Khi đồng Euro “ngã ngựa”…
Chuỗi mất giá liên tục của đồng Euro kể từ tháng 9/2024 do mối lo về “sức khỏe” của nền kinh tế châu Âu, cùng với xu hướng tăng giá liên tục của đồng USD được củng cố bởi sự kiện cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, đã khiến đồng tiền chung châu Âu phải xuống đáy thị trường “dạo chơi”.
Chuyện gì đã xảy ra với đồng Euro?
Trong phiên giao dịch ngày 3/1 vừa rồi, đồng euro đã có lúc giảm hơn 1% so với đồng USD, chạm mức 1,025 USD/euro - thấp nhất từ tháng 11/2023. So với đỉnh của năm 2024 được ghi nhận là 1,12 USD/euro vào hồi tháng 9/2024, đồng tiền chung châu Âu đã giảm giá hơn 9% so với USD, chính thức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy yếu trầm trọng.
Đồng Euro đã giảm giá hơn 9% so với USD, chính thức rơi vào tình trạng báo động.
Đồng euro yếu làm cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ châu Âu trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp như ôtô, hàng tiêu dùng và công nghệ. Doanh nghiệp xuất khẩu có thu nhập bằng ngoại tệ có khả năng tăng lợi nhuận nhờ tỷ giá hấp dẫn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi đồng tiền chung châu Âu có “sức khỏe” yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng ở mọi lĩnh vực từ linh kiện điện tử cho đến năng lượng, thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình kìm hãm lạm phát. Doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay vốn nhiều hơn trong khi lợi nhuận đổi lại không cân xứng nếu không tăng giá sản phẩm. Người dân châu Âu sẽ phải chịu mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ do vật giá leo thang.
Điều gì đã làm cho “sức khỏe” đồng Euro suy yếu trầm trọng?
Nguyên nhân đầu tiên gây áp lực mất giá lên đồng euro đến từ chính sự suy yếu rõ dệt của nền kinh tế châu Âu so với kinh tế Mỹ. Trong báo cáo mới đây của công ty S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 12/2024 tại 2 nền kinh tế lớn nhất Eurozone - Pháp và Đức đang trên đà tụt dốc không phanh. Cụ thể, hoạt động sản xuất tại Pháp giảm mạnh nhất từ tháng 5/2020 và sản lượng của các nhà máy ở Đức thấp nhất trong 3 tháng.
Vào tháng 12 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Pháp đã phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 xuống mức 0,9%, giảm thêm 0,3% so với dự báo trước đó. Nền chính trị tại Pháp và Đức đang phải trải qua giai đoạn bất ổn chưa từng có khi các liên minh đảng cầm quyền bị sụp đổ, sức mạnh các đảng hữu được củng cố vững chắc.
Thêm vào đó là dòng chảy khí đốt giá rẻ từ Nga trung chuyển qua Ukraine sang châu Âu đã chính thức bị “khóa van” vào ngày 1/1 vừa rồi. Diễn biến này buộc nhiều nước châu Âu phải lựa chọn các giải pháp sưởi ấm thay thế tốn nhiều chi phí hơn khi mùa đông năm nay nhiệt độ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với bình thường.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá phi mã của đồng USD khi cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử đã trở thành một đòn trời giáng khiến đồng tiền chung châu Âu phải hấp hối. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng cặp tỷ giá euro/USD sẽ giảm mức ngang giá 1 euro tương đương 1 USD trong năm 2025. Mức tỷ giá này xuất hiện lần gần đây nhất vào năm 2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra. Giờ đây, khi nhiệm kỳ cầm quyền của ông Trump chính thức bắt đầu, châu Âu sẽ phải sẵn sàng đón những cơn bão có sức công phá khủng khiếp đến nền kinh tế, gây sức ép mất giá đối với euro.
Đặc biệt là tuyên bố liên quan đến kế hoạch thuế quan mới, ông Trump dự kiến sẽ áp mức thuế mới khá cao lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, đồng nghĩa bao gồm cả hàng hóa từ châu Âu. Tuy ông Trump chưa đưa ra mức thuế cụ thể nào đối với hàng hóa châu Âu nhưng nền kinh tế vốn đang chịu nhiều sức ép như EU được các chuyên gia đánh giá sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề nếu kế hoạch thuế quan mới này được thực thi.
Ông George Saravelos, nhà phân tích của Deutsche Bank, cho biết tác động toàn diện của việc ông Trump áp đặt mức thuế quan mới, siết chặt nhập cư và tăng chi tiêu tài chính ròng chỉ được thị trường tài chính "phản ánh" 30%, cho thấy đồng tiền chung châu Âu có thể bị bán tháo đáng kể nếu các biện pháp này được thực hiện.
Khi ông Trump chính thức lên nắm quyền, cuộc chuyển giao quyền lực sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed buộc phải dịch chuyển theo hướng cứng rắn hơn vì khả năng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm chậm hoặc thậm chí tăng trở lại bởi sự thay đổi trong các chính sách từ chính quyền mới. Trong khi đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thể hiện quan điểm mềm mỏng với nhiều chính sách có chiều hướng nâng đỡ, hỗ trợ các nước trong khu vực tăng trưởng kinh tế trong điều kiện phát sinh nhiều rào cản lớn.
Cụ thể, Fed đã khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua đợt cắt giảm lãi suất với 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9. Ngay sau đó là 2 đợt cắt lãi suất liên tiếp vào tháng 11 và 12, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Fed dự kiến sẽ thay đổi chiến lược để phù hợp khi nền kinh tế Mỹ cho thấy sức bền hiếm có trong thời gian khó khăn vừa rồi thông qua những số liệu thống kê năm 2024. Trong dự báo lãi suất “dot-plot” cập nhật vào tháng 12 vừa qua, giới chức Fed dự báo giảm lãi suất tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025, so với mức dự báo cắt giảm tròn 1 điểm phần trăm đưa ra vào tháng 9.
Đi ngược lại với xu hướng đó, ECB dự kiến có thể đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Trước đó, ECB đã giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trong năm 2024. Dự kiến trong năm 2025, ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất thêm 1 điểm phần trăm nữa để ứng phó với những thách thức về cả kinh tế và chính trị. Việc này có thể gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá hối đoái giữa đồng euro và đồng USD.
Sự leo thang không ngừng của đồng USD đã đẩy các đồng tiền châu Á như yen Nhật, won Hàn, nhân dân tệ Trung Quốc và rupee Ấn Độ xuống mức thấp kỷ lục....
Nguồn: [Link nguồn]
-13/01/2025 21:55 PM (GMT+7)