakh mai phục trên các điểm cao và bắn tên xuống như mưa khiến quân Mông Cổ thiệt hại nặng nề. Thất Cát Hốt Thốc Hốt buộc phải rút lui.
Trong cuộc giao chiến tiếp theo, Thất Cát Hốt Thốc Hốt sử dụng những bù nhìn rơm đặt trên lưng ngựa để thu hút hỏa lực địch. Kế sách này cũng không đánh lừa được Jalal ad-Din. Vị Shah trẻ tuổi nhanh chóng nhận ra những bù nhìn của quân Mông Cổ không có chân. Ông ra lệnh cung thủ cứ nhằm vào chân kỵ binh địch mà bắn. Quân Mông Cổ lại thua đau.
Thắng cả 2 trận, Jalal ad-Din chuyển từ thế thủ sang công. Ông xua đội quân đông đảo lao vào chém giết và bắt sống một số lượng lớn quân Mông Cổ. Những tù binh sau đó bị hành hình bằng cách đóng cọc xuyên qua 2 tai. Thất Cát Hốt Thốc Hốt đại bại, thiệt hơn 2 vạn quân.
Sau thắng lợi quý giá, Jalal ad-Din đã lấy lại nhiệt huyết của binh sĩ Khwarezm. Ông gửi chiến thư đến Thành Cát Tư Hãn, viết: “Ông muốn đánh ở đâu, tôi điều binh tới đó”. Lời thách thức đầy kiêu ngạo của vị Shah trẻ tuổi buộc Thành Cát Tư Hãn phải ra chiến trường.
Tuy nhiên, trong khi Thành Cát Tư Hãn đang thúc quân tiến về Parwan, đối thủ của ông lại chưa đánh đã thua vì thể hiện quá non nớt về mặt chính trị. Jalal ad-Din tỏ ra bất lực khi cố gắng giải quyết mối bất hòa giữa 2 tướng lĩnh tài ba của mình là Malik Khan và Sayf Al Din Bugrakh. Kết quả Sayf Al Din Bugrakh dẫn theo 3 vạn quân dưới trướng rời đi.
Một lần khác, cha vợ của Jalal ad-Din xảy ra tranh chấp về chiến lợi phẩm với một thủ lĩnh Afghanistan. Jalal ad-Din bênh vực cha vợ và ông bị hàng vạn chiến binh Afghanistan bỏ rơi. Những mất mát lớn về lực lượng khiến Jalal ad-Din buộc phải rút lui trước tốc độ tiến quân như vũ bão của quân Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh truy bắt bằng được Jalal ad-Din.
Jalal ad-Din chạy thoát trước sự truy sát của quân Mông Cổ (ảnh: Daily Times)
Jalal ad-Din bị toán quân truy kích của Mông Cổ đuổi kịp khi đang có ý định vượt sông Ấn để trốn. Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh phải bắt sống ông. Jalal ad-Din cùng 700 cận vệ trung thành đã mở đường máu phá vòng vây và vượt sông đầy quả cảm. Thành Cát Tư Hãn nhận xét về Jalal ad-Din:
“Thật may mắn cho kẻ làm cha nào có được đứa con trai như vậy (chỉ Jalal ad-Din)”.
Những chiến binh Mông Cổ muốn vượt sông và bắn tên vào Jalal ad-Din nhưng Thành Cát Tư Hãn ngăn lại. Ông để cho Jalal ad-Din chạy thoát vì cảm phục lòng dũng cảm của vị Shah mới lên ngôi. Thất bại nặng nề trước Jalal ad-Din và những chiến binh Afghanistan là thất bại đầu tiên của quân đội Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn là người lập ra đế quốc có diện tích lớn nhất lịch sử thế giới. Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn khiến...
Nguồn: [Link nguồn]