Khi nút khai hỏa vũ khí nằm trong tay… AI
Các cường quốc đang trong cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác chiến và viễn cảnh con người để máy móc ra các quyết định khai hỏa vũ khí có thể không còn xa.
Một buổi tối mùa hè năm 2020 tại Fort Liberty, căn cứ của quân đội Mỹ ở Bắc Carolina, các binh sĩ Quân đoàn dù 18 ngồi nghiền ngẫm các hình ảnh vệ tinh trên máy tính ở sở chỉ huy. Trước đó ít phút, một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) quét các bức ảnh rồi đề xuất mục tiêu cần tiêu diệt cho các binh sỹ.
Chương trình yêu cầu người lính xác nhận lựa chọn của nó: một chiếc xe tăng đã bị loại biên. Sau khi người lính xác nhận rằng AI đã lựa chọn chính xác, hệ thống gửi tin nhắn tới Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, trụ cột của lực lượng pháo binh Mỹ, chỉ thị khai hỏa. Một tên lửa rít lên trong không trung và bay tới mục tiêu, phá hủy chiếc xe tăng.
Từ thử nghiệm đến thực tế chiến trường
Vụ tấn công nói trên chưa từng có tiền lệ trong quân đội Mỹ, theo Bloomberg. Đó là lần đầu tiên, lính Mỹ tấn công mục tiêu được định vị và xác định bằng AI.
Chưa đầy bốn năm sau, việc Mỹ sử dụng AI trong tác chiến tranh không còn trên lý thuyết hay tập trận. Theo Schuyler Moore, giám đốc công nghệ của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, hồi đầu năm 2024, quân đội nước này đã sử dụng thuật toán thị giác máy tính để định vị các bệ phóng tên lửa của dân quân ở Yemen và các tàu nổi ở Biển Đỏ, xác định mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân Mỹ ở Iraq và Syria.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS của quân đội Mỹ có thể nhận lệnh khai hỏa tấn công mục tiêu từ AI.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có bước nhảy vọt trong việc ứng dụng AI vào quân sự: quân đội Israel cho biết họ sử dụng AI hỗ trợ xác định mục tiêu ở khu vực dải Gaza, trong khi Ukraine sử dụng AI trong nỗ lực đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Nga.
Tuy nhiên, chuyển đổi AI từ phòng thí nghiệm sang thực tế chiến đấu là một trong những vấn đề gai góc nhất mà các nhà lãnh đạo quân sự phải đối mặt. Những người ủng hộ việc áp dụng AI tin rằng các hoạt động tác chiến trong tương lai sẽ sớm diễn ra với tốc độ nhanh hơn tốc độ mà bộ não con người có thể theo kịp. Nhưng các nhà công nghệ lo ngại rằng mạng lưới và dữ liệu của quân đội Mỹ vẫn chưa đủ độ tin cậy. Các binh sĩ ở tiền tuyến không muốn giao phó mạng sống của họ cho phần mềm máy tính, các nhà đạo đức học lo lắng về viễn cảnh đen tối khi con người để máy móc ra các quyết định giết người. Trong khi đó, một số thành viên quốc hội Mỹ và các tổ chức tư vấn diều hâu đang thúc đẩy Lầu Năm Góc hành động nhanh hơn, cảnh báo rằng Mỹ có thể tụt hậu so với Trung Quốc, quốc gia có chiến lược trở thành “trung tâm đổi mới AI chính của thế giới” vào năm 2030.
Quân đoàn 18, lực lượng phản ứng nhanh gồm 90.000 binh sĩ, là đơn vị thử nghiệm lớn nhất của Maven, dự án hợp tác giữa quân đội Mỹ và Google nhằm sử dụng thuật toán nhận diện con người và vũ khí, khí tài trên chiến trường. Dựa vào những đột phá trong lĩnh vực học máy, hệ thống có thể tự học cách tìm kiếm, phân loại các đối tượng dựa trên dữ liệu đào tạo và phản hồi. Nói cách khác, thay vì lập trình sẵn cho máy tính từng bước thực hiện một nhiệm vụ, học máy cho phép máy tính tự "học hỏi" cách thực hiện nhiệm vụ đó bằng cách phân tích dữ liệu và rút ra những quy tắc cho riêng mình.
Các mô hình AI của dự án Maven có thể tìm hiểu, nghiên cứu sự thay đổi của các vật thể. Tất cả được hợp nhất với hình ảnh vệ tinh và dữ liệu định vị địa lý trên một giao diện máy tính duy nhất, được gọi là Hệ thống thông minh Maven. Hệ thống này giúp quân đội Mỹ nắm bắt “nhất cử nhất động” của đối phương, ví dụ xây dựng một căn cứ quân sự mới ở đâu đó.
