Khi bệnh tật trở nên "kỳ lạ"

Đợt bùng phát bất thường của đậu mùa khỉ có thể chỉ là hồi chuông mở màn cho một giai đoạn "nổi loạn" của bệnh tật, do con người tự chuốc lấy

Sự bùng phát bất thường của các bệnh như đậu mùa khỉ và sốt lassa đang trở nên dai dẳng và thường xuyên hơn, hãng tin Reuters trích dẫn cảnh báo hôm 1-6 của Giám đốc các trường hợp khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan.

Tử thần giấu mặt

Nếu chưa đầy 1 tháng trước - thời điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên (8-5), Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) còn khẳng định đậu mùa khỉ rất hiếm gặp, "không dễ lây lan giữa người với người và nguy cơ tổng thể đối với cộng đồng là rất thấp" thì đến ngày 1-6, UKHSA thừa nhận bệnh này đang lây lan trong cộng đồng.

Sốt lassa là căn bệnh lây chủ yếu qua tiếp xúc với thực phẩm hay động vật bị nhiễm bệnh, lưu hành ở Tây Phi nhiều năm nhưng chỉ lẻ tẻ. Năm 2021 có 8 trường hợp mắc, trong đó 7 người tử vong ở Guinea, đã được coi là một đợt bùng phát. Nhưng trong năm 2022, theo phát ngôn gần nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nigeria Olorunnimbe Mamora được Daily Post trích dẫn, chỉ từ đầu năm đến giữa tháng 4, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 132 người Nigeria trong số 3.700 ca nhiễm và nghi nhiễm.

Biến đổi khí hậu - phần lớn do hoạt động công nghiệp của con người gây ra - tàn phá cuộc sống về nhiều mặt, bao gồm sức khỏe. Theo tiến sĩ Ryan, biến đổi khí hậu góp phần làm thay đổi nhanh chóng các điều kiện thời tiết, hành vi của động vật và con người, khiến các bệnh thường lưu hành ở động vật dễ lây lan sang người hơn và trở thành hiểm họa khi vô tình cộng dồn với các yếu tố khuếch đại dịch bệnh khác từ hành vi của cộng đồng.

Châu Phi là nơi hứng chịu thảm họa khí hậu lẫn bất bình đẳng về y tế. Trong ảnh: Một em bé ở trại tị nạn Kaxareey dành cho những người chạy trốn khỏi đợt hạn hán nghiêm trọng ở Dollow, vùng Gedo - Somalia ngày 24-5 Ảnh: REUTERS

Châu Phi là nơi hứng chịu thảm họa khí hậu lẫn bất bình đẳng về y tế. Trong ảnh: Một em bé ở trại tị nạn Kaxareey dành cho những người chạy trốn khỏi đợt hạn hán nghiêm trọng ở Dollow, vùng Gedo - Somalia ngày 24-5 Ảnh: REUTERS

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lý giải: Những mùa đông ngắn và ít lạnh, thời tiết nóng hơn quanh năm giúp muỗi và bọ ve - các vật chủ trung gian ưa thích của nhiều loại mầm bệnh - dễ sinh sản và mở rộng môi trường sống.

Thống kê từ năm 2004 đến 2018 cho thấy số ca bệnh truyền từ muỗi, ve và bọ chét đã tăng hơn gấp đôi ở Mỹ. Biến đổi khí hậu cũng buộc nhiều động vật tìm đến môi trường sống mới, mang theo mầm bệnh; cũng như tàn phá nguồn nước sạch. Nhiệt độ tăng cao thúc đẩy sự sinh trưởng của nấm, bao gồm các loại gây nhiễm trùng chết người.

Theo WHO, với tốc độ như hiện tại thì trong giai đoạn 2030-2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và stress do nhiệt. Chi phí thiệt hại trực tiếp cho sức khỏe lên đến 2-4 tỉ USD/năm vào năm 2020.