Ngày càng nhiều sĩ quan Mỹ tin rằng AI sẽ thay đổi cách họ và kẻ thù tiến hành chiến tranh, cho rằng AI có thể cách mạng hóa các hoạt động tác chiến. Lầu Năm Góc đã yêu cầu chính phủ chi hơn 3 tỷ USD cho các hoạt động liên quan đến AI trong bản đệ trình ngân sách năm 2024. Và để dọn đường cho tham vọng của mình, đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc lập luận rằng luật pháp quốc tế không yêu cầu con người kiểm soát vũ khí tự động.
Khi cường quốc nỗ lực ứng dụng AI vào quân sự, lợi thế sẽ thuộc về “những người không còn nhìn thế giới như con người nữa”, hai nhà nghiên cứu Thom Hawkins và Alexander Kott của quân đội Mỹ nhận định hồi năm 2022. “Bây giờ chúng ta có thể bị nhắm bắn bởi thứ gì đó không cần nghỉ ngơi, không bao giờ ngủ”.
Một tiêm kích F-16 của không quân Mỹ được hỗ trợ bởi một máy bay không người lái Kratos XQ-58A Valkyrie do AI điều khiển.
AI làm biến đổi cách thức tác chiến
Hãy tượng tượng cảnh này: Một phi đội máy bay chiến đấu không người lái lao vào không phận thù địch, được hướng dẫn không phải bởi quân nhân dưới mặt đất mà bởi sự tính toán của AI. Với tốc độ xử lý thông tin tình huống cực nhanh, AI đánh giá các mối đe dọa, đưa ra các kế hoạch tác chiến tinh vi rồi triển khai một loạt đòn tấn công chính xác nhằm vào thành trì của kẻ thù. Mỗi thao tác đều được thực hiện với sự hoàn hảo của máy móc khi “bộ óc” của AI thích ứng ngay lập tức với tình huống không chiến thay đổi liên tục.
Đó không phải là trích đoạn phim Hollywood mà là viễn cảnh không chiến trong tương lai, khi giới quân sự kết hợp AI với các loại phương tiện bay mang vũ khí.
Trung Quốc tuyên bố đang phát triển hệ thống “AI không chiến thông minh” có khả năng không chỉ đưa ra các quyết định chiến thuật trong tích tắc mà còn giải thích chiến thuật cho người điều khiển thông qua các công cụ trực quan hóa dữ liệu và ngôn ngữ tự nhiên.
Bấy lâu nay, rào cản lớn nhất của việc ứng dụng AI vào tác chiến là con người nhiều khi không thể hiểu được lý do căn bản đằng sau quyết định của chúng.
Vì AI không thể giải thích cách đưa ra quyết định, quân đội khó tin tưởng và sử dụng chúng rộng rãi. Nhưng với công nghệ mới, AI có thể giải thích lý do cho các hành động của mình, giúp con người hiểu và tin tưởng chúng hơn.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố AI của họ có thể thể hiện một dạng diễn ngôn thông minh, sử dụng từ ngữ, trực quan hóa dữ liệu và thậm chí cả biểu đồ để làm sáng tỏ lý do tại sao nó đưa ra hướng dẫn tác chiến theo cách nào đó. Phi công AI có thể tạo ra sự kết hợp ngôn ngữ học giữa các lĩnh vực logic máy và trí tuệ theo ngữ cảnh của con người. Logic máy (machine logic) là một nhánh của khoa học máy tính và kỹ thuật điện tử liên quan đến việc thiết kế và xây dựng các hệ thống có khả năng suy luận và ra quyết định dựa trên logic.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói sự kết hợp các khả năng này có thể giúp không quân giành chiến thắng với tỷ lệ gần 100% trong các tình huống không chiến mô phỏng. Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào robot, công nghệ bầy đàn, AI và vô số ứng dụng quân sự từ lĩnh vực máy học. Theo báo cáo “Vũ khí AI trong đổi mới quân sự của Trung Quốc” của dự án Global China thuộc Viện Brookings (Mỹ), các chuyên gia và chiến lược gia quân sự Trung Quốc từ Học viện Khoa học Quân sự, Đại học Quốc phòng và Đại học Công nghệ Quốc phòng đã thấy trước trong tương lai AI và các vũ khí thông minh sẽ đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng, thậm chí có khả năng quyết định kết cục các cuộc xung đột trong tương lai. Trung Quốc đang thách thức sự thống trị lâu dài của Mỹ trong lĩnh vực nền tảng tác chiến trên không khi nước này tăng cường đầu tư, nghiên cứu và phát triển một số công nghệ mang tính đột phá.
“Chiến tranh nói chung và chiến tranh trên không nói riêng đang có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ công nghệ tiên tiến. Trong số này, những công nghệ có tác động lớn nhất là lượng tử, AI, siêu âm, tàng hình, nano, thu nhỏ, robotics. Tiềm năng ứng dụng trong tác chiến của AI là rất lớn”, cựu Phó tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ Anil Khosla nói với EA Times.
Mặc dù đã ứng dụng vào quân sự trong một số năm qua, Mỹ hiện vẫn phải vật lộn với sự thiếu rõ ràng của AI. Gần đây, Bộ trưởng Không quân Mỹ đã trực tiếp trải nghiệm những hạn chế trong buồng lái một tiêm kích F-16 khi một AI “đang phát triển” điều khiển chiếc máy bay. Chính vì vậy, Không quân Mỹ vẫn lưỡng lự ứng dụng AI vào việc triển khai các loại vũ khí không chiến, theo EA Times. Tuy nhiên, Mỹ đã khởi động chương trình Replicator (Máy sao chép), được thiết kế để tăng cường khả năng trước sự cạnh tranh ngày càng leo thang, đặc biệt từ Trung Quốc.
Viễn cảnh con người để máy móc ra các quyết định khai hỏa vũ khí có thể không còn xa.
Trọng tâm của Replicator là triển khai nhanh chóng hàng nghìn hệ thống tự động, khai thác sức mạnh của AI, robot và công nghệ tiên tiến. Với ngân sách 1 tỷ USD do Bộ Quốc phòng phân bổ, chương trình Replicator nhằm mục đích xây dựng các phương tiện tự hành nhỏ gọn trang bị vũ khí. Tính đến nay, Lầu Năm Góc đã và đang triển khai hơn 800 dự án AI quân sự, ứng dụng từ việc đơn giản hóa các quy trình, đánh giá các mối đe dọa cho đến nâng cao khả năng ra quyết định trên chiến trường. Một trong các chương trình ấy là “Loyal Wingman”, triển khai các máy bay không người lái hỗ trợ chiến đấu cơ có người lái.
“Xu hướng không chiến hiện đại là kết hợp máy bay không người lái do AI điều khiển với máy bay có người lái, khai thác lợi thế của cả hai”, cựu Phó tư lệnh Anil Khosla của Không quân Ấn Độ nhận xét.
Trong không quân nhiều quốc gia, khái niệm “wingman” được hiểu là phi công lái chiến đấu cơ bay bên cạnh, thường là phía phải của máy bay chỉ huy biên đội. Wingman đóng vai trò hỗ trợ và bảo vệ máy bay chỉ huy và cũng có thể tham gia tấn công khi cần thiết. Với sự phát triển của AI và công nghệ robot, wingman nay có thể là một máy bay không người lái với sự hỗ trợ của AI thay vì một máy bay có người lái.
Mới đây, Lực lượng Đặc nhiệm 59 của Hải quân Mỹ thực hiện một cuộc tấn công mục tiêu mô phỏng bằng tên lửa, tất cả được điều phối bởi một phương tiện không người lái. Các tàu ngầm, xe tăng và tàu chiến thử nghiệm được trang bị AI để định hướng và tấn công các mục tiêu một cách tự động.
Trong khi công nghệ của Mỹ đã phát triển và được chứng minh qua nhiều năm, những tiến bộ của Trung Quốc mới được thể hiện qua những tuyên bố. Tuy nhiên, theo cựu Phó tư lệnh Anil Khosla, không thể xem nhẹ những tuyên bố này.
Theo ông Khosla, việc duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ AI trên không ngoài chuyện chiếm lĩnh ưu thế quân sự còn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Xuất khẩu các công nghệ AI quân sự là nguồn thu nhập quan trọng và góp phần tạo việc làm. Về mặt chiến lược, việc này làm giảm sự phụ thuộc của quốc gia đối với các nguồn bên ngoài.
Khi cuộc chạy đua vũ trang AI ngày càng gia tăng, vượt ra ngoài ngành hàng không để thâm nhập tất cả các lĩnh vực chiến tranh, quốc gia nào giải được bài toán về việc hài hòa trí thông minh máy móc với nhận thức của con người có thể nắm bắt được lợi thế chiến lược rất lớn. Trước tiên là chiếm lĩnh bầu trời, nhưng lợi ích tổng thể còn cao hơn, ông Khosla nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đạt ưu thế vượt trội về công nghệ quân sự kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng lợi thế này dần bị thu hẹp bởi Trung Quốc, nước dường như quyết tâm vươn lên dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), được cho là có khả năng cách mạng hóa chiến tranh.