Bài toán bình đẳng

"Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách, bao gồm dẫn đến tử vong và bệnh tật do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên như sóng nhiệt, bão, lũ lụt...; gây gián đoạn hệ thống lương thực, gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật và thức ăn, nước uống; tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm suy yếu nhiều yếu tố xã hội quyết định đến sức khỏe tốt như sinh kế, bình đẳng, khả năng tiếp cận và chăm sóc sức khỏe và các cơ cấu bảo trợ xã hội" - WHO phân tích.

Tuần trước, khi các nước phương Tây đang tăng tốc tìm mua vắc-xin, thúc đẩy các nghiên cứu khoa học trước đợt bùng phát bất thường của đậu mùa khỉ, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nghèo đói tại Trường ĐH Oxford (Anh), ông Peiro Olliaro, cảm thán: "Thật thất vọng khi thế giới chỉ dậy sóng vì một căn bệnh khi nó tấn công các nước thu nhập cao. Để chuẩn bị cho đại dịch, bạn phải làm điều đó ở nơi có dịch bệnh".

Somalia đang chịu đựng thảm họa khí hậu - ảnh từ trên không chụp trại tị nạn Iftin trên vùng đất khô cằn bang Jubaland - Somalia, hồi tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS

Somalia đang chịu đựng thảm họa khí hậu - ảnh từ trên không chụp trại tị nạn Iftin trên vùng đất khô cằn bang Jubaland - Somalia, hồi tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin AP, nhiều bác sĩ khác cũng thừa nhận một "thực tế xấu xí" là các nguồn lực để làm chậm sự lây lan của đậu mùa khỉ có sẵn từ lâu, chỉ là không dành cho người châu Phi, những người đã đối phó với nó trong nhiều thập kỷ. Trong năm nay, châu Phi báo cáo số ca đậu mùa khỉ gấp 3 lần con số hơn 550 mà 4 châu lục ngoài vùng lưu hành ghi nhận. Chỉ riêng Congo đã có số ca gần bằng 4 châu lục kia cộng lại: 465 ca, với 9 người tử vong.

"Chúng ta phải có một phản ứng toàn cầu đối với đậu mùa khỉ để tránh nó trở thành dịch bệnh lưu hành ở nhiều quốc gia. Điều cực kỳ quan trọng hiện nay là ngăn chặn mọi khả năng tái diễn việc tiếp cận bất bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19 mà các nước châu Phi đã trải qua trong thời kỳ đại dịch" - tờ Medical Xpress dẫn lời Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO châu Phi. Các bác sĩ ở châu Phi cho rằng khi phương Tây đang chạy đua chuẩn bị nguồn lực vắc-xin và thuốc điều trị, người châu Phi cũng nên nhận được điều đó. Tiến sĩ Ifedayo Adetifa, người đứng đầu CDC Nigeria, nhấn mạnh: "Chúng ta đang ở trong một thế giới được kết nối toàn cầu. Sẽ không ai an toàn cho đến khi mọi người an toàn". 

Kêu gọi khẩn cấp

Liên minh vắc-xin COVAX vừa phải lặp lại lời kêu gọi hành động khẩn cấp cho công bằng vắc-xin hôm 20-5, đăng tải trên website của WHO: "Sự bất bình đẳng giữa các quốc gia thu nhập thấp hơn và cao hơn đang tiếp tục gây thiệt hại cho cuộc sống và đang kéo dài đại dịch (Covid-19), bằng cách gia tăng mối đe dọa do các biến thể mới, có khả năng nguy hiểm hơn xuất hiện".

Chỉ có 16% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm 1 liều vắc-xin Covid-19, so với 80% ở các nước thu nhập cao. "Tại các quốc gia thu nhập thấp, nhiều người có nguy cơ cao nhất xã hội - nhân viên y tế, người già, người bệnh nền - không được bảo vệ trong khi người trưởng thành trẻ, khỏe được tiêm những liều tăng cường ở các quốc gia giàu có" - COVAX nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

12 quốc gia ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ, Việt Nam giám sát chặt chẽ

Đại diện cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết các đơn vị chức năng trong nước đang theo dõi, giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ khi các ca mắc và nghi nhiễm đã được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH THƯ ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